Trong kỳ thi Olympic Toán quốc tế (IMO) lần thứ 60 ở TP Bath, Vương quốc Anh có cuộc hội ngộ thú vị của hai nhân vật. Đó là Tiến sĩ Lê Bá Khánh Trình và vị giám khảo chấm giải Đặc biệt cho ông 40 năm trước.
Tiến sĩ Lê Bá Khánh Trình từng được mệnh danh là "cậu bé vàng của Toán học Việt Nam". Ông sinh năm 1962, là một trong 5 học sinh Việt Nam được chọn tham gia kỳ thi Olympic Toán Quốc tế ở London, Anh năm 1979, khi đó ông là học sinh chuyên Toán trường Quốc học Huế.
Trong kỳ thi năm 1979, cậu học trò Lê Bá Khánh Trình đã đoạt giải Nhất với số điểm tuyệt đối 40/40, đồng thời đoạt giải Đặc biệt về lời giải độc đáo trong kỳ thi này. Sau kỳ thi trên, ông theo học tại khoa Toán - ĐH Tổng hợp Quốc gia Moskva mang tên Lomonosov ở Moskva (Nga). Trở về Việt Nam, ông giảng dạy tại khoa Toán, trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia TP HCM cho đến nay.
Trong một buổi nói chuyện nhân dịp làm đề IMO năm nay, GS. Tony Gardiner, nhà toán học người Anh, chia sẻ: "Lần đầu tôi biết đến IMO là vào năm 1979, khi IMO diễn ra trên đất Anh và tôi được mời chấm Hình học. Năm đó có một giải đặc biệt dành cho một lời giải độc đáo và ngắn gọn của một thí sinh Việt Nam".
Đề thi năm 1979 Tiến sĩ Lê Bá Khánh Trình đã chinh phục.
Ngay lúc ông Gardiner nói, PGS - TS. Lê Anh Vinh - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Trưởng đoàn Việt Nam tham dự IMO năm nay, reo lên: " Người thí sinh đó sẽ có mặt ở IMO năm nay với tư cách phó đoàn". "Ồ, vậy sao? Chắc chắn tôi sẽ phải gặp lại cậu ấy!", GS Tony Gardiner mừng rỡ. Và cuộc hội ngộ ấy đã diễn ra vào hôm 18/7 tại Vương quốc Anh.
GS Tony Gardiner bây giờ đã là một "lão tướng" nhưng vẫn "xung trận" chấm Hình học ở bài 2 trong kỳ thi IMO năm nay. Còn cậu học sinh 17 tuổi Lê Bá Khánh Trình ngày ấy giờ đã là một vị Phó Trưởng đoàn Việt Nam già dặn tham dự IMO.
"Ngày đó chúng tôi đã tính hết các nước cho lời giải bài Hình. Cho nên khi đưa lên một lời giải rất ngắn thì đội chấm đều cười và nói rằng chắc chắn lời giải sai. Nhưng sau khi xem kỹ thì chúng tôi dần dần hiểu rằng, không thể tìm ra chỗ sai. Một khoảnh khắc vĩ đại (a great moment)! Sau khi kiểm tra kỹ, chính tôi đã đề xuất trao giải Đặc biệt cho lời giải này.", GS. Tony Gardiner nhớ về lời giải của TS. Lê Bá Khánh Trình năm đó.
Tiến sĩ Lê Bá Khánh Trình rất vui mừng khi gặp lại vị giám khảo cũ. Ông nói sở dĩ có lời giải ngắn như vậy là do trước đó ông hiểu sai đề, đến lúc cuối mới phát hiện nên trong lúc nguy cấp đã tìm cách viết gọn nhất. Rất may là giám thị đã linh động cho viết nốt. "Cái gì cũng phải có cơ duyên!", Tiến sĩ Lê bá Khánh Trình nói.
Giám khảo năm xưa và thí sinh cũ nay đã là phó trưởng đoàn.
Và cuộc gặp hôm 18/7 giữa Tiến sĩ Lê Bá Khánh Trình và GS. Tony Gardiner cũng là một cơ duyên sau 40 năm. Giờ đây, GS. Tony Gardiner cũng vui mừng nhận thấy học trò của cậu thí sinh 40 năm trước cũng rất giỏi Hình học. "Các em đã làm khá tốt bài số 2, bài vốn gây nhiều khó khăn cho các đội. Và đặc biệt, có 2 học sinh đã đạt điểm tối đa ở bài 6, bài toán Hình học, bài khó nhất của kỳ thi. Thầy giỏi Hình nên trò cũng giỏi!", GS Tony Gardiner nhận định.
Theo Thanhnien.vn
Việt Nam đạt 6 huy chương Olympic Toán quốc tế, tiến 13 bậc vào Top 10 quốc gia đứng đầu