Sự tích Táo quân Việt Nam: Ông Công, ông Táo là 3 vị thần với 3 trọng trách khác nhau trong nhà

Sự tích ông Công, ông Táo

Vào những ngày giáp Tết, ai cũng đã từng nghe qua cụm từ "ông Công, ông Táo", nhưng nếu hỏi về sự tích bắt nguồn của những cái tên này thì chưa hẳn ai cũng biết.

Tết Nguyên đán là một trong những dịp lễ cổ truyền của người Việt. Theo tục lệ xa xưa, cứ đến ngày 23 tháng Chạp trước Tết là người người, nhà nhà lại chuẩn bị mâm cơm cúng, thả cá chép với mục đích tiễn ông Công, ông Táo về chầu trời. Đến nay, tục lệ ấy vẫn còn tồn tại nhưng có nhiều người  lại không biết nguồn gốc, sự tích về những vị thần này.

Có rất nhiều dị bản khác nhau về sự tích của ông Công, ông Táo nhưng phiên bản được lan truyền rộng rãi nhất là truyền thuyết kể về hai vợ chồng nọ có tên Trọng Cao và Thị Nhi. Hai vợ chồng tuy rất yêu thương nhau nhưng do không có con nên thường hay buồn phiền, cãi cọ. 

Trong một lần cãi nhau, Trọng Cao không kiềm chế được nên đã đánh vợ mình. Vì quá tức giận nên Thị Nhi đã bỏ đi. Sau đó, người phụ nữ này gặp một tràng trai tên Phạm Lang, hai người nảy sinh tình cảm rồi dọn về ở với nhau kết thành một cặp vợ chồng.

Câu chuyện về đôi vợ chồng Trọng Cao, Thị Nhi là sự tích được lan truyền rộng rãi nhất.

Qua cơn tức giận, Trọng Cao ân hận liền đi tìm kiếm vợ khắp nơi nhưng không thấy bóng dáng. Anh buồn rầu từ bỏ công ăn việc làm, quyết tâm rời làng làm người ăn xin để đi tìm vợ.

Một hôm, Trọng Cao đến một nhà khá giả xin ăn, bà chủ nhà thương tình đem cơm ra cho. Nhận ra người đàn bà đó là vợ mình, Trọng Cao mừng mừng tủi tủi, hai vợ chồng ngồi hàn huyên không dứt.

Lúc này, Thị Nhi hối hận vì năm xưa vội vàng lấy Phạm Lang. Khi họ đang trò chuyện thì bất ngờ người chồng mới của Thị Nhi từ ngoài đồng trở về. Hốt hoảng, Thị Nhi bày cho Trọng Cao trốn vào trong một đống rơm. Đi đường dài mệt mỏi, Trọng Cao ngủ thiếp đi lúc nào không biết .

Lại nói về người chồng mới, anh về nhà lấy tro bón ruộng, nên đã đốt đống rơm để lấy tro. Trọng Cao đang ngủ say không hề hay biết. Thấy thế, Thị Nhi chẳng nói chẳng rằng lao vào lửa để đi theo. Phạm Lang không hiểu chuyện gì xảy ra, thấy vợ nhảy vào đống rơm cũng lao mình vào biển lửa.

Ngọc Hoàng trên cao cảm động trước chuyện tình ngang trái của cả 3 người nên cho phép họ được ở bên nhau, hóa thành chiếc kiềng 3 chân ở nơi nhà bếp của người Việt. Sau đó, Ngọc Hoàng phong cho 3 người này làm Táo quân với trọng trách: Phạm Lang là Thổ Công trông lo việc bếp, Trọng Cao là Thổ Địa trông nom việc nhà, Thị Nhi là Thổ Kỳ trông nom việc chợ búa.

Từ đó, ba người trông coi và giữ lửa cho mọi gia đình, đồng thời có nhiệm vụ theo dõi việc lành dữ, phẩm hạnh của con người. Không những định đoạt may, rủi, phúc, họa của gia chủ, các vị Táo còn có thể ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ vào thổ cư, giữ bình yên cho mọi người trong nhà.

Người dân Việt Nam luôn thành kính phụng thờ, tin tưởng vào các vị Táo quân. 

Ở khía cạnh khác, Táo quân trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có nguồn gốc từ 3 vị thần Thổ Công, Thổ Địa và Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc. Nhưng khi về nước ta lại được dân gian hóa thành sự tích "2 ông 1 bà", đó là vị thần Đất, thần Nhà, thần Bếp. Người dân vẫn thường hay gọi là "Táo quân" hay "Ông Táo".

Táo quân còn gọi là Táo Công, là vị thần bảo vệ cho cuộc sống gia đình, thường được thờ ở nơi nhà bếp nên còn có tên gọi là Vua Bếp. Hàng năm, đúng vào ngày 23 tháng Chạp, Táo quân sẽ lên chầu trời báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của con người trong một năm để Ngọc Hoàng xem xét, ban thưởng cho những người ở hiền, hay tạo phúc đức; trừng phạt những kẻ độc ác, làm việc xấu xa.

Lễ cúng ông Công, ông Táo thường được thực hiện chu đáo.

Mong muốn Táo quân khi lên chầu trời sẽ nói tốt với Thiên đình để gia đình mình gặp nhiều may mắn trong năm mới nên cứ vào ngày ông Công ông Táo lên chầu là người ta thường làm lễ cúng, thắp hương cầu khấn chu đáo, mua cá chép tiễn đưa Táo quân lên trời.

Những điều nên và không nên khi cúng ông Công, ông Táo

Vì là tín ngưỡng từ thời xa xưa truyền lại nên nhà nào cũng cố gắng để thực hiện một lễ cúng chỉn chu nhất. Lễ vật gồm 3 chiếc mũ, trong đó mũ dành cho hai ông Táo thì có hai cánh chuồn, còn mũ Táo bà thì không có cánh. Những mũ này được trang trí thêm những viền vàng đẹp đẽ với màu sắc sặc sỡ.

Mâm cỗ cúng thì gồm có một miếng thịt lợn luộc, bánh kẹo, trầu cau, rượu, lọ hoa, mâm ngũ quả tươi. Tiền vàng và cá chép cũng là những vật không thể thiếu trong mâm cỗ cúng.

Không phải cứ cúng những bộ mũ quá to, mâm cao cỗ đầy hay thả thật nhiều cá là tốt. Điều nên làm là phải thắp hương với thái độ thành kính, báo cáo những điều mình đã làm được và thành khẩn trước những lỗi lầm đã gây ra thì sẽ khiến gia đình mình gặp nhiều may mắn hơn.

Thực hiện nghi lễ cúng ông Công, ông Táo phải giữ cho tâm hồn trong sạch. Khi hành lễ phải ăn mặc gọn gàng, kín đáo, không mặc quần đùi, áo ba lỗ, váy ngắn... Trong lúc khấn cúng phải giữ lòng thành kính, vui vẻ để tạo năng lượng tích cực.

Thả cá chép là một nghi lễ cúng ông Công, ông Táo về trời.

Không rút chân nhang và dọn dẹp bàn thờ trước khi cúng ông Công, ông Táo. Các gia đình phải cúng xong, sau đó mới được thực hiện việc rút tỉa chân nhang. Tuyệt đối không được đốt tiền âm phủ vì ông Công, ông Táo là thần tiên, không phải là vong hồn người âm.

Phóng sinh đúng cách cũng giúp các gia đình thêm nhiều phúc trạch. Chúng ta nên thả cá chép ra những nơi ao, hồ, sông, suối sạch sẽ, chờ cá bơi đi rồi mới nên quay về.

Không đổ trực tiếp cá từ khoảng cách cao xuống nước hoặc ném mạnh. Tiền vàng sau khi đốt xong không đổ tro ở khu vực cá đang bơi, khiến cá bị ngạt, vướng vào không thể bơi xa được. Tuyệt đối không được đem bát hương, bàn thờ bỏ xuống sông hồ vì điều này sẽ khiến ô nhiễm môi trường, hủy hoại không gian sống của các loài thủy sinh.

Tiễn ông Công, ông Táo là một tục lệ cổ truyền đẹp đẽ của dân tộc ta nên cần phải ghi nhớ những nét truyền thống văn hóa và cố gắng lưu truyền, phát triển nó lâu dài hơn. Điều quan trọng nhất trong năm là cần giữ tâm trong sáng, nói nhiều lời hay, làm nhiều việc thiện để không bao giờ cảm thấy hổ thẹn với lương tâm của chính mình.

Theo Tiin.vn


* Nội dung liên quan: