Theo thông tin được đăng tải, do có điều kiện nên anh Trương ở Trung Quốc mạnh tay tậu hẳn một chiếc Lamborghini Gallardo có giá tới vài triệu NDT. Một ngày nọ, anh lái xe đến gặp bạn bè nhưng không có chỗ đậu xe công cộng nên đành phải đỗ sát lề đường.
Ngờ đâu, khi quay lại, anh “nổi cơn tam bành” khi phát hiện chiếc xe mới tinh của mình xuất hiện vài vết xước nham nhở, tự hỏi ai lại vô ý thức và bất cẩn đâm vào xe anh. Được biết, do giá trị chiếc xe quá cao, việc có một vết trầy cũng rất tốn chi phí sửa chữa.
Khi dần bình tĩnh lại, anh Trương phát hiện mẩu giấy do người làm xước xe để lại, nội dung bên trong khiến anh khá xúc động. Hòa ra, người làm trầy xước xe anh là một cậu học sinh THCS. Khi đang đi trên đường, cậu bé vô tình va vào chiếc Lamborghini đắt tiền.
Trong mẩu giấy để lại, cậu bé xin lỗi chủ xe và khẳng định mình không trốn tránh trách nhiệm. Cậu bé cho biết đã cố gắng đợi chủ xe nhưng mãi không thấy nên đã để lại vài lời nhắn kèm theo thông tin liên lạc, tỏ ý sẵn sàng bồi thường và giải quyết sự việc đến cùng.
Lời nhắn của nam sinh khiến nỗi bực dọc trong lòng anh Trương bỗng chốc tan biến. Một cậu bé biết xin lỗi và chịu trách nhiệm như vậy chắc chắn là một đứa bé ngoan, không ai muốn trách phạt cả. Anh Trương sau đó đã gọi vào số điện thoại mà nam sinh để lại để báo rằng cậu không cần bồi thường.
Bất cứ ai cũng có thể mắc sai lầm nhưng dám dũng cảm nhận lỗi và chịu trách nhiệm mới là điều đáng quý. Cách cư xử đẹp bao giờ cũng nhận được sự tha thứ và thông cảm của người bị hại. Do đó, cha mẹ nên sớm dạy con phải biết tự chịu trách nhiệm và nói lời xin lỗi chân thành. Khi đối phương cảm nhận được sự chân thành của trẻ và hiểu rằng điều xảy ra là không mong muốn thì việc tha thứ sẽ dễ dàng hơn.