Người ta thi nhau bàn tán, suy đoán đúng sai. Người ta kể với nhau rằng, người giàu cũng có lúc phải khóc. Và rồi người ta cũng chẳng còn mấy lòng tin vào tình nghĩa vợ chồng.
Chuyện kể rằng, có đôi vợ chồng nọ yêu nhau từ thuở hàn vi. Nàng là tiểu thư bất chấp gia cảnh của người mình thương mà chung lưng đấu cật cùng chàng trải qua bao tháng ngày giông bão. Rồi cuối cùng, họ cũng thành công với một sự nghiệp rạng rỡ và những đứa con xinh đẹp.
Thế nhưng khi quay lại nhìn nhau, họ thấy hai người đã đứng cách xa nhau như tận cùng hai thế giới. Họ giờ đây không còn chung tiếng nói, không còn hiểu được nhau.
Những ngày qua, phiên tòa ly dị và tranh chấp khối tài sản khổng lồ giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã khiến dư luận không khỏi xót xa, tiếc nuối cho một chuyện tình đã từng rất đẹp. Người ta xôn xao bàn tán, suy luận đúng sai.
Người ta kể với nhau rằng, hóa ra "người giàu cũng khóc". Người ta cũng chẳng còn mấy lòng tin vào tình nghĩa vợ chồng.
Hôn nhân là chuyện của cả hai người, không phải là chuyện của riêng anh hay chuyện của riêng em, cũng không phải là chuyện để chứng minh đúng sai với người khác. Lựa chọn giải quyết vấn đề trong hôn nhân bằng cách đi tìm sự hậu thuẫn bên ngoài hoặc tìm kiếm dư luận để công kích đối phương, để tạo cảm giác mình trong vai nạn nhân là một việc làm thiếu sáng suốt, chẳng khác nào tự tách mình ra khỏi chỗ ấm êm và đẩy mình đi vào ngõ cụt.
Trong hôn nhân, nếu có một vấn đề nảy sinh và bạn nghĩ đó là vấn đề của người bạn đời thì bạn sẽ không tham gia để tìm ra giải pháp. Còn nếu bạn nghĩ vấn đề đó là của riêng bạn thì có lẽ bạn đã bỏ qua một nửa của giải pháp. Nhưng nếu mọi khó khăn được xem là vấn đề "của chúng ta" thì hai người sẽ tìm ra được giải pháp.
Có một vị thầy đã nói: "Hãy nâng đỡ đời nhau bằng con tim hiểu biết". Chúng ta có hiểu thì mới có thương.
Khi mất đi kết nối với nhau, chúng ta sẽ tự thấy tách biệt với người kia và không thể lắng nghe những nỗi khổ niềm đau, những trăn trở của họ. Chúng ta không còn thấy điều gì tốt đẹp mà chỉ toàn thấy những điểm yếu kém, giới hạn của đối phương.
Nhưng đã cùng là người một nhà thì ắt phải có ân tình, huống chi là vợ chồng bao năm gắn bó. Đây là lúc cần để chúng ta biết được dung lượng trái tim mình lớn hay nhỏ.
Nếu quả thực bạn nhìn thấy những lầm lỡ, những yếu kém của đối phương thì chính bạn phải là người truyền cảm hứng để giúp cho người ấy vượt qua được những yếu kém, giới hạn, đòi hỏi của họ.
Hôn nhân là một quá trình nỗ lực không ngừng của những sự tha thứ lặng thầm cùng những sự tha thứ bằng lời nói. Đối xử với nhau bằng ân tình nghĩa là đáng trừng phạt mà không trừng phạt, đáng loại trừ mà không phải loại trừ. Nếu đáng trừng phạt mà bạn trừng phạt, đáng loại trừ mà bạn loại trừ thì đó có lẽ không phải là ân tình nữa, đó chỉ là một sự sòng phẳng mà thôi.
Đối xử với nhau bằng ân tình là trách nhiệm của bạn vì bạn là người thương của họ, còn họ là sự lựa chọn của bạn. Bản thân bạn cũng sẽ có những lúc sai lầm, có những lúc đau thương, khi ấy người thương cũng có thể thức tỉnh bạn.
Mâu thuẫn còn sinh ra khi chúng ta thấy bản thân mình bị tách biệt, mình khác với người kia, mình ở một "tầm" cao hơn và đúng hơn chẳng hạn. Khi ấy hai người đều quên rằng "chúng ta" là một và bị cuốn theo các lý lẽ riêng của bản thân, hai người sẽ thấy không còn chung quan điểm và các giá trị sống.
Nếu hai vợ chồng không đồng hành với nhau về sự phát triển tinh thần, họ chắc chắn sẽ nảy sinh mâu thuẫn. Vậy tại sao chúng ta gọi nhau là "bạn đời"? Vì chúng ta cần song hành với nhau không chỉ trong đời sống kinh tế mà còn phải trong cả đời sống tinh thần.
Vì vậy khi có mâu thuẫn xảy ra, chúng ta hãy nâng dậy phần nghĩa tình, hãy đếm lại những điểm tốt của đối phương, hãy biết nhận trách nhiệm của mình khi mối quan hệ của "chúng ta" không êm ấm. Để rồi sau này dù hợp hay tan thì chúng ta vẫn còn đó một tình thương dành cho nhau, để không phải nuối tiếc hay oán trách.
Vụ ly hôn "nghìn tỷ" của hai vợ chồng ông Vũ, bà Thảo cũng để lại cho người đời nhiều nỗi trăn trở về mối tương quan giữa sự giàu có, danh tiếng và hạnh phúc gia đình.
Quả thực, sự giàu có mang đến cho chúng ta nhiều lựa chọn hơn, chính vì vậy nó cũng mang lại nhiều cám dỗ. Càng nhiều sự lựa chọn thì người ta lại càng cảm thấy ít hài lòng với những gì mình có và bị cuốn đi trong việc chạy theo một cái gọi là "hạnh phúc ảo" nào đó treo trước mũi nhưng lại chẳng bao giờ đạt được.
Ngành tâm lý học gọi đây là hiệu ứng "vòng xoáy khoái lạc". Vòng xoáy này sẽ không bao giờ có điểm kết thúc, trừ khi chúng ta dừng lại những cái "muốn" của mình để biết đủ thì mới có thể an vui.
Thế nhưng điều đó không có nghĩa là sự giàu sang hay địa vị là nguyên nhân khiến cho chúng ta trở nên bất hạnh, vì nếu thế thì lẽ ra tất cả người giàu có hay thành đạt đều phải bất hạnh cả rồi. Trong khi thực tế là vẫn có những căp vợ chồng giàu hạnh phúc và có những gia đình nghèo lại chẳng ấm êm.
Nỗi bất hạnh chỉ bắt đầu khi người ta tưởng nhầm rằng tiền bạc, địa vị và danh tiếng là nguyên nhân chính gìn giữ hạnh phúc và bất chấp để chạy đuổi theo những thứ ấy. Bi kịch chỉ xảy ra khi người ta không biết đủ, người ta cứ muốn nhiều hơn và nhiều hơn nữa cho bản thân và cho cả những thứ nằm trong cái phạm vi mà họ mặc định là "của tôi", nhà của tôi, con của tôi, tài sản của tôi...
Sự khác biệt giữa người giàu mà đau khổ với người thành công trong hạnh phúc là ở chỗ họ dùng may mắn của bản thân để tăng trưởng cái "tôi", cái "của tôi" hay tận dụng nó để nuôi dưỡng tâm từ bi, nuôi dưỡng chí nguyện phụng sự cộng đồng.
Có rất nhiều những người thành công, giàu có và rất hạnh phúc. Đó là niềm hạnh phúc và bình an sâu thẳm khi họ nói về những giấc mơ lớn cho cộng đồng, những dự án giúp đỡ người thiệt thòi, giúp ích cho đời.
Hóa ra những người hạnh phúc là những người có tầm nhìn rộng mở và họ biết quan tâm lo lắng cho hạnh phúc của nhiều người khác chứ không phải là chỉ cố chăm chăm tìm kiếm sự hưởng thụ cho bản thân mình. Và sự đồng thuận vững chắc nhất của vợ chồng là cùng chung chí nguyện cao thượng chứ tuyệt nhiên không phải sự tính toán hẹp hòi cho bản ngã.
Trong một bài phát biểu ở trường Đại học Harvard, tỷ phú Bill Gates đã không ngừng nhắc đến những kế hoạch giảm bớt sự bất bình đẳng trong xã hội, cứu mạng những trẻ em đang bệnh tật ở các nước nghèo hay vấn đề xem xét những nỗi thống khổ và làm sao để có biện pháp cứu giúp.
Điều đặc biệt đáng ngưỡng mộ là ông luôn nhắc đến vai trò cộng tác và sự đồng lòng của người vợ Melinda: "Đối với Melinda và tôi...", "Trong những lần thảo luận của chúng tôi.", "Chúng tôi thường nói rằng, với nguồn lực của chúng ta, làm sao để chúng ta có thể giúp đỡ một cách hiệu quả nhất cho một số lượng người lớn nhất."...
Và rồi ông kết thúc bài phát biểu đó bằng những lời như sau: "Gửi tới những người được ban tặng nhiều, trông đợi cũng sẽ rất nhiều. [...] Khi bạn xét đến những gì mà chúng ta đã được ban cho - về tài năng, về đặc quyền và về cơ hội, thì hầu như không có giới hạn nào mà thế giới không có quyền mong đợi từ chúng ta. […] Hãy hành động. Hãy là người gánh vác trách nhiệm về những bất bình đẳng lớn trong xã hội. Tôi dám chắc đó sẽ là một trong những kinh nghiệm tuyệt vời nhất mà bạn được trải nghiệm trong cuộc đời".
Ngay ở đất nước ta cũng không thiếu những vị tỷ phú, triệu phú - kể cả nổi tiếng hay kín tiếng, họ vẫn luôn tâm niệm vai trò và trách nhiệm của mình đối với cộng đồng và không ngừng phấn đấu vì mục tiêu cao thượng ấy. Không phải họ không gặp những khó khăn, thử thách hay những nỗi buồn đau, nhưng họ có một lý tưởng sống vượt ra ngoài những suy tính nhỏ nhen và vị kỷ nên trái tim họ tràn ngập hạnh phúc và bình yên.
Trong câu chuyện của vợ chồng ông Vũ hay bất cứ câu chuyện của cặp vợ chồng nào chăng nữa, dù có ai đúng ai sai thì chia ly hay tiếp tục chịu đựng nhau đều là một sự khổ đau to lớn cho cả hai bên, cả hai vẫn đều là những người thất bại trong cuộc hôn nhân của mình. Một khi gia đình đã có mâu thuẫn thì ai cũng khổ.
Nếu chúng ta không tìm được nguyên nhân đúng đắn của vấn đề để thay đổi từ chính mình thì sẽ chẳng bao giờ hết khổ. Dù có phủi tay rũ bỏ để ly tan hay gắng gượng mà vá víu thì cái khổ vẫn cứ ở đó, có chăng nó chỉ chuyển từ hình thức khổ này sang hình thức khổ khác mà thôi.
Khi chúng ta vẫn cho rằng lỗi chỉ hoàn toàn ở đối phương thì chúng ta đã trao hết cho họ quyền quyết định hạnh phúc của bản thân và quyền phá hỏng cuộc hôn nhân của ta. Chúng ta tự tay đánh mất sức mạnh và khả năng thay đổi hoàn cảnh của mình.
Vì vậy, việc tự nhận trách nhiệm để thay đổi là điều rất cần thiết. Dù cho có giúp người kia thay đổi được hay không thì chúng ta vẫn có thể tự thay đổi để giúp đỡ được chính mình.
Theo Helino.vn