Cưỡi trên yên xe Vespa hay từng khao khát sở hữu dòng xe máy thời thượng này, bạn đã từng biết đến câu chuyện đáng khâm phục về lịch sử xe Vespa?
Sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, nhiều cơ sở hạ tầng của nước Ý bị phá hủy, đất nước chịu khoản nợ vô cùng lớn. Đặc biệt, ngành công nghiệp ô tô thời kỳ chiến tranh gần như chỉ sản xuất phục vụ quân đội, khi hậu chiến vẫn không thể quay đầu trước tình trạng khủng hoảng nặng nề.
Đối mặt với tình cảnh tồi tàn đó là ông Enrico Piaggio, nhà sáng lập của tập đoàn Piaggio lớn nhất nhì nước Ý vào thời bấy giờ. Trước chiến tranh, gia đình Piaggio vươn lên trở thành một thế lực trong ngành động cơ, ô tô và đầu máy xe lửa. Giống với nhiều doanh nghiệp sản xuất thời chiến và bị chiến tranh phá hủy trong nhiều năm liền tới mức trở thành đống sắt vụn.
Nhưng với Enrico Piaggio, đây lại là cơ hội thay đổi. Ông tự mình trải nghiệm những khó khăn trong di chuyển sau chiến tranh. Lúc này, người Ý cần một phương tiện di chuyển an toàn, linh hoạt, thích ứng với hạ tầng tồi tệ. Mẫu xe đặc biệt được chú ý là xe Cushman, loại xe được sử dụng rất nhiều bởi quân đội Mỹ khi di chuyển giữa các doanh trại.
Lính Mỹ trên chiếc xe Cushman.
Thế nhưng vì sinh ra trong thời chiến nên mẫu xe này hoàn toàn không thoải mái và đẹp mắt. Enrico cảm thấy khó khăn với loại xe này không chỉ về kỹ thuật mà còn là thẩm mỹ. Nhưng may mắn, do lệnh cấm đầu tư và nghiên cứu trong 10 năm nên hàng chục kỹ sư hàng đầu Ý đã có cơ hội quy tụ trong nhà xưởng Piaggio với mục tiêu xây dựng một mẫu xe vừa đủ bền và linh hoạt để di chuyển trên đường xá đổ nát, vừa đủ rẻ để đa phần người dân có cơ hội sử dụng.
"Con ong" của nước Ý
Mẫu thiết kế đầu tiên của Piaggio ưu tiên "bảo vệ" người dùng tránh khỏi đất đá, dầu mỡ và nhất là mùa mưa. Khi mẫu đầu tiên được hoàn thành, chính Enrico Piaggio cảm thấy ấn tượng với thiết kế và tiếng động cơ tới mức ông thốt lên: "Sembra una vespa!" (Nó cứ như con ong ấy). Chính vì câu nói này mà kiểu xe mới được đặt tên là Vespa. Và ngay sau đó, với cấu thành đơn giản, chi phí thấp..., Vespa nhanh chóng được đưa vào sản xuất và bán ra trên thị trường vào năm 1946.
Năm đầu kinh doanh, ông Enrico bán được 2.500 chiếc xe, Vào năm 1948, con số nhanh chóng tăng lên 10.000 chiếc và thành công đến nhanh chóng khi cuối năm 1949 khi ông bán được 60.000 chiếc Vespa. Người dùng khắp nước Ý trở nên mê mẩn với mẫu xe này với sự gọn nhẹ - sạch sẽ - an toàn. Vespa có thể bắt gặp ở bất cứ ngõ ngách nào tại Ý vào thời kỳ đó.
Năm 1948, Vespa xuất sang thị trường Ấn Độ và giữ vị trí độc quyền hàng chục năm. Vespa cũng nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường Mỹ ngay sau bộ phim kinh điển "Roman Holiday" được công chiếu với cảnh nữ diễn viên huyền thoại Audrey Hepburn chạy một chiếc Vespa. Ước tính có đến 100.000 chiếc Vespa được bán nhờ vào ảnh hưởng của tác phẩm này.
Người Âu - Mỹ sau đó dần chuyển sang sử dụng xe hơi, Piaggio chuyển hướng sang châu Á, đặc biệt là những quốc gia đang phát triển. Sau này, nó cũng nhanh chóng trở thành một "tuyên ngôn thời trang" ở thị trường Việt Nam. Cùng nhiều cơ sở xản xuất, Vespa đã tự mình khai phá ra thị trường "xe máy cao cấp" mà Honda và các hãng xe khác đang bỏ lỡ, trở thành một biểu tượng của "đẳng cấp" cho đến ngày nay.
Dù sinh ra tại Ý và với mục tiêu chống chọi với hoang tàn chiến tranh nhưng Vespa nhanh chóng vươn lên trở thành biểu tượng quật cường của nước Ý. Câu chuyện thành công của ông chủ Enrico Piaggio gợi nhớ chúng ta về bài học bất hủ: "Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường". Và dù đường đi có tan nát như thế nào đi chăng nữa thì chúng ta vẫn còn có Vespa để "vi vu".
Theo Cafebiz.vn
Honda Việt Nam "không biết gì" về thông tin ra mắt dòng xe máy điện có chữ Honda