Mới đây, mạng xã hội râm ran câu chuyện một bà mẹ nổi tiếng đăng đàn câu chuyện cảnh tỉnh các bậc phụ huynh về việc cần phải kiểm tra, giám sát tài khoản Facebook của con. Vì theo người mẹ này, khi kiểm tra đã phát hiện “ối thứ bất ngờ”. Điều đáng nói, vị phụ huynh này đã chụp màn hình điện thoại của con có nội dung hình ảnh nhạy cảm đưa lên mạng xã hội kèm thông báo "đập nát 2 điện thoại" khi phát hiện sự việc.
Nhiều phụ huynh cho rằng, cách ứng xử của người mẹ trong câu chuyện kể trên đã vô tình ảnh hưởng đến lòng tự trọng của con. “Tốt khoe xấu che”, để con không xấu hổ với bạn bè mới là việc phụ huynh nên làm trong quá trình giáo dục con cái.
PV đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam về vấn đề này.
TS Trần Thành Nam khuyên phụ huynh nên bình tĩnh, không lên làm lớn chuyện khi phát hiện con tìm hiểu các nội dung nhạy cảm.
PV: Thưa ông, khi phụ huynh phát hiện con tìm hiểu chuyện “người lớn” và đưa lên mạng xã hội sẽ ảnh hưởng thế nào tới tâm lý, tình cảm của con?
TS Trần Thành Nam: Giáo dục giới tính vẫn là một chủ đề cấm kị của nhiều bậc phụ huynh đối với con cái. Đó là điều rất đáng tiếc. Cho nên, khi phát hiện con ở tuổi dậy thì có hành vi xem ảnh, video liên quan đến các nội dung về giới hoặc bị bạn bè lôi kéo vào các nhóm trò chuyện trên mạng với nội dung xấu, độc không ít phụ huynh có ứng xử sai lầm, làm lớn chuyện khiến con xấu hổ.
Tuy nhiên, phụ huynh nên hiểu rằng, khi con đến tuổi dậy thì sẽ có nhu cầu quan tâm về giới, cấu tạo cơ thể, chuyện vì sao mang thai, sinh sản… là hết sức bình thường. Đặc biệt, trẻ ngày nay sẽ có thiên hướng dậy thì sớm thì chuyện quan tâm về giới sẽ sớm hơn so với trước.
Khi phát hiện con đã trót xem phim “người lớn”, hình ảnh của các cô gái “mát mẻ” phụ huynh không nên làm toáng lên kiểu: đập điện thoại, đánh mắng om sòm, cấm dùng máy tính… Đưa chuyện của con lên mạng xã hội là điều đặc biệt cấm kị. Bởi trên đó, có hàng nghìn người ấn nút “like”, bình luận sẽ gây áp lực tâm lý, khiến trẻ xấu hổ, tự ti, thu mình và có khoảng cách với cha mẹ. Nhất là trẻ ở độ tuổi “xanh chín” sẽ có những phản ứng tiêu cực. Trước đây có những em tự tử vì những chuyện lãng nhách như: hôn bạn trai bị quay clip tung lên mạng, bị nghi ngờ lấy trộm 50 nghìn đồng… Nếu những tình huống đó xảy ra trong một nhóm kín, các em có cơ hội giải bày sẽ không dẫn đến chuyện đáng tiếc kể trên.
PV: Vậy theo ông, phụ huynh nên làm gì khi phát hiện con lên mạng tìm hiểu chuyện “người lớn”?
TS Trần Thành Nam: Trước hết, các bậc phụ huynh nên chủ động giáo dục giới tính cho con từ sớm. Ví dụ mua nhiều sách vở có nội dung giáo dục giới để ở những góc con dễ tiếp cận. Những cuốn sách đó mình đã lựa chọn, nội dung có ý nghĩa cung cấp cho con kiến thức bổ ích. Sau đó, quan sát con tìm hiểu và nói chuyện với con một cách thoải mái về chủ đề này rằng nhu cầu tìm hiểu về giới là bình thường. Tuy nhiên, một số clip hay hình ảnh trên mạng không hẳn đúng đắn về tình yêu, tình cảm khác giới. Đối với những mối quan hệ tình dục, con cần phải trưởng thành và có thời gian để tìm hiểu về đối phương, có cam kết về trách nhiệm. Chỉ cho con thấy hậu quả nếu “làm bừa” sẽ dẫn đến chuyện có thai ngoài ý muốn, các bệnh lây qua đường tình dục…
Ngoài ra, phụ huynh nên trang bị năng lực an toàn thông tin để bảo vệ con trước những nguy cơ trên mạng. Nhiều người vô tư đưa hình ảnh, thông tin cá nhân của con, người thân lên mạng mà không hiểu rằng điều này có thể là nguy cơ mất an toàn rất lớn. Hay nhiều người cố tình đưa những hình ảnh xấu xí, trải nghiệm xấu hổ lên chỉ để cho vui mà không quan tâm đến lòng tự trọng, cảm xúc khó chịu của con. Sau này, con sẽ càng giấu diếm để tự tìm hiểu các vấn đề mình muốn quan tâm mà phụ huynh khó phát hiện. Thậm chí, có những trẻ quan hệ tình dục sớm ở ngoài, để lại hậu quả nặng nề bố mẹ mới vỡ lở thì đã quá muộn.
Giáo dục về giới chưa thỏa mãn tò mò của trẻ
PV: Nhiều ý kiến cho rằng, giáo dục giới tính hiện nay ở trường học cũng chưa được quan tâm đúng mức, ông có ý kiến gì?
TS Trần Thành Nam: Chương trình giáo dục trong các nhà trường hiện đã chủ động đưa nội dung về sức khỏe, giới tính vào dạy học sinh sớm hơn so với trước đây. Tuy nhiên, có thể nói, ngay chính thầy cô cũng chưa “nói thẳng” vào các vấn đề về giới, vẫn né tránh nội dung nhạy cảm. Ví như dùng từ “cô bé”, “cậu bé”… khiến học sinh không thỏa mãn sự tò mò. Do đó, thực tế các em sẽ tự tìm hiểu và bị thu hút bởi những nội dung, hình ảnh có nội dung đồi trụy khác. Ngay cả bố mẹ là người gần gũi nhất với con cái nhưng cũng không nhiều người dám nói cho biết, trao đổi thẳng thắn với con về chủ đề này. Thậm chí khi con hỏi đến chuyện vì sao có thai, sinh em bé thế nào, nhiều người né tránh vì cho là chuyện nhạy cảm.
Ngoài ra, trên mạng internet hiện nay cũng khó kiểm soát các nội dung xấu độc. Trẻ có thể dễ dàng tìm kiếm các thông tin, nhất là khi được trang bị máy tính, điện thoại cá nhân quá sớm. Bố mẹ không thể giám sát con 24/7 nhưng điện thoại lại có cạnh con cả ngày lẫn đêm. Nếu ở nhà bố mẹ cấm đoán, ra ngoài con có thể mở để xem. Do đó, cha mẹ thay vì cấm đoán nên tôn trọng và trang bị cho con kiến thức, cách nhìn đúng đắn để không bị lôi cuốn vào các nội dung không tốt trên mạng.