Vũ trụ trong mắt người thường quả là đẹp, với những vì sao, dải ngân hà, tinh vân... tạo nên cảnh tượng vô cùng ảo diệu. Nhưng đó chỉ là một phần của câu chuyện, bởi vũ trụ thực chất là một thế giới cực kỳ nguy hiểm. Nó lạnh lẽo, đen tối, và chẳng thể hiện một chút khoan nhượng nào với bất kỳ ai, kể cả Trái đất của chúng ta.
Chẳng hạn như trong một nghiên cứu mới đây từ ĐH Osaka (Nhật Bản) về địa hình của Mặt trăng, các nhà khoa học xác định rằng hệ thống Trái đất - Mặt trăng đã từng phải hứng chịu một trận mưa bom đến từ vũ trụ. Ước tính, số "bom" ấy được tạo thành từ khoảng... 50 triệu tỉ cân thiên thạch (hay 50 nghìn tỉ tấn - tức là số 5 với 13 số 0 đằng sau), lao thật lực vào Trái đất và vệ tinh lâu đời nhất của chúng ta.
Khối lượng gạch đá này tương đương khoảng 60 quả thiên thạch Chicxulub - thứ được cho là đã khiến khủng long tuyệt chủng vào 66 triệu năm trước.
Dĩ nhiên là khối lượng thiên thạch như vậy là đủ để gây ra nhiều hơn một cuộc đại tuyệt chủng. Sự kiện này diễn ra vào khoảng 800 triệu năm trước - thời điểm Trái đất đã có sự sống. Một cuộc tấn công không có chút khoan nhượng nào, nhưng ảnh hưởng của nó ra sao thì chưa rõ.
Trên thực tế, một vụ rơi thiên thạch cỡ Chicxulub được dự đoán sẽ xảy ra với Trái đất theo chu kỳ 100 triệu năm hoặc hơn. Tuy nhiên, một sự kiện xảy ra từ 600 triệu năm trước đã khiến Trái đất chịu rất nhiều áp lực: đất đai khô cằn, núi lửa phun trào hàng loạt, kích hoạt quá trình địa chất..., nên hẳn là vụ "bom rơi" kia cũng vậy. Bởi thế, nghiên cứu lần này nhắm đến cột mốc xa hơn, và hướng đến một đối tượng khác là Mặt trăng.
Sử dụng những tấm ảnh từ vệ tinh Kaguya của Cơ quan vũ trụ Nhật Bản (JAXA), nhóm nghiên cứu đã tiến hành quan sát 59 miệng hố trên Mặt trăng với đường kính lớn hơn 20km. Từ đây họ có thể dự đoán được độ tuổi hình thành nên chúng, và phát hiện ra rằng có tới 8 miệng hố được hình thành trong cùng 1 khoảng thời gian.
Thủ phạm gây ra nó có thể là một tảng thiên thạch với đường kính khoảng 100km. Các mảnh vụn của nó rơi thẳng xuống hệ thống Trái đất - Mặt trăng, không khác gì những vụ dội bom quy mô lớn. Các phân tích sau đó cho thấy thiên thể này thuộc về nhóm thiên thạch Eulalia - một trong 5 nhóm chúng ta có khả năng theo dõi.
Như thiên thạch Ryugu - hiện đang trên đường quay trở lại Trái đất cũng thuộc nhóm này. Các chuyên gia cho rằng nó có thể là một phần còn sót lại của đợt "dội bom" 800 triệu năm trước.
"Kết quả nghiên cứu đã cho thấy một viễn cảnh khác về khoa học Trái đất và hành tinh," - giáo sư Kentaro Terada từ ĐH Osaka.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications.
(Theo kenh14.vn)