Đa số người Việt Nam đều không biết đến ý nghĩa đằng sau hình ảnh vô cùng quen thuộc liên tục xuất hiện trên truyền hình những năm 80,90 này.
Vào những năm 80,90, nếu bạn thường xuyên theo dõi các chương trình truyền hình đặc biệt vào ban đêm, bạn sẽ bắt gặp hình ảnh một loạt các ô, các mảng màu được xếp ngẫu nhiên với nhau. Kèm theo đó là những tiếng nhạc du dương được phát ra và đôi khi là tiếng kêu không xác định. Không ít người cho rằng đây chỉ là hình ảnh vô nghĩa tuy nhiên, đằng sau bức ảnh huyền thoại này lại là cả một câu chuyện của ngành truyền hình đấy.
Hình ảnh quen thuộc trên truyền hình vào những năm 80,90.
Được biết trong thời kỳ đầu của truyền hình vô tuyến, lúc này tín hiệu được truyền qua sóng hay còn gọi là tín hiệu analog. Vào thời điểm này, khó khăn lớn nhất của việc phát sóng truyền hình màu là làm sao có thể vừa truyền tải được màu sắc trung thực nhất nhưng lại phải vừa tiết kiệm băng thông so với truyền hình đen trắng.
Và Ủy ban hệ thống truyền hình quốc gia của Mỹ đã đưa ra giải pháp để giải quyết khó khăn này. Theo đó, thông tin liên quan đến màu sắc hay tín hiệu màu sẽ được mã hóa riêng biệt so với thông tin về độ sáng hay tín hiệu đen trắng. Điều này sẽ giúp làm giảm độ phân giải của thông tin màu đồng thời cũng tiết kiệm được băng thông.
Tuy nhiên, giữa độ phân giải của tivi và tín hiệu khi sóng truyền đến có sự chênh lệch về màu sắc khi phát trên các thiết bị sử dụng đèn hình. Vì thế, người ta đã sử dụng các test card hay các thẻ kiểm tra, thẻ thử nghiệm để điều chỉnh các sai lệch đó.
Test card của Đài Truyền hình Hà Nội.
Test card được sử dụng từ khi truyền hình phát sóng lần đầu tiên dùng để kiểm tra tín hiệu truyền hình, đặc biệt vào những thời điểm máy phát sóng đang hoạt động nhưng không có chương trình nào đang được phát.
Những test card ban đầu được đặt tại các địa điểm có máy quay tryền hình hướng vào để tiện cho việc đo đạc, căn chỉnh giữa các máy quay và ghi hình. Chúng bao gồm tập hợp các mô hình cho phép các camera truyền hình và các máy thu có thể điều chỉnh nhằm hiển thị chính xác các hình ảnh như các vạch màu SMPTE.
Phần lớn các thẻ thử nghiệm hiện đại gồm một tập hợp các vạch màu và cho phép các sắc độ và dải màu có thể được điều chỉnh một cách chính xác giữa băng ghi hình và tín hiệu nạp vào mạng lưới.
Các vạch màu chuẩn SMPTE cùng hàng loạt các thẻ kiểm tra gồm tín hiệu analog của màu đen, màu trắng hoàn toàn và dải màu dưới màu đen. Các màu này đại diện cho mức điện áp thấp nhất được phép để truyền tải tần số thấp trong các chương trình phát sóng theo chuẩn NTSC.
Việc điều chỉnh các dải màu, độ sáng, độ tương phản của màn hình phụ thuộc vào giới hạn về sự cảm nhận các dải màu dưới màu đen thế nên có thể sử dụng máy thu tín hiệu analog để màu sắc trở nên trung thực và ấn tượng hơn.
Thời gian gần đây, những hình ảnh này không còn thường xuyên xuất hiện trên truyền hình như trước đây. Một phần do sự phát triển các loại màn hình không sử dụng đèn hình như LCD, một phần là do thời lượng phát sóng của các chương trình truyền hình dẫn đến việc không còn thời gian để có thể hiện thị lại các hình ảnh thẻ kiểm tra nhiều như những năm 80,90. Vì vậy mà hình ảnh này dần lùi vào dĩ vãng và trở thành "hàng hiếm" đối với giới trẻ thời nay.