Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (Sở Giao thông vận tải TP HCM) cho biết đã giải ngân 494 tỷ đồng tiền trợ giá xe buýt cho 12 doanh nghiệp và hợp tác xã vận tải trong 8 tháng đầu năm. Hợp tác xã vận tải 19/5 được thanh toán trợ giá nhiều nhất với gần 130 tỷ đồng. Đây là đơn vị vận hành các tuyến buýt có lưu lượng hành khách lớn như Bến Thành – Đại học Quốc gia, Bến Thành – An Sương...
Khối lượng vận tải hành khách công cộng nửa đầu năm nay của thành phố xấp xỉ 304 triệu lượt và hoàn thành 46% kế hoạch cả năm. Khối lượng vận chuyển trên các tuyến xe buýt phổ thông có trợ giá giảm do nhiều nguyên nhân như phương tiện cũ, thời gian nghỉ các dịp lễ dài, phương tiện giao thông cá nhân tăng...
"Sự phát triển của dịch vụ Grab, Goviet, Be... cũng cạnh tranh với xe buýt, hành khách có xu hướng sử dụng dịch vụ này cho các chuyến đi có cự ly ngắn do sự tiện lợi, cơ động và có giá thành gần ngang với chi phí đi xe buýt", báo cáo của UBND TP HCM viết.
Xe buýt TP HCM tại khu vực quận 1. Ảnh: Hữu Nguyên. |
TP HCM đặt mục tiêu năm nay xe buýt sẽ vận chuyển 656 triệu lượt hành khách. Thành phố hiện có hơn 3.000 xe buýt hoạt động trên 200 tuyến (110 tuyến có trợ giá) đáp ứng được khoảng 10,7% nhu cầu đi lại của nhân dân. Mỗi năm ngân sách chi hơn 1.000 tỷ đồng để trợ giá cho loại vận tải công cộng này.
Đầu tháng 5, Sở Giao thông vận tải quyết định điều chỉnh giá vé xe buýt áp dụng trên các tuyến có trợ giá. Theo đó, 51 tuyến xe buýt sẽ tăng 1.000 đồng mỗi lượt hành khách so với giá hiện nay. Nhóm tuyến có cự ly 15-25 km có giá vé 6.000 đồng mỗi lượt, từ 25 km trở lên giá 7.000 đồng. Các tuyến có cự ly dưới 15 km giá vé giữ nguyên 5.000 đồng.
Lãnh đạo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng cho rằng, việc điều chỉnh tăng giá vé xe buýt lần này là cần thiết và khá phù hợp với tình hình thu nhập bình quân của người dân. Dự kiến sau khi điều chỉnh giá vé, doanh thu sẽ tăng 92,5 tỷ đồng mỗi năm và dùng để bù đắp vốn đầu từ xe mới, giảm chi ngân sách bù lỗ.