Đa số giáo viên đều mong mỏi "có thể sống được bằng lương", nhưng nhiều năm đã trôi qua, giấc mơ đó cũng khó có thể thành hiện thực với nhiều người. Lương giáo viên không đủ sống dường như là nỗi buồn chung của nhà giáo.
Chật vật với đồng lương bèo bọt
23 năm cống hiến cho ngành giáo dục nhưng mỗi kỳ nhận lương, cô B.T.D (sinh năm 1978, Hà Nội) đều rớm nước mắt. So với áp lực và sự vất vả của nghề, số tiền nhận lại với cô quá bèo bọt.
Chồng cô là công nhân một xí nghiệp gần nhà, tổng thu nhập mỗi tháng của hai vợ chồng chỉ nhỉnh hơn 10 triệu lẻ mấy trăm ngàn. Số tiền này, cô phải chia thành các quỹ, chắt bóp tối đa mới đủ để trang trải.
Nhiều giáo viên chật vật muôn nghề mưu sinh vì tiền lương bèo bọt. (Ảnh minh họa)
Cô D tốt nghiệp cao đẳng sư phạm năm 2002, bắt đầu dạy hợp đồng ở một trường cách nhà gần chục cây số với mức lương 210.000 đồng/tháng. "Ngày mới vào nghề, tôi nghỉ hè không lương, không được đóng bảo hiểm xã hội, dù vậy vẫn thấy hạnh phúc vì được cống hiến cho nghề", cô nói. Khi ấy, dù "trăm bề khó khăn", cô giáo này vẫn kiên định với sự lựa chọn của mình vì tin "có duyên có nợ với nghề".
Năm 2007, cô D đỗ viên chức sau 3 lần thi và được chuyển về công tác tại trường cách nhà khoảng 3km. Thời điểm ấy, cô sinh con thứ 2, hai vợ chồng cố gắng chống đỡ gánh nặng cơm áo vì đồng lương eo hẹp. Ngày đi dạy, tối về cô tự tìm hiểu, tự học hỏi làm bảo hiểm để kiếm thêm thu nhập. Số tiền kiếm được không nhiều, nhưng giúp gia đình cô thêm khoản thu nhập.
"Con cái nheo nhóc, nhìn thương lắm nhưng không làm thì lấy đâu ra tiền mua bỉm, mua sữa cho con. Trăm thứ tiền đổ đầu, mệt vẫn phải cố thôi", cô D nói. Nhiều lần quá kiệt sức vì nỗi lo cơm áo đè nặng, cô nghĩ đến chuyện rời bỏ ngành giáo dục. Khi suy nghĩ ấy thoáng qua, cô bật khóc không kiềm chế được, bởi lẽ, nghề giáo là ước mơ và đam mê suốt nhiều năm của cô.
Người giáo viên giằng co trước hai con đường, chọn đam mê thì cái nghèo đeo đuổi, còn rời khỏi ngành thì "nghĩ thôi cũng đau lòng đến nghẹt thở". Cô tự vấn bản thân "nếu không làm nhà giáo, tôi sẽ làm gì đây". Cô tự vượt qua những phút yếu lòng như thế để tiếp tục sự nghiệp cầm phấn.
Đi dạy với tấm bằng cao đẳng, cô D luôn ý thức tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ. Cô giáo này từng nộp hồ sơ liên thông lên đại học, nhưng vì lớp quá ít người nên không mở được. Mãi đến năm 2019, cô mới có cơ hội đi học và lấy được tấm bằng đại học vào năm ngoái.
23 năm đứng lớp, cô liên tục nhận các giải thưởng giáo viên dạy giỏi, lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua cơ sở. Năm ngoái, cô được nhận kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Giáo dục". Dẫu nhiều thành tích nhưng cô vẫn buồn lòng vì lương giáo viên không đủ nuôi con học đại học. Hiện con lớn của cô D đang học Đại học Bách khoa Hà Nội và con nhỏ năm nay vào lớp 12.
Con không dám học sư phạm
"Vô số lần hai vợ chồng tôi định bỏ nghề giáo vì không lo được cuộc sống với đồng lương eo hẹp. Đặc biệt, khi vào hè không có lương, chúng tôi xoay sở đủ nghề như đi đưa thư, cấy ruộng mới đủ để trang trải sinh hoạt phí", đó là câu chuyện của cô N.T.T - giáo viên với thâm niên 19 năm.
Cô N.T.T hiện là giáo viên bộ môn Giáo dục công dân ở ngoại thành Hà Nội. Cô T kể, năm 2003, ngày nào cô cũng lọc cọc đạp xe đạp đi dạy với mức lương giáo viên hợp đồng môn phụ là hơn 200.000 đồng/tháng. Sau đó cô lấy chồng, sinh 2 con, cuộc sống càng chật vật hơn khi chồng cũng là giáo viên hợp đồng. Đến năm 2018, cô T học liên thông đại học và nhận bằng vào năm 2022.
Ngày nhận bằng, cô cứ đinh ninh "có bằng đại học chắc sẽ có mức lương tốt hơn". Quãng thời gian sau đó, cô "vỡ mộng" vì nỗi lo cơm áo gạo tiền vẫn bủa vây gia đình cô. Cô T nói, lương của cô hiện ở bậc 5, hạng III THCS.
Mỗi tháng cô thực lĩnh hơn 8 triệu đồng bao gồm cả lương và phụ cấp. Số tiền này phải "tiêu dè chừng" nếu không sẽ không đủ phí sinh hoạt, nuôi con ăn học hàng tháng. Con trai lớn của cô chuẩn bị vào đại học, còn con gái nhỏ học lớp 11.
Dù yêu thích và tự hào về bố mẹ nhưng hai con của cô cũng không dám theo học ngành sư phạm. Cô cũng khuyên con nên chọn ngành khác theo học, cuộc sống sau này sẽ tốt hơn. Nhiều đêm mất ngủ vì bao năm kinh nghiệm dạy học nhưng lương của cô chỉ bằng học trò vừa ra trường.
Hầu hết các giáo viên đều nhận định, nghề giáo là nghề "người ngoài nhìn vào tưởng chừng rất hào nhoáng, nhưng chỉ có ai trong cuộc mới thấu hiểu những vất vả, mệt nhọc mà lương thì thấp, không đủ trang trải cuộc sống".