Được xét tuyển thẳng vào đại học bởi thành tích học tập xuất sắc nhưng nữ sinh vùng cao này vẫn khó có thể đi học vì gia đình quá nghèo.
Mua Thị Chở được tuyển thẳng vào đại học nhưng có nguy cơ không thể đi học vì nhà quá nghèo.
Tin Mua Thị Chở (SN 2000, ở thôn Sủng Là Dưới, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) được tuyển thẳng vào đại học là niềm vui lớn của cả thôn bởi cô bạn cũng là nữ sinh duy nhất của cả xã được tuyển thẳng. Mua Thị Chở sinh ra và lớn lên tại xã Sủng Là - một xã rất nghèo giáp biên giới.
Xã Sủng Là vốn không có nhiều người biết chữ và tiếng phổ thông, nhiều gia đình nghèo đói và con gái khi chưa lớn đã phải bỏ học đi lấy chồng. Mua Thị Chở là con thứ tư trong gia đình có 5 anh chị em. Hai chị gái của Chở vốn không được đi học, anh trai của cô bạn cũng học hết lớp 9 thì bỏ học làm nương vì nhà nghèo, cậu em trai của Chở đang học lớp 9 nhưng sức học đuối nên cũng chỉ xác định học hết lớp 9.
Có hai chị lớn trong gia đình nên Chở may mắn được các chị đỡ đần việc nhà và bố mẹ lo cho đi học. Đến lớp 4, gia đình khó khăn quá nên bố mẹ không cho Chở đi học tiếp được, phải ở nhà nghỉ một năm.
9 tuổi nhưng Chở đã lên nương giúp mẹ trồng ngô khoai, nhưng trong lòng cô bé vẫn khao khát được đi học. Chở thuyết phục bố mẹ cho đi học lại và cũng mạnh dạn nhờ thầy cô và cán bộ xã về động viên bố mẹ...
Ngày đi học lại, Chở quyết tâm học giỏi để thay đổi cuộc sống, thay đổi sự nhận thức và có thể giúp đỡ nhiều trẻ em khác đi học... Từ lớp 5 đến lớp 12, Chở luôn đạt học sinh giỏi và đạt được nhiều giải thưởng. Cô bạn đã sở hữu 32 bằng khen, giấy khen các cấp và trở thành học sinh ưu tú trường dân tộc nội trú.
Bước vào THPT, Chở được xét tuyển thẳng vào trường phổ thông vùng cao Việt Bắc ở Thái Nguyên, được Nhà nước nuôi và thầy cô giúp đỡ hết mình trong học tập. Với điều kiện ấy, nữ sinh ngày càng nỗ lực vươn lên và còn tranh thủ đi làm có thêm thu nhập.
Học giỏi, luôn đứng tốp đầu của lớp
Mua Thị Chở tâm sự, khi học cấp 2 - 3 cô bạn luôn đứng top đầu. Hoàn cảnh khó khăn nên các thầy cô giúp đỡ rất nhiều, trong đó có thầy Nguyễn Ngọc Ánh, dạy Toán cấp 2 và cô Nông Thị Thúy Hương - cô chủ nhiệm cấp 3.
Thầy Ánh có tuổi thơ khó khăn giống Chở nên rất đồng cảm. Thầy luôn quan tâm sát sao quá trình học tập của Chở, mong muốn cô bạn thoát khỏi cảnh nghèo đói và đem kiến thức tới cộng đồng.
Cô Nông Thị Thúy Hương là giáo viên Văn, chủ nhiệm 3 năm học THPT của Chở. Là người thành phố lên rẻo cao dạy học nhưng cô luôn yêu thương tâm lý với học sinh. Với riêng Chở, cô như một người mẹ, ở cạnh động viên, khuyên nhủ chăm lo chú đáo cho Chở. Cô Hương cũng thương Chở như con gái, luôn dành những điều tốt đẹp nhất để Chở yên tâm học tập tốt với những ước mơ, hoài bão lớn.
Với Chở và nhiều học sinh vùng cao, trường học là nơi họ được nuôi dưỡng, giáo dục và các thầy cô luôn bên cạnh làm người cha, người mẹ thứ hai sát cánh suốt quá trình học tập.
ĐH Khoa học Thái Nguyên tuyển thẳng Mua Thị Chở.
Cả mùa hè bán đào tích cóp vẫn không đủ tiền đi học
Gia đình Chở có 8 người gồm bố, mẹ, em trai và vợ chồng anh trai với hai đứa con nhỏ chung sống trong ngôi nhà lụp xụp ở lung chừng núi. Thông tin Chở được xét tuyển thẳng vào Trường ĐH Khoa học Thái Nguyên ngành Ngôn ngữ Anh (tiếng Anh du lịch) khiến mọi người trong gia đình rất vui mừng.
Thế nhưng một lần nữa hoàn cảnh nghèo khó lại khó thể dập tắt ước mơ của cô bạn. Khi mà bước chân vào trường đại học, Chở sẽ được nhà nước hỗ trợ ăn học nữa. Trong khi cả nhà quanh năm chỉ làm nương, ăn mèn mén, luôn nằm trong danh sách hộ nghèo của xã... thì không thể chu cấp nổi cho Chở mấy năm học đại học.
Mua Thị Chở nghẹn ngào chia sẻ: “Em biết đi học đại học mới có kiến thức, trưởng thành để về xây dựng quê hương, góp phần giúp đỡ đồng bào trên vùng cao thoát khỏi nghèo, nhưng hoàn cảnh gia đình như thế này, việc đi học đại học của em sẽ gặp rất nhiều khó khăn”.
Cả mùa hè nắng nóng năm nay, Chở ở nhà đi hái đào và bán đào, hết vườn đào nhà mình, cô bạn còn đi hái thuê cho những nhà xung quanh với mong muốn tích cóp tiền đi học. Nhưng số tiền thu được từ bán đào quả chả thấm tháp bao nhiêu so với kinh phí sắp phải dùng 4 năm trong trường đại học...
Theo Giadinh.net.vn
Nghị lực của nữ sinh vùng cao mồ côi cha, một mình đi bộ 20 km để thi THPT Quốc gia 2019