Trẻ em bị cấu véo trên video và bị bỏ quên trên ô tô 9 tiếng: Phụ huynh "giao trứng cho ác"?

Từ ngược đãi trong gia đình đến tai nạn ở trường

Thật đáng buồn khi trong cùng một ngày lại chứng kiến 2 vụ việc không đáng có xảy ra với trẻ em trong chính những nơi an toàn nhất dành cho chúng: Gia đình và nhà trường.

Nhà là nơi an toàn nhất, vui vẻ, đầm ấm nhất với tràn đầy niềm yêu thương nhất dành cho con trẻ. Trường là nơi dạy trẻ những điều hay lẽ phải, kiến thức để phát triển con người cả về mặt ý thức và thể chất. Nhưng sẽ ra sao khi nhà không còn thoải mái, trở thành sàn diễn công khai cho bàn dân thiên hạ nhòm ngó? Sẽ ra sao khi trường biến thành môi trường đầy hiểm họa mất an toàn?

Một người mẹ nổi tiếng trong video trực tiếp trên MXH của mình lại quyết định kéo cậu con trai nhỏ tuổi ra chào khán giả. Dễ hiểu khi ở độ tuổi ấy, cậu bé không muốn "diễn" theo ý của mẹ nên vùng vẫy, nhưng người mẹ lại ghì chặt con để ép cậu làm điều mẹ muốn.

Con trai ca sĩ Thu Thủy bị cấu véo trong video livestream?

Cơn phẫn nộ của khán giả xảy ra khi người cha dượng kéo tay cậu xuống phía dưới bàn và... cậu bé kêu lên rồi nói rằng mình bị cấu vào tay. Ở độ tuổi ấy khó có đứa trẻ nào "đạo diễn" ra một "màn kịch" như vậy. Kết quả là "gạch đá" của cư dân mạng đủ để cặp đôi mẹ và cha dượng phải rạn nứt.

Bên cạnh những chỉ trích thì không ít ý kiến thương cho cậu bé, mới nhỏ tuổi mà đã bị ngược đãi, ép buộc là những điều mà cậu không muốn. Liệu sau này gia đình có tiếp tục là nơi an toàn, êm ấm dành cho cậu?

Nhưng cậu còn chưa đáng thương bằng cậu bé lớp 1 mất mạng vì bị bỏ quên trong ô tô đưa đến trường cùng ngày. Cô giáo hay người đưa bé đi học đã quên điểm danh khi xuống xe, thậm chí quên cả điểm danh khi lên lớp? Hay là điểm danh không thấy nhưng cũng kệ hoặc quên không báo cho gia đình?

Khi một đứa trẻ tự đến trường đi học hoặc được cha mẹ tự đưa đến trường thì việc nó biến mất gia đình tự chịu. Còn đây là trường chịu trách nhiệm đưa đi và không may cho trường khi đứa bé lại gặp nạn trên chính chiếc xe của trường. Vụ tai nạn hi hữu như một hồi chuông cảnh tỉnh các bậc phụ huynh và người ta bắt đầu đặt câu hỏi: Mỗi sáng chào con đi học còn mình đi làm thì rồi nó sẽ ra sao? Và cả tá câu hỏi về trách nhiệm của trường, quy trình quản lý, cách đưa đón, dạy học..., những điều mà lẽ ra phụ huynh phải nắm rõ từ đầu.

Trường Gateway và thông báo về sự việc thương tâm. (Ảnh: Kenh14.vn)

2 câu chuyện này khiến nhiều người phải suy nghĩ, đặc biệt là các bậc phụ huynh. Người ta cứ nói trẻ con ngày nay sung sướng, đủ đầy hơn xưa. Nhưng liệu chúng có thực sự cảm thấy sung sướng, an toàn bằng thời thơ ấu của cha mẹ chúng?

Đừng "giao chứng cho ác"!

Trong vụ việc cậu bé bị cha dượng cấu véo, bên cạnh chỉ trích nhắm vào người cha dượng thì không ít ý kiến phê phán người mẹ. Thậm chí, cả những người bạn của chị này cũng lên tiếng gay gắt, chất vấn tại sao chị lại không bảo vệ con mà ngược lại còn bênh chồng trẻ.

Anh chồng trẻ thì thường xuyên đăng hình ảnh mình thân mật với cậu con trai của vợ. Điều này khiến không ít người bất ngờ khi thấy hành động cau mày, kéo tay cậu bé xuống dưới gầm bàn để "ra tay" của anh ta. Cũng như cái cách mà trường quốc tế nọ đã quảng cáo, marketing về chất lượng, sự chu đáo, đáng tin cậy của mình để các bậc phụ huynh sẵn sàng giao con và nhất là... đóng mức học phí đắt đỏ mà họ đưa ra.

Họp báo vụ học sinh trường Gateway bị tai nạn thương tâm. (Ảnh: Kenh14.vn)

Không cha mẹ nào có thể kè kè bên con suốt từng ngày từng giờ, nhất là khi chúng trong độ tuổi tinh nghịch, ham chạy nhảy. Nhưng chính vì vậy mà phụ huynh càng phải tính toán, cân nhắc thật kỹ về việc trao gửi niềm tin đúng chỗ. Sự lựa chọn của họ chính là lá chắn thép bảo vệ những đứa con, niềm hy vọng tương lai đã gửi gắm.

Với những ai vẫn còn cơ hội điều chỉnh lại, hãy quan sát, lắng nghe và thấu hiểu xem con mình liệu đã được sống và học tập trong một môi trường đủ tốt, đủ an toàn chưa. Đừng chỉ nhìn vào đam mê, sở thích hay sự tiện lợi của bản thân mình mà hãy để tất cả nhu cầu ấy dành cho con, một đứa trẻ chưa đủ kỹ năng tự bảo vệ./.