(*) Bài viết là chia sẻ của nhà văn Cinzia Dubois.
Tôi chưa bao giờ biết mình gặp vấn đề với việc chi tiêu, mua sắm cho đến khi kết thúc năm 2018 với chưa đây 1.000 bảng Anh trong tài khoản tiết kiệm.
Thu nhập của tôi không thuộc diện cao nhưng tôi biết đó không phải vấn đề thực sự mà là cách chi tiêu của mình. Tháng 4/2018 là lúc tôi bắt đầu sự nghiệp viết lách của mình với tư cách là một cây viết tự do và đó cũng là năm mà thu nhập của tôi cao hơn bao giờ hết. Tuy nhiên tôi vẫn không ý thức được việc tiết kiệm, trong đầu luôn mặc định suy nghĩ đổ lỗi cho thu nhập thấp trước kia của mình. Để rồi đến khi phải đối mặt với sự thật về số tiền tiết kiệm ít ỏi, tôi đưa ra một quyết định lớn mà sau này đã thay đổi cuộc đời mình.
Từ bỏ mua sắm trong 1 năm
Tôi nhận thấy mình cần nghiêm túc hơn bao giờ hết. Tôi sẽ chấm dứt việc sa đà vào cái hố sâu của sai lầm yêu thương bản thân đồng nghĩa với việc mua sắm đồ đạc và bắt đầu tiết kiệm tiền bằng cách ngừng mua sắm trong vòng 1 năm.
Tôi có 3 mục tiêu chính cho những gì mình muốn đạt được vào cuối năm:
- Tạo quỹ khẩn cấp trị giá 6 tháng sinh hoạt phí
- Trả hết khoản vay sinh viên cho tấm bằng Thạc sĩ
- Bắt đầu tiết kiệm tiền đặt cọc mua căn hộ
Quy tắc “Không chi tiêu” của tôi
Chắc hẳn lúc này nhiều người đang nghĩ rằng làm sao trong xã hội này lại có người có thể từ bỏ việc mua sắm, chi tiêu được, thật vô lý phải không? Tất nhiên, tôi không trồng được rau củ, nuôi được lợn gà ở căn hộ nhỏ trong thành phố này.
“Không chi tiêu” với tôi không phải thử thách không chi bất cứ 1 đồng nào mà quy tắc là tôi sẽ không được phép mua bất cứ thứ gì ngoại trừ những mặt hàng sau:
Thức ăn: Chắc chắn rồi vì tôi không thể nuôi trồng ra chúng và tự cung tự cấp cho mình.
Thể dục: Sức khỏe rất quan trọng đối với tôi và vì vậy tôi cho phép mình được đầu tư vào các lớp tập thể dục hoặc trở thành thành viên của phòng tập thể dục.
Thực phẩm bổ sung vitamin B12 và dầu hạt lanh: Tôi là người ăn chay trường và những chất này cần thiết được bổ sung.
Mua những thứ đã hết: Tôi cho phép mình mua những thứ đã dùng hết như dầu gội đầu, kem đánh răng, kem dưỡng ẩm, kem chống nắng, sửa quần áo khi chúng gặp vấn đề…
Một cốc cà phê mỗi tuần và một bữa tối ăn ngoài mỗi tháng: Tôi đã có một lối sống vô cùng thiếu lành mạnh vào năm 2018. Gần như ngày nào tôi cũng phải hẹn ai đó đi cà phê, 6 lần/tuần có lẽ chẳng hề nói quá. Mặc dù có nhiều bạn bè là một điều may mắn song nó không nhất thiết phải tốn kém đến vậy. Tôi đã giới hạn bản thân mình và sẽ chỉ đi cà phê một ngày trong tuần và ăn ngoài hàng một lần mỗi tháng.
Quà cho mọi người khác: Tôi sẽ vẫn dành tình cảm, thể hiện tình cảm và lòng biết ơn của mình với những người yêu mến.
Mọi thứ khác đều sẽ nằm trong danh sách “đèn đỏ”. Tôi tự hứa sẽ không mua quần áo (bất kể cũ hoặc mới), đồ trang điểm mới, ứng dụng, đồ dùng trang trí, giày dép, những thứ nhỏ nhỏ xinh xinh mà tôi vẫn hay mua, đồ ăn nhẹ khi ra ngoài, sơn móng tay, vé xem phim, rượu bia…
Tôi đã tiết kiệm được bao nhiêu tiền
Đó là một thử thách không dễ dàng nhưng tôi làm được và bạn cũng hoàn toàn có thể làm được. Tôi đã bám sát kế hoạch và không tiêu một xu nào ngoài quy tắc do mình đặt ra. Trên thực tế, tôi còn tiêu ít hơn mức cho phép, chỉ đi uống cà phê 2 hoặc 3 lần mỗi tháng thay vì 1 lần mỗi tuần.
Đến tháng 12 năm 2019, tôi chỉ kiếm được hơn 16.000 bảng Anh nhưng vấn đề là đã tiết kiệm được tổng cộng 45,2% thu nhập của mình (khoảng 7.232 bảng Anh). Tôi đã ăn mừng dấu mốc này bằng cách thanh toán 2.000 bảng Anh cuối cùng của khoản vay học cao học, sớm 2 năm so với ngày đến hạn. Không những vậy, sau khi trả hết khoản vay, tôi cũng đã lấp đầy quỹ khẩn cấp của mình với giá trị tương đương 6 tháng sinh hoạt phí. Cuối cùng, tôi đã đạt được 2 trong 3 mục tiêu của mình.
Những gì tôi đã học được
“Không chi tiêu” là một thử thách lớn hơn hầu hết những gì mà bạn nghĩ. Đó là bởi đa phần chúng ta không ý thức được mình đã mua sắm bao nhiêu trong vô thức.
Khi nghĩ đến mua sắm, tâm trí của bạn sẽ ngay lập tức hình dung ra hình ảnh của những cô nàng nghiện mua sắm, tay xách nách mang với đủ món đồ đến từ các thương hiệu thời trang. Cảnh tượng đó khiến bạn tự tin khẳng định: “Tôi không phải là người nghiện mua sắm, tôi có chi tiêu mấy đâu".
Tuy nhiên, những đồng tiền không nói vậy. Chúng ta mua sắm mọi lúc, đặc biệt là khi thu nhập ở mức khiêm tốn bởi nó mang đến cho bạn cảm giác gần hơn với những người thành công khác. Chúng ta muốn thứ hợp với mình, bởi vậy mà sẽ mua ngay chiếc váy vừa thấy trên facebook hay chiếc kính râm mới ra vì chiếc đang dùng đã lỗi mốt.
Sự thật là chúng ta thường chi tiêu nhiều hơn cho các giao dịch nhỏ này kia nhưng lại không bận tâm đến chúng. Nếu tôi áp dụng thử thách không mua sắm này trước vài năm, ắt hẳn tôi đã trả xong khoản nợ cho việc học cao học và tích được kha khá tiền cho tương lai cũng như quỹ khẩn cấp.
Một năm sống với các thói quen tài chính lành mạnh hơn, tôi không chỉ khiến ví của mình dày lên mà còn biết trân trọng hơn về những gì mình đang có cũng như trưởng thành hơn trong suy nghĩ, biết đủ với những gì mình có.
Tôi làm việc chăm chỉ vì những đồng tiền của mình và không còn để mạng xã hội hay ai “lừa” mình rằng tôi cần phải mua thứ này, mua thứ kia để trở nên tốt hơn.