Khi giao tiếp với trẻ, nhiều cha mẹ hay dùng câu mệnh lệnh, thể hiện sự sai khiến. Nếu con làm không đúng, cha mẹ ngay lập tức đổ lỗi cho trẻ, đe dọa trẻ, giáo huấn với trẻ và cuối cùng thường thể hiện sự thất vọng sau khi so sánh trẻ với "con nhà người ta".
Đây là những lỗi rất thường gặp ở nhiều cha mẹ. Và đó cũng chính là nguyên nhân khiến hố sâu ngăn cách giữa trẻ và cha mẹ ngày một lớn hơn. Trẻ không hiểu, không nghe cha mẹ từ việc nhỏ, dẫn đến lơ đễnh lời cha mẹ ở những việc lớn. Tình cảm cha mẹ và con cái càng lúc càng xa xôi.
Khắc phục nhược điểm này, khi giao tiếp với trẻ, bố mẹ cần luôn phải bình tĩnh và nhìn nhận lại mình. Tránh các lỗi nói trên, đồng thời chú ý hơn trong những lời nói của mình. Có một số quy tắc sau mà bố mẹ có thể tham khảo khi "truyền thông" tới trẻ.
Quy tắc thứ nhất: Hãy mô tả
Sẽ khó để trẻ nhận ra cần phải làm gì khi người ta chỉ nhấn mạnh vào việc nó đang làm sai điều gì. Vì thế cha mẹ cần thiết mô tả vấn đề cho rõ ràng hơn là tập trung nhấn mạnh cái sai của trẻ. Khi mô tả, con trẻ sẽ tự hiểu mình cần phải làm gì.
Thay vì nói "Bố bảo con bao nhiêu lần là ra khỏi nhà vệ sinh là phải tắt đèn cơ mà", cha mẹ hãy nói bằng câu mô tả "Đèn vệ sinh vẫn còn sáng kìa!".
Quy tắc thứ hai: Đưa thông tin
Cha mẹ nên nhớ, với trẻ nhỏ việc tiếp nhận thông tin sẽ dễ dàng hơn nhiều so nếu không bị ghép với những lời buộc tội.
Thay vì nói: "Nếu bố còn bắt gặp con vẽ lên tường một lần nữa, là bố cho ăn đòn đấy nhé!", cha mẹ hãy thử nói "Tường không phải để vẽ. Muốn vẽ con phải vẽ vào giấy nhé!". Không có những lời buộc tội, trẻ sẽ dễ dàng tiếp thu hơn.
Quy tắc thứ ba: Nói ngắn gọn, đôi khi chỉ cần một từ thôi
Trẻ con không thích nghe những lời giáo huấn, quở mắng, và giải thích dài dòng. Đối với chúng, mệnh lệnh càng ngắn, càng hiệu quả.
Thay vì nói: "Mẹ đã bảo mấy đứa là thay quần áo ngủ để đi ngủ mà từ nãy đến giờ mấy đứa có làm cái trò hề gì không biết. Từ trước lúc xem TV bọn con đã nói là bọn con sẽ thay đồ ngủ mà bây giờ mẹ có thấy động tĩnh gì đâu!". Cha mẹ có thể dùng mệnh lệnh: "Mấy đứa, đi ngủ!". Mệnh lệnh ngay lập tức, nhất quán, rõ thông tin, trẻ sẽ nghe chấp thuận nhanh chóng hơn.
Quy tắc thứ tư: Nói ra cảm xúc của mình
Trẻ em có quyền được biết về cảm xúc của bố mẹ. Khi nói cho trẻ biết cảm giác của mình, cha mẹ cần thành thật với con mà không gây tổn thương cho con.
Thay vì nói "Con rất là hỗn! Lúc nào cũng ngắt lời mẹ!", cha mẹ hãy thử nói "Mẹ không thích khi mẹ đang nói dở thì có người nói chen vào". Chân thành và tôn trọng trẻ, bạn sẽ thấy những thay đổi rõ rệt trên đứa con của mình.