Khoa học thường thức: "Sợ muốn chết", "cười muốn chết" có thể thành sự thật hay không?

Bạn có tin rằng việc "sợ muốn chết" và "cười muốn chết" đều hoàn toàn có thể xảy ra không?

"Sợ muốn chết", "buồn cười muốn chết" vốn là những câu nói quen thuộc của người Việt ta, đến mức trở thành các câu nói cửa miệng để bộc lộ cảm xúc. Ví dụ như khi bạn đang tập trung cao độ như chơi game hay làm bài tập về nhà chẳng hạn, thì bỗng có ai đó vỗ vào vai bạn. Bạn sẽ giật tưng tưng rồi kêu lên rằng: "Làm người ta sợ muốn chết!". Hay khi bạn được ai chọc cười, bạn cũng sẽ kêu rằng: "Buồn cười muốn chết đi được!" ấy.

Đây có lẽ là 2 câu mà bất kì ai cũng từng nói ít nhất 1 lần trong đời, nhưng liệu bạn có nghĩ rằng nó có thể thành sự thật không? Có nghĩa rằng nó đúng theo nghĩa đen ấy, rằng bạn có thể chết vì sợ hoặc cười quá nhiều.

Khoa học thường thức: Sợ muốn chết, cười muốn chết có thể thành sự thật hay không? - Ảnh 1.

Sợ hoặc cười cũng có thể gây tử vong.

Câu trả lời là "có". Nhưng bạn cũng chưa cần phải khiếp sợ vội làm gì, vì những trường hợp đó đều rất hiếm gặp. Đầu tiên, chúng ta sẽ nói về các vụ "sợ chết khiếp" trước đã. Về mặt bản chất, các vụ này đều có cốt lõi là nạn nhân lên cơn đau tim vì sợ hoặc những cảm xúc khác. Vậy theo khoa học, những vụ đau tim đó sẽ xảy ra thế nào?

Khi con người sợ hãi, cơ thể họ sẽ bắt đầu tiết ra một chất được gọi là adrenaline. Có tên khác là epinephrine, adrenaline vốn là một hormone được giải phóng khỏi tuyến thượng thận. Chất này được đưa vào máu và phục vụ như các chất trung gian hóa học, đồng thời truyền tải xung thần kinh cho các cơ quan khác nhau. Quá trình này xảy ra trong 1 quãng thời gian rất ngắn (chỉ tối đa trong khoảng 2 hay 3 phút trong điều kiện thường).

Khoa học thường thức: Sợ muốn chết, cười muốn chết có thể thành sự thật hay không? - Ảnh 2.

Adrenaline dễ được sản sinh trong điều kiện căng thẳng.

Về mặt cơ bản, adrenaline được sinh ra sẽ gây ra nhiều tác động khác nhau. Ví dụ như tăng tốc việc sản sinh lượng đường trong máu, axit béo trong cơ thể và sản xuất năng lượng trong tế bào của cơ thể. Tất cả những chuyện này khiến tim bạn đập nhanh hơn và bơm được nhiều máu hơn; mở rộng đường hô hấp khiến cơ thể có thể hấp thụ nhiều oxy hơn.

Nhờ vậy, tốc độ và sức mạnh của bạn được tăng lên để phản ứng với nguy hiểm. Tuy nhiên, cái giá mà cơ thể phải trả cho sức mạnh này là không hề rẻ. Trong quá trình kích thích cơ thể, nhịp tim sẽ trở nên nhanh hơn, huyết áp tăng lên, các mạch máu bị co thắt lại. Do thế, quá nhiều adrenaline sẽ ức chế hệ thống miễn dịch của cơ thể, gây hại cho tim, thậm chí là suy tim. Vì thế, việc sợ hãi quá độ hoàn toàn có thể dẫn đến việc tử vong.

Khoa học thường thức: Sợ muốn chết, cười muốn chết có thể thành sự thật hay không? - Ảnh 3.

Đó chính là điều đã xảy ra trong 1 vụ án cách đây nhiều năm tại thành phố Charlotte, bang Carolina (Mỹ). Theo hãng thông tấn Associated Press, tên tội phạm cướp ngân hàng Larry Whitefield, 20 tuổi, khi đang ra sức thoát khỏi sự truy đuổi của cảnh sát - đã lẩn vào nhà của bà cụ 79 tuổi tên Mary Parnell và trốn trong đó. Mặc dù hắn không hề đụng vào người bà, nhưng do hoảng quá nên bà đã lên cơn đau tim rồi tử vong.

Khoa học thường thức: Sợ muốn chết, cười muốn chết có thể thành sự thật hay không? - Ảnh 4.

Bà cụ Mary Parnell và tên tội phạm Larry Whitefield.

Thực chất, không chỉ có nỗi sợ hay những cảm xúc tiêu cực, các cảm xúc tích cực cũng có thể gây ra tác động tương tự. Ví dụ như "mừng muốn chết" chẳng hạn. Theo sách Tiết Đinh San Chinh Tây, hồi thứ 44, Trình Giảo Kim khi nghĩ về chuyện ông ta kết bạn với 36 người mà họ đều chết, chỉ còn ông ta còn sống thì vỗ tay cười ngất một hồi. 

Có điều, ngay sau đấy thì ông ta bất ngờ bị nghẹn hơi nên nhào xuống chết thẳng cẳng. Đó chính là "tiếu sát", tức cười mà chết. Trình Thiết Ngưu thấy cha vì cười mà chết thì đau lòng vô cùng, than khóc không thôi, cho rằng vừa được thái bình chưa hưởng chút phú quý nào đã vội bỏ con cháu mà đi.

Khoa học thường thức: Sợ muốn chết, cười muốn chết có thể thành sự thật hay không? - Ảnh 5.

Bức họa về Trình Giảo Kim.

Đó không phải là những trường hợp duy nhất. Trong lịch sử, có tới hơn 10 vụ chết vì cười như trên, ví dụ như vua Martin Đệ Nhất của Aragon chết năm 1410 khi vừa dùng bữa, vừa nghe chú hề kể chuyện. Nguyên nhân của việc này cũng chính là từ việc quá phấn khích gây sản sinh ra hormone kích thích cơ thể, dẫn đến nhiều hệ lụy gây hại.

Tóm lại, các cảm xúc như đau khổ, căng thẳng hay quá hưng phấn cũng có thể gây chết người. Vì thế, để giữ an toàn cho bản thân thì ai ai cũng nên giữ tâm trạng mình thoải mái nhất có thể, tránh việc quá khích để không gây ra hậu quả tai hại về sau.