Sau trận lũ lịch sử đầu tháng 8, bản Xa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) đang ngổn ngang gỗ với hàng trăm cây, khúc gỗ các loại. Có cây đường kính vài người ôm, có tấm đã được xẻ dày cả tấc...
Một cây gỗ lớn dài 12m đang nằm giữa bản Xa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) - Ảnh: HÀ ĐỒNG
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, trận lũ lịch sử đầu tháng 8 đã kéo theo rất nhiều gỗ các loại trên thượng nguồn suối Son đổ về bản Xa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn.
Nước lũ rút đi, hiện nay trên địa bàn bản Xa Ná và lòng suối Son còn nhiều cây gỗ nằm lại. Trong đó có cây gỗ dài hàng chục mét, đường kính vài người ôm không xuể.
Nhiều cây gỗ thẳng, đường kính cỡ hai người ôm, đủ kích thước để người dân địa phương (chủ yếu người dân tộc Thái) có thể sử dụng để làm nhà sàn.
Những cây gỗ nằm ngổn ngang ở lòng suối Son, đoạn qua bản Xa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn - Ảnh: HÀ ĐỒNG
Hiện nay, UBND huyện Quan Sơn đang chỉ đạo UBND xã Na Mèo, xã Sơn Thủy hướng dẫn người dân tự kê khai số gỗ trục vớt được sau lũ; xác định rõ nguồn gốc số gỗ do lũ cuốn trôi xuống bản, sông, suối.
Các cá nhân trực tiếp kê khai tại UBND xã, có sự kiểm tra, giám sát của cơ quan kiểm lâm. Trên cơ sở xem xét thực tế, xác định đúng chủ sở hữu, người quản lý, sử dụng hợp pháp thì trả lại để sử dụng tại chỗ.
Quan điểm của UBND huyện là sẽ xin ý kiến UBND tỉnh để người dân sử dụng số gỗ trục vớt được sau lũ dựng nhà mới tại khu tái định cư.
Mưa lũ kéo cây gỗ lớn xuống mắc lại cạnh nhà dân ở bản Xa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn - Ảnh: HÀ ĐỒNG
Hạt kiểm lâm huyện Quan Sơn cho biết theo quy định, đối với gỗ có nguồn gốc từ rừng tự nhiên (kể cả cây còn gốc, rễ) bị lũ cuốn trôi (được xác định là tài sản nhà nước), do thiên tai bất khả kháng nên bị vùi lấp, chìm đắm, trôi dạt theo khe, suối, sông... về nguyên tắc phải thu hồi, xác lập quyền sở hữu nhà nước.
Tuy nhiên, theo quy định tại điều 229 Bộ luật dân sự 2015 thì người phát hiện, thu gom gỗ sau mưa lũ sẽ được hưởng theo quy định: tài sản (ở đây là gỗ - PV) không xác định được chủ sở hữu, sau khi trừ chi phí trục vớt, bảo quản mà tài sản đó có giá trị dưới 14,9 triệu đồng (tính theo 10 lần mức lương cơ sở hiện nay) thì tài sản thuộc sở hữu của người tìm thấy.
Tài sản có giá trị trên 14,9 triệu đồng thì người tìm thấy được hưởng 14,9 triệu đồng và 50% giá trị tài sản của phần vượt quá 14,9 triệu đồng, số còn lại thuộc về Nhà nước.