Người phụ nữ ngồi xe lăn cùng chàng kĩ sư người Úc: "Vân là cao thủ tán giai mà"

Ở tuổi 32, Vân đã có đủ những thứ mà một người phụ nữ bình thường mong muốn: sự nghiệp và một người đàn ông chia sẻ cuộc sống với mình.

Nguyễn Thị Vân - chủ tịch hội đồng quản trị Trung tâm Nghị Lực Sống - xuất hiện trong cuộc Đối thoại trẻ tại không gian văn hóa Cà phê thứ bảy (3A Ngô Quyền, Hà Nội) hôm 20-7 cùng với ông xã Neil Bowden Laurence. 

Trông Vân thật tươi tắn với chiếc váy hoa và thật thoải mái trên chiếc xe lăn của mình. Ở tuổi 32, Vân đã có đủ những thứ mà một người phụ nữ bình thường mong muốn: sự nghiệp và một người đàn ông chia sẻ cuộc sống với mình.

Nguyễn Thị Vân bên ông xã Neil Bowden Laurence - Ảnh: NAM TRẦN

Vân "bất tiện" thôi

Có thể với Vân, việc có được Neil Bowden Laurence là "chuyện gì phải đến sẽ đến", nhưng với những người phụ nữ bình thường có nhiều lợi thế hơn Vân, chắc chắn ai cũng muốn hỏi Vân câu này: "Bí quyết của Vân là gì?". 

Câu trả lời của Vân đã khiến khán giả cười ồ: "Một người đàn ông đang chán đời, tự dưng có một cô tán nên chốt luôn chứ sao. Vân là cao thủ tán giai mà".

Neil Bowden Laurence là người Úc gốc Anh, đã sống một cuộc đời kỹ sư cứ ba tuần lại bay đến một nơi khác để làm việc, cho đến ngày anh cảm thấy cuộc sống đó thật vô nghĩa. Rồi anh bắt gặp nụ cười của một phụ nữ Việt Nam trên Facebook. Dù cô ấy ngồi xe lăn, nhưng cô ấy có một đời sống thật phong phú. Chỉ một đôi câu trò chuyện qua mạng, anh quyết định bay sang gặp Vân và một năm sau họ làm đám cưới.

Cuộc sống vốn dĩ đơn giản như cách Vân và Neil chọn nhau. Người ngoài thấy mối quan hệ này bất khả thi, bởi vốn quen với cách nghĩ phức tạp mà thôi. Từ lâu Vân đã tìm được cách đơn giản hóa sự đời, cô đã tìm thấy đôi cánh tự do của mình.

Sự tự do ấy đã cho Vân một sức hấp dẫn tự nhiên. Cô là chính mình một cách chân thành, giản dị, không mất công màu mè. Tất cả những người tham gia buổi Đối thoại trẻ hôm đó đều bị Vân thu hút bởi cách nói chuyện rất giản dị, hài hước.

Vân từ chối bị gọi là người khuyết tật, vì theo Vân, khuyết tật là một "nhãn dán" rất bất lợi cho sự phát triển. "Mình bất tiện thôi (rất bất tiện). Mỗi lần đi đâu cũng phải có một người bê, vào thang máy mình cần tới hai thanh niên đẹp trai bê. Mình di chuyển rất sang chảnh, toàn bằng taxi, hôm nào không gọi được thì ở nhà". Nghe cách Vân nói thản nhiên về tình trạng của mình như thế, tất cả mọi người đều phải bật cười.

"Nguyễn Thị Vân là người phụ nữ có nhiều chữ "T" nhất mà tôi biết: Cô ấy lúc nào cũng tươi tắn, tỉnh táo, trung thực, tự tin, tự trọng, tự tại, tử tế, từ tâm. Với tất cả những chữ "T" đó, cô ấy có thể sống thanh thản."- Nhạc sĩ Dương Thụ

Đã từng sợ hãi, cho đến khi không còn sợ hãi

Thời đi học thực sự là ác mộng với Vân khi cô bị những đứa trẻ hành hạ. Mùa đông thỉnh thoảng Vân bị bạn học nhốt trong lớp học tối om và bật quạt. Cô thường xuyên phải nhịn tiểu từ 6h sáng đến tận chiều khi mẹ đón về.

"Ai cũng nói trong trường có ma, có lúc Vân phải ngồi một mình trong phòng, sân trường vắng ngắt. Lúc đó Vân tưởng tượng một anh đẹp trai đeo kính cận mặc áo kẻ ngồi bên mình. Hình ảnh thiên thần hộ mệnh đó đã giúp Vân vượt qua 12 năm học", nghe Vân chia sẻ xong, mọi người cười mà thương.

Cuộc đời của Vân có quá nhiều khó khăn, chật vật, nhưng Vân nói cô gần như chẳng còn nhớ gì nhiều. Khi khán giả gặng hỏi, cô mới nhớ ra cú sốc đã "kiến tạo" nên con người cô bây giờ.

Lớp 4, Vân có gặp một Việt kiều Mỹ, người chuyên đưa những đứa trẻ khuyết tật của Việt Nam sang Mỹ chữa bệnh. Người phụ nữ này đã gieo cho Vân hi vọng một ngày nào đó cô sẽ được chữa khỏi. Vân đã "bóc lịch" chờ mòn mỏi 3 năm, đến năm học lớp 7, bà Việt kiều trở về nói tới lượt Vân đi nhưng gia đình phải đóng 500 USD. Sau khi tìm hiểu, gia đình Vân biết người phụ nữ này chỉ lợi dụng người khuyết tật.

"Giấc mơ sụp đổ, mình rơi vào tuyệt vọng và nuôi ý nghĩ... trả thù bà ấy. Mình đã trả thù bằng cách học tiếng Anh, nuôi ý định viết đơn kiện bà ấy tới tổng thống Mỹ. Sau này mình đã được đi Mỹ mà không cần bà ấy. Dần dần Vân hiểu ra, mình không ghét bà ấy, mình vẫn có tình thương trong người và đã không trở thành người bất cần vì những gì bà ấy đã gây ra" - Vân kể.

Sau lần đó Vân chợt nhận ra "cái chết mình còn không sợ thì chẳng sợ gì nữa". Sự kiên cường, mạnh mẽ, lạc quan của mẹ khiến Vân thấy chẳng có lý do gì mình phải bi quan.

Học hết lớp 10, Vân xin phép cha mẹ cho chuyển ra huyện Diễn Châu, Nghệ An, cách nhà 30km để mở một quán Internet. Cô kinh doanh rất thành công, nhưng cửa hàng lại nằm trọn trong khu vực xã hội đen, thỉnh thoảng lại có người chạy vào: "Vân cho anh mượn con dao".

"Thỉnh thoảng bảo kê lại đến xin tiền. Lúc đó Vân tự nhủ: ok, đây chính là mặt khác của cuộc sống, giờ mình đã biết. Mình học được bài học, mình phải là người bảo vệ mình, có khóc mình cũng phải tự ôm mình khóc" - Vân nói.

Năm lớp 12, Vân xin cha mẹ tiền vào miền Tây để biết ngoài kia có gì. Vân vào đây học tin học nhưng lại trọ gần khu bia ôm. Sau đó cô tiếp tục vào Sài Gòn, nhưng sống ở đây không hợp nên ra Hà Nội và ở lại đây đến giờ đã được 12 năm.

"Lúc ở nhà mẹ lúc nào cũng nói không được ra ngoài đường vì nhiều tai nạn, cướp, giết, hiếp. Vân nghĩ một khi đã đen thì ngồi nhà cũng chết. Nên tốt nhất đừng để nỗi sợ giới hạn bản thân mình, mình phải học kỹ năng để phòng tránh, thay vì sợ hãi" - Vân nói.

Vân và anh trai là Hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng đều bị căn bệnh teo cơ tủy sống. Năm 2012, anh trai của Vân qua đời. Sau đó Vân đã đứng ra gánh vác Trung tâm Nghị Lực Sống do anh thành lập, cũng như sống thay phần đời của anh.

***

Hỗ trợ cho cộng đồng khuyết tật ở Việt Nam

Cách đây hơn ba năm, Nguyễn Thị Vân cùng những người bạn đã thành lập Công ty cổ phần dịch vụ Nghị Lực Sống (Imagtor). Công ty này chuyên cung cấp dịch vụ chỉnh sửa ảnh, video cho các công ty bất động sản, thương mại điện tử quốc tế. Hiện công ty đã có 69 nhân viên. Khách hàng của công ty 40% là khách châu Âu, 50% là khách châu Mỹ... Vân quyết mở công ty để có nguồn kinh phí hỗ trợ cho Trung tâm Nghị Lực Sống. Sứ mệnh của Công ty Imagtor là dành 40% lợi nhuận hỗ trợ cho cộng đồng khuyết tật ở Việt Nam.

Theo:Tuoitre