Rùng rợn thuật cản thi của Trung Quốc, chuyên dùng để dắt các hồn ma về nhà

Người Tương Tây lý giải rằng cản thi có nghĩa là người sống sẽ "đuổi" thi thể đi đến nơi khác ("cản" nghĩa là đuổi, "thi" là thi thể).

Theo truyền thuyết dân gian lưu truyền ở vùng Tương Tây, thuật cản thi là một trong ba tà thuật cổ xưa, có liên quan đến việc dẫn dắt các vong hồn người chết. Vậy thực hư của câu chuyện rùng rợn này ra sao?

Thuật cản thi là gì? Vì sao cần ‘cản thi’?

Ở Tương Tây (vùng đất phía tây tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc), người dân còn lưu truyền những lời đồn đại về ba loại tà thuật cổ vô cùng dị thường: cản thi, cổ trùng, lạc hoa động nữ. Đặc biệt trong ba loại tà thuật này, cản thi được biết đến nhiều nhất.

Rùng rợn thuật cản thi của Trung Quốc, chuyên dùng để dắt các hồn ma về nhà - Ảnh 1.

Từ thời cổ xưa, người ta cho rằng con người luôn phải "lá rụng về cội", dù cho còn sống hay đã chết. Vì thế, với những người chết xa xứ, cần phải được đưa về quê nhà chôn cất.

Tương Tây – nơi bắt nguồn của tục lệ "cản thi" – vốn có địa hình hiểm trở, khó đi lại. Mỗi khi có người cần được chuyển thi thể về đây, các phương tiện như xe đẩy hay xe ngựa đều bất khả thi. Chẳng những vậy, chi phí để vận chuyển xác chết không hề rẻ. Chính từ thực tế này, người ta đã cho ra đời một nghề rất đặc biệt: thầy cản thi.

Thầy cản thi và những đoàn rước cõi âm

Thầy cản thi sẽ làm nhiệm vụ dẫn đường cho xác chết. Người này sẽ vừa gõ chuông (hoặc chiêng) đồng nhỏ cầm trên tay, vừa dẫn dắt xác chết hướng về phía trước. Nếu đoàn dước có nhiều thi thể, họ sẽ buộc các thi thể này bằng sợi dây rơm, cách nhau đều đặn 2 mét. Một thầy cản thi khi làm việc có thể dắt theo 1-2 học trò để giúp việc, phòng khi trời tối đường trơn hoặc để có thêm can đảm.

Rùng rợn thuật cản thi của Trung Quốc, chuyên dùng để dắt các hồn ma về nhà - Ảnh 2.

Đoàn rước cản thi phải tuân theo những quy tắc tâm linh nhất định. Không bao giờ được đi vào ban ngày, phải đi tránh các thôn làng có người sinh sống, không được để chó mèo tiếp xúc với thi thể.

Trên những chặng đường dài, đoàn rước có thể nghỉ lại ở các quán trọ đặc biệt. Những nơi này thường chỉ dành riêng cho người chết. Ban ngày, đoàn rước nghỉ ở quán trọ, đợi đêm xuống sẽ lên đường tiếp tục hành trình.

Thuật cản thi không phải truyền thuyết

Luật lệ ngầm trong nghề cản thi là chỉ truyền cho nam không truyền cho nữ (trái ngược với thuật cổ trùng, chỉ truyền cho nữ không truyền cho nam). Đối với những người chết do sét đánh, nhảy sông, bệnh tật, các thầy cản thi thường sẽ từ chối nhận.

Rùng rợn thuật cản thi của Trung Quốc, chuyên dùng để dắt các hồn ma về nhà - Ảnh 3.

Năm 2006, một tác phẩm của Đài Loan đã miêu tả chi tiết kỹ thuật di chuyển thi thể của thần cản thi trong thực tế. Người ta sẽ luồn hai cây sào tre vào ống tay áo của thi thể, sau đó cột chặt sào tre. Ở hai đầu sào sẽ có người khỏe mạnh gánh trên vai. Vì sào tre được giấu khéo léo bên dưới lớp áo liệm nên người ngoài sẽ khó nhìn thấy được, vào ban đêm dễ nhận nhầm thành thi thể đứng thẳng, giơ 2 tay và nhảy về phía trước.

Hiện nay, một người có tên Thiết Vũ Đại Sư tự nhân là thầy cản thi cuối cùng ở Tương Tây cũng đã chia sẻ về nghề nghiệp tương tự như tác phẩm kia: Ông thường di chuyển thi thể bằng sào tre.