Điều đầu tiên mà bạn cần hiểu chính là, tất cả chúng ta, dù là ai hay làm việc trong lĩnh vực nào đều mắc sai lầm trong công việc và đó không phải là một điều xấu. Mỗi sai lầm là một cơ hội để chúng ta học hỏi, phát triển bản thân và trở nên tốt hơn trong công việc của mình.
Có thể bạn đã tới một cuộc họp mà hoàn toàn quên chuẩn bị trước hay trễ hẹn hoàn thành một nhiệm vụ quan trọng do cấp trên giao... Dù sai lầm đó là gì thì điều quan trọng bây giờ là bạn phải hành động và giải quyết càng sớm càng tốt. Dưới đây là những bước để bạn khéo léo xử lý sau khi mắc sai lầm trong công việc:
1. Cho phép bản thân cảm thấy tệ
Sau khi mắc phải sai lầm, việc cảm thấy xấu hổ, lo lắng hay thất vọng về bản thân, sợ rằng mình có thể bị cho nghỉ việc... là tâm lý hoàn toàn bình thường. Bạn cũng không cần phải cố xoá đi những cảm xúc đó, tuy nhiên cần chấp nhận những gì đã xảy ra và không cho phép bản thân cảm thấy tệ trong thời gian quá lâu.
Hít một hơi thật sâu, bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn khi tự nói với bản thân rằng: "Đây đâu phải ngày tận thế!".
2. Đánh giá tình hình
Việc tiếp theo bạn cần làm sau khi lấy lại tinh thần chính là đánh giá tình hình. Hãy đặt giả định là một người khác không phải bạn mắc lỗi tương tự để có thể đưa ra những đánh giá khách quan, bình tĩnh.
Dưới đây là những câu hỏi bạn nên đặt ra và giải quyết:
- Sai lầm là gì?
- Những hành động nào đã dẫn đến sai lầm?
- Hậu quả của sai lầm này là gì?
- Lẽ ra người đó nên làm gì?
- Làm sao để không mắc lại sai lầm đó sau này?
Bạn có thể nghĩ rằng, chuyện vừa xảy ra không hoàn toàn là lỗi của mình song khi nhìn nhận tình huống từ một góc độ khách quan hơn, bạn có thể nhìn nhận vấn đề ở nhiều góc độ khác.
3. Sửa lỗi (nếu có thể) và xin lỗi
Nếu có cách để sửa những sai lầm mà bạn đã gây ra, hãy hành động ngay đừng chần chừ. Sau khi đã khắc phục tình hình, bạn hãy cho cấp trên của mình biết về những điều đã xảy ra và nói lời xin lỗi. Tùy theo mức độ sai lầm lớn hay nhỏ mà bạn có thể tuỳ chọn phương thức phù hợp như gặp trực tiếp hay trình bày qua email.
Đừng trình bày dài dòng hay nói vòng vo, thay vào đó hãy ngắn gọn và đi vào trọng tâm vấn đề. Ví dụ như trong trường hợp bạn gửi sai báo cáo: “Xin chào [X], sáng nay tôi đã gửi nhầm báo cáo ... cho bạn. Tôi rất xin lỗi về sự bất cẩn đó. Tôi vừa gửi email chính xác cho bạn. Nếu có bất cứ vấn đề gì với báo cáo, bạn hoàn toàn có thể liên lạc với tôi”.
Nếu trong sai lầm mà bạn gây ra làm ảnh hưởng đến cả đồng nghiệp khác, hãy tìm cách liên hệ và xin lỗi họ. Có một điều cần nhớ rằng, những điều này không cần phải bắc loa cho cả văn phòng cùng biết.
4. Đề xuất một cuộc họp riêng với cấp trên
Điều này không phải lúc nào cũng cần thiết song nếu bạn mắc phải sai lầm lớn, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, hãy hỏi ý kiến cấp trên xem liệu bạn có thể có một cuộc nói chuyện riêng không.
Trong buổi nói chuyện đó, hãy thể hiện sự chân thành cũng như dám chịu trách nhiệm của mình. Đừng than vãn hay viện đủ lý do với những mong cấp trên sẽ không trách móc bạn. Bạn có thể bắt đầu bằng lời xin lỗi một lần nữa và sau đó là giải thích cho những việc đã xảy ra.
5. Đưa ra giải pháp
Sau khi giải thích với cấp trên về những điều đã xảy ra, đây chính là bước rất quan trọng: đưa ra giải pháp. Bạn có thể đưa ra các giải pháp một cách khéo léo bằng việc nói: "Tôi biết mình đã quá thời hạn sếp đề ra nhưng hôm nay tôi có thể ở lại tăng ca để hoàn thành công việc".
Trong trường hợp bạn thực sự không thể nghĩ ra giải pháp nào, đừng nói hươu nói vượn mà hãy thành thật: “Tôi muốn khắc phục tình hình nhưng không chắc bản thân phải làm thế nào. Tôi có thể làm gì để mọi chuyện trở nên tốt hơn?”
6. Thay đổi cách bạn làm việc
Tỷ phú Bill Gates từng chia sẻ: “Sai lầm không đáng sợ. Đáng sợ là sai lầm vô ích”. Không người thành công nào chưa từng mắc sai lầm, quan trọng là họ biết mình học được gì sau đó và làm gì để giải quyết sai lầm.
Bạn cần thay đổi cách làm việc của mình theo hướng tích cực hơn. Nếu sai lầm của bạn là chậm trễ trong công việc, nộp chậm hạn báo cáo, hãy cân nhắc việc ngủ sớm và thức dậy sớm hơn hoặc tham khảo các biện pháp cải thiện sự tập trung, làm việc năng suất hơn.
7. Tử tế với chính mình
Bạn sẽ không thể tiến lên phía trước nếu đầu mãi ngoảnh về đằng sau. Điều quan trọng ở đây là bạn sẽ học được điều gì từ sai lầm, không phải luôn miệng trách móc bản thân bằng những lời lẽ tiêu cực. Những sai lầm bạn mắc phải sẽ không hủy hoại sự nghiệp của bạn, nhưng cách bạn phản ứng với chúng thì có thể.