Thương Minh trải manh chiếu rách xin ăn ở gốc cây, con trai ông Kiếm về lấy cơm ra cho. Không ngờ sau đó cặp vợ chồng nghèo cưu mang anh chàng ăn xin suốt 24 năm.
Anh Bùi Minh (hiện nay đã 50 tuổi) sinh ra trong gia đình nghèo, bố mẹ mất sớm ở huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi. Ba anh em anh đã phải đi mò cua bắt ốc nuôi nhau và cả ba anh em anh không được đi học.
Năm 1994, anh Minh vào Phan Rang - Ninh Thuận làm thuê nghề biển cho một người chú nhưng được mấy hôm thì mâu thuẫn nên giận bỏ về. Không có tiền, anh Minh vẫn bắt chuyến xe Bắc - Nam về quê nhưng đến Quảng Trị thì anh bị nhà xe phát hiện đuổi xuống. Không nhớ đường về và đói nên anh phải đi xin ăn, đêm ngủ ngoài đường, bị đánh đến mất trí nhớ, tinh thần hoảng loạn.
Khi đó, vợ chồng ông Trần Kiếm (hiện nay đã 67 tuổi) mới mở một xưởng kẹo mè xửng ở TP Đông Hà, Quảng Trị. Việc kinh doanh nhà ông Kiếm ế ẩm. Nuôi 5 người con còn nhỏ, cuộc sống vợ chồng ông cũng khó khăn. Để tiết kiệm, bà Loan - vợ ông mỗi ngày nấu một ngồi cơm to cho 7 người ăn cả ngày.
Những ngày cuối năm nọ, ông Kiếm thấy nồi cơm cứ mất dấu không rõ nguyên nhân. Ban đầu ông tưởng mèo ăn nên treo lên cao, đậy cẩn thận nhưng vẫn vơi đi mỗi khi cả nhà dọn cơm ra ăn. Một lần, ông phát hiện con trai xuống bếp lấy cơm bỏ trong bịch mang đi thì mới hỏi con: "Con mang cơm đi đâu?".
Cầm bịch cơm trên tay, con trai ông Kiếm (khi đó mới 6 tuổi) thú nhận: "Con và mấy bạn đi học về, thấy chú thanh niên ở đầu xóm (tức anh Minh), trải chiếc chiếu rách dưới gốc cây khế ngồi xin ăn, quần áo rách tươm, thương lắm! Tụi con bàn nhau, mỗi đứa mang cơm ra cho chú ấy một ngày". Nghe vậy thì ông Kiếm nói với con: "Đưa người đó về đây xem thế nào".
Con trai ông Kiếm là người đã mang cơm cho anh Minh năm xưa.
Nhìn chàng thanh niên ốm nhom, ánh mắt sợ sệt, ông Kiếm rất thương và bàn với vợ vun vén một chút để nuôi Minh. Bà Loan ban đầu cũng lưỡng lự, nhưng nghe nói anh Minh không có ai thân thích, sức khỏe đang yếu, nếu phải tiếp tục đi xin ăn thì sẽ rất nguy hiểm nên bà đành đồng ý.
Từ đó, anh Minh trở thành "con trai nuôi" của vợ chồng ông Kiếm. Hàng ngày, Minh phụ ba mẹ nuôi làm kẹo và các việc vặt trong nhà, chơi với các em.
Khi ấy, được hỏi về ba mẹ đẻ, anh Minh chỉ nhớ được ba tên Bùi Kiểm, mẹ tên Lương Thị Tâm và hai ông bà đã mất từ lâu. "Nghe Minh nói quê ở Mộ Đức, Quảng Ngãi, tôi vào đó hỏi thăm mà không ai biết hoàn cảnh của Minh. Công an họ cũng khẳng định như vậy.", ông Kiếm kể lại.
Thấy em trai trên mạng xã hội
Ở quê nhà của Minh lúc đó, chờ mãi không thấy em về, gọi cho người chú và những người quen không ai biết Minh đi đâu nên anh Bùi Nghiễm (hiện nay đã 56 tuổi), anh trai anh Minh đứng ngồi không yên. "Nó không biết chữ, lại khờ dại, không biết có chuyện gì không?", anh Nghiễm ngày đó suy nghĩ lo lắng. Sau đó, anh đã đi đến các bến xe, ga tàu tìm em nhưng không thấy.
Rồi vợ chồng anh đưa nhau vào Sài Gòn mưu sinh bằng nghề bán hàng rong. Cứ góp được ít tiền là anh lại đến Nha Trang, Ninh Thuận, Bình Thuận... tìm em. "Nghe ở đâu có người giống nó là tôi đến. Có lần, trên đường về làm đám giỗ cho ba mẹ, đến Bình Thuận, tôi nhìn thấy một thanh niên từ phía sau có nét hao hao với Minh nên vội chạy đến mà không đúng.", anh Nghiễm nhớ lại những ngày ấy.
Những ngày giáp Tết năm 2018, anh Minh bị tai biến phải nằm một chỗ. Tâm nguyện của anh lúc đó là được gặp lại gia đình mình. Thế là gia đình ông Kiếm chia nhau người túc trực trong bệnh viện chăm Minh, người đi tìm gia đình cho anh.
Ông Kiếm đã liên hệ với các cơ quan, tổ chức tìm kiếm nhờ giúp đỡ, còn con trai ông cũng chụp hình anh Minh với mình kèm câu chuyện của anh và gia đình đăng lên mạng xã hội nhờ cộng đồng mạng tìm giúp. May mắn thay, các con anh Nghiễm lên mạng thì thấy người trong hình, thông tin và câu chuyện giống hệt chú Minh mà họ vẫn nghe kể nên báo cho ba.
Bức ảnh chụp cùng anh Minh được con trai ông Kiếm đăng lên mạng.
"Tôi đang đi bán hàng thì con gọi báo là nhìn thấy hình chú Minh trên mạng. Tôi không tin, hỏi lại: ‘Có thật không’. Nghe con khẳng định lần nữa tôi để cho vợ bán, chạy về xem ngay.", anh Nghiễm nhớ lại lúc nhận được tin tức về em trai.
Sau khi gọi điện cho gia đình ông Kiếm xác nhận, đến tháng 3/2018, anh Nghiễm chuẩn bị 5 triệu đồng, bắt xe từ TP HCM ra Quảng Trị gặp em. Lúc anh trai đến, anh Minh đang chơi cùng với mấy đứa cháu ông Kiếm ngoài sân. "Nhìn thấy em, tôi muốn chạy đến ôm nhưng em không nhớ gì cả. Em ngước lên nhìn tôi chăm chăm một lúc rồi quay ra chơi với mấy đứa nhỏ. Phải đến khi vợ chồng anh Kiếm nói tôi là anh trai, Minh mới nhớ.", anh Nghiễm xúc động kể.
Hiện nay, anh Minh đang sống cùng vợ chồng em gái ở quê. Do ảnh hưởng từ cơn tai biến nên sức khỏe của anh yếu hơn, chỉ đi lại nhẹ nhàng, không nói và sử dụng điện thoại được.
Hơn 1 năm qua, vì ở xa nên vợ chồng ông Kiếm chỉ có thể hỏi thăm anh Minh thông qua người khác. "Thời gian tới, vợ chồng tôi sẽ sắp xếp công việc để đi thăm Minh.", ông Kiếm nói.
Ông cho biết, lúc hai gia đình gặp nhau, anh Nghiễm có đưa 5 triệu đồng để cảm ơn nhưng vợ chồng ông không nhận. "Vợ chồng tôi xem Minh như con.", ông Kiếm cho biết.
Gia đình anh Nghiễm không bao giờ quê công ơn vợ chồng ông Kiếm.
Dù thế nào thì anh Nghiễm cũng không bao giờ quên công ơn của vợ chồng ông Kiếm - bà Loan dành cho gia đình mình. "Anh chị ấy đã nuôi em Minh hơn 24 năm. Công ơn đó rất to lớn, tôi không bao giờ quên được.", anh Nghiễm nhắc đến vợ chồng ông Kiếm với tràn đầy sự biết ơn.
Theo Vietnamnet.vn
Thanh niên ăn xin trên phố Hà Nội không có tiền về quê nhưng có tiền tậu xe sang