Dù đi làm thêm các công việc part-time hay freelance khá nhiều thời còn đang là sinh viên, Trần Phương (24 tuổi, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn cảm thấy không thể bắt kịp với môi trường văn hóa công sở khi đi làm toàn thời gian.
Từng làm chuyên viên bán hàng cho một công ty về thiết bị và linh kiện điện tử, cô gái trẻ cảm thấy chán nản khi mỗi ngày phải di chuyển với khoảng cách 15km tới nơi làm việc, sau đó là nhận hàng đống giấy tờ để xử lý và gửi đối tác.
“Đối với mình, làm việc tại văn phòng không thoải mái bằng làm việc online. Nếu đam mê công việc, sếp và đồng nghiệp “dễ thương” thì không nói nhưng gặp môi trường độc hại, đi làm xa hay bị áp lực vô lý trong công việc... thì thực sự rất đau đầu.
Khi làm online, mình được chủ động giờ giấc sinh hoạt và làm việc, miễn là có trách nhiệm, đảm bảo tiến độ công việc. Mình cũng sẽ không bị "soi" hôm nay đi làm mặc trang phục gì, sao mặt lại có biểu cảm này nọ hay hàng loạt những câu hỏi vô duyên khác”, Trần Phương nói.
Mệt mỏi với những áp lực, Trần Phương quyết định nghỉ việc và chuyển sang làm design freelance để có thêm nhiều thời gian để nghỉ ngơi hơn mỗi ngày. Dù vậy, cô gái 24 tuổi cũng cho biết sẽ trở lại văn phòng khi cảm thấy sẵn sàng, ổn định hơn để quen hơn với tập thể, cũng như sự ổn định lâu dài.
Giống như Trần Phương, Hoàng Long (26 tuổi, nhân viên xử lý khủng hoảng truyền thông), cũng thích làm việc online tại nhà hơn là đến văn phòng vì có thể tận dụng được nhiều thời gian hơn.
Nhà và công ty ở hai phía khác nhau của thành phố. Mỗi ngày, Long phải mất gần 2 tiếng đồng hồ từ khi thức dậy cho đến khi đặt chân tới văn phòng. Còn làm ở nhà, chàng trai trẻ cho biết chỉ mất 30 phút để hoàn thành xong từ việc vệ sinh cá nhân đến ăn sáng.
Vì vậy, sau khi kết thúc kỳ nghỉ lễ và cũng là lúc hợp đồng lao động đã ký với công ty hết hạn, Long quyết định xin nghỉ việc để tìm một công việc mới gần nhà hơn.
Muốn thay đổi môi trường làm việc và không phải mất thời gian di chuyển dài trên đường, Hoàng Long quyết định xin nghỉ khi hết hạn hợp đồng với công ty
“Công ty cũ của mình khá xa nhà và cũng có nhiều quy định như không cho phép nhân viên làm việc riêng trong giờ, nghe điện thoại cá nhân hoặc lấy đồ ship. Nếu có việc ra ngoài, mình cần trình bày lý do hợp lý. Dù quy định đó không có gì sai nhưng mình không thích điều đó. Mình muốn tìm một công việc thoải mái hơn, gần nhà hơn và được làm việc từ xa khi muốn để có thể thoải mái sáng tạo”, Long chia sẻ.
Còn với Hải Linh (28 tuổi, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội), những ảnh hưởng của đại dịch đã khiến cô thay đổi tiêu chí lựa chọn công việc. Nếu trước đây, cô gái trẻ thường làm việc bất kể ngày đêm vì quan tâm đến lương thưởng, cơ hội thăng tiến thì hiện tại, ưu tiên hàng đầu của Hải Linh là sức khỏe và các chính sách cụ thể như làm thêm giờ hay work from home.
"Sau nhiều năm làm việc với mong muốn kiếm thật nhiều tiền, khi đặt công việc và cuộc sống lên bàn cân, mình lựa chọn cuộc sống. Chính vì vậy, mình sẽ nói không với những công việc thường xuyên yêu cầu làm ngoài giờ, có những quy định khắt khe dù có được hứa hẹn nhiều về lương thưởng", Hải Linh nói.
Hải Linh nghỉ việc để tìm kiếm môi trường mới thoải mái và nhiều cơ hội hơn
Sau khi kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán, cô gái 28 tuổi quyết định xin nghỉ việc và chịu phạt do cô vẫn còn 3 tháng trong hợp đồng. Trước đó, Hải Linh cũng đã thông báo với công ty trước 1 tháng là sẽ nghỉ việc sau Tết để công ty sắp xếp công việc.
“Môi trường, mức lương thưởng ở chỗ làm cũ rất ổn nhưng mình muốn tìm kiếm những cơ hội mới cũng như một môi trường thoải mái hơn về thời gian làm việc. Hiện tại, mình vẫn đang nghỉ ngơi và tìm kiếm một công việc liên quan đến thời trang mà mình yêu thích.
Mình sợ những chồng giấy tờ cứ cao dần hàng ngày, những con chữ và những con số. Rời công ty mình đã làm từ năm 2 đại học đến giờ cũng hơi tiếc nuối nhưng ở tuổi này, mình cần nghĩ cho sức khỏe và bản thân nhiều hơn”, Hải Linh chia sẻ.