Sophy Ron (24 tuổi) sinh ra và lớn lên tại thủ đô Phnom Penh (Campuchia). Cô tốt nghiệp thủ khoa tại Cao đẳng Trinity (trực thuộc Đại học Melbourne) vào năm 2019. Sau đó, cô giành được một học bổng khác tại Đại học Melbourne để tiếp tục theo đuổi hành trình tri thức của mình.
Sở hữu bảng thành tích học tập ấn tượng, thế nhưng ít ai biết rằng đến tận năm 11 tuổi, nữ thủ khoa này mới có cơ hội đi học. Tuổi thơ của Sophy Ron là những ngày tháng gắn liền với bãi rác Steng Meanchey – nơi từ lâu đã trở thành biểu tưởng của sự nghèo đói tại Campuchia.
Từ khi còn nhỏ, mỗi ngày Sophy đều phải đi bới rác để kiếm tiền phụ gia đình. Cứ thế, cô phải làm việc từ sáng sớm cho đến tờ mờ tối tại nơi nồng nặc mùi hôi thối, khói độc, bị bao vây bởi ruồi và dòi bọ.
Bãi rác quen thuộc đến nỗi, Sophy còn không nhận thấy nó bốc mùi. Cô từng chia sẻ với ABC News rằng: “Tôi ăn, ngủ và làm mọi thứ trên bãi rác. Tôi thậm chí còn không nhận ra nó có mùi, không biết đây là chỗ bẩn thỉu”.
Sophy cũng cho biết, số tiền lương ít ỏi mà cha mẹ kiếm được khi làm việc tại một đồn điền cao su hầu như không đủ để trang trải chi phí sinh hoạt thiết yếu cho gia đình 8 người. Những khoản nợ chồng chất của gia đình khiến cô gái nhỏ không còn cách nào khác phải mưu sinh ở bãi rác.
Những ngày may mắn, Sophy kiếm được khoảng 50 cent, đủ để mua một ít gạo ăn cho gia đình trong ngày. Nếu không kiếm được gì, đồ ăn của gia đình có thể chính là những thứ cô bé tìm được tại bãi rác. Sophy chia sẻ, cô chưa từng nghĩ đến chuyện một ngày nào đó có thể đi học.
Đến năm 11 tuổi, cuộc đời của Sophy Ron bước sang trang mới khi vô tình gặp được Scott Neeson - người sáng lập Quỹ Nhi đồng Campuchia (CCF), một tổ chức phi lợi nhuận chuyên giúp đỡ trẻ em nghèo học tập và phát triển tài năng.
Scott Neeson đã vô tình chụp được hình ảnh của Sophy trong một lần tới bãi rác. Khi ấy, Sophy mặc một bộ quần áo cũ, bạc màu, bám đầy bụi bẩn, đầu đội một chiếc mũ đỏ, đang vác một bao rác lớn giữa ‘biển rác’. Nhìn thấy người đàn ông giơ máy ảnh lên, cô liền cười đầy thân thiện.
Hình ảnh Sophy mưu sinh ở bãi rác được người sáng lập Quỹ Nhi đồng Campuchia chụp lại
Sau lần gặp ‘định mệnh’, Sophy Ron đã được CCF giúp đến trường học tập. “Ông ấy hỏi tôi có muốn đi học tiếng Anh không? Khi đó tôi còn chẳng biết tiếng Anh là gì nhưng vẫn nhanh chóng đồng ý. Và tôi hạnh phúc khi ông ấy hứa sẽ giúp tôi đến trường”, Sophy kể.
Được đi học với Sophy Ron mà nói như tìm thấy con đường tương lai. Cô nỗ lực học tập, hoàn thành xuất sắc các chương trình học tại Campuchia. Năm 2016, Sophy đã đứng trên sân khấu của Tedx Talk để diễn thuyết bằng tiếng Anh.
Nhờ thành tích học tập tốt, Sophy đã giành được học bổng toàn phần tại trường Cao đẳng Trinity. Sau hai năm theo học tại đây, cô đã tốt nghiệp với danh hiệu thủ khoa. Không chỉ vậy, cô gái sinh năm 1997 tiếp tục nhận được một suất học bổng toàn phần khác tại trường Đại học Melbourne.
Trong ngày tốt nghiệp, Sophy được chọn là gương mặt đại diện cho sinh viên phát biểu trước toàn trường. Từ cô ‘lọ lem nhặt rác’ ngày nào không biết tiếng Anh là gì, Sophy của hiện tại hoàn toàn tự tin đứng trên sân khấu và phát biểu trôi chảy bằng tiếng Anh.
Với sự nỗ lực và phấn đấu không ngừng nghỉ, Sophy đã gặt hái được nhiều thành tích học tập ấn tượng
Câu chuyện về hành trình kỳ diệu của Sophy sau đó đã được chia sẻ trên các phương tiện truyền thông và nhanh chóng truyền cảm hứng cho nhiều người.
“Rất nhiều người xem bài phát biểu của tôi tại buổi lễ tốt nghiệp và nói rằng họ đã khóc khi nghe câu chuyện của tôi. Rất nhiều bạn bè trong trường đã nhắn tin cho tôi và nói rằng họ không biết về quá khứ cơ cực mà tôi trải qua. Đó thật sự là câu chuyện truyền cảm hứng cho mọi người. Nghe được những lời nói ấy, tôi đã rất hạnh phúc, thật sự hạnh phúc”, Sophy bày tỏ.
Cô gái 24 tuổi cho biết thêm, dù rất thích cuộc sống ở Mellbourne, song cô vẫn mong muốn trở về với gia đình ở Campuchia để bắt đầu sự nghiệp riêng và làm việc cho CCF.
“Không bao giờ bỏ cuộc, dù bạn ở trong hoàn cảnh nào là phương châm sống mà tôi luôn nhắn nhủ bản thân mỗi ngày”, cô gái trẻ nói.
Hiện tại, gia đình Sophy cũng không còn đi nhặt rác mà chuyển về một miền quê yên bình để sinh sống. Nhờ sự hỗ trợ từ các tổ chức, các chị em của Sophy cũng được đến trường, một tương lai tươi sáng đang chờ đợi họ.