Slenderman có thể coi là "định nghĩa" của trí tưởng tượng bị thổi phồng bởi mạng xã hội. "Cha đẻ" của nhân vật này là Eric Knudsen với nickname Victor Surge. Năm 2009, Knudsen đã đăng tải hai tấm ảnh trắng đen, chụp lại hình ảnh một thực thể kỳ lạ đang theo dõi những đứa trẻ từ xa. Knudsen sử dụng hai tấm ảnh này để chiến thắng một cuộc thi Photoshop trên "Something Awful Forum".
Đối với Knudsen, Slender man là một nhân vật thể hiện cho trí tưởng tượng đầy hoang tưởng của con người, đặc biệt là nỗi sợ hãi trước những thứ xa lạ hay người lạ. Trước Slenderman đã tồn tại nhiều nhân vật và các bức ảnh tương tự, với những gương mặt quỷ dị được chụp ở góc ảnh. Các bức ảnh này đều trở thành ảnh đất màu mỡ để chúng ta tưởng tượng và đưa ra những giả thuyết kinh dị, dù chúng có là sản phẩm của Photoshop đi chăng nữa.
Slenderman đã trở thành cảm hứng cho nhiều câu chuyện, giả thuyết và những bức ảnh kinh dị. Tuy nhiên, một trong những "dự án" đã giúp một thực thể vô danh trở nên nổi tiếng tới vậy thuộc về Marble Hornets. Đây là một kênh Youtube đăng tải những video bí ẩn, kinh dị, nhưng theo phong cách của các bộ phim Found Footage như Blair Witch, Cloverfield hay series lonelygirl15. Bởi vậy, các đoạn băng và nhân vật đều có vẻ chân thực, giống như một chuỗi nhật ký bằng video và không có kịch bản.
Loạt video này xoay quanh nhà làm phim nghiệp dư Alex Crowley – người đã buộc phải ngừng sản xuất đồ án phim Marble Hornet của mình vì bị ám bởi một thực thể kỳ lạ. Thực thể này được gọi là The Operator. Mặc dù không phải là Slenderman, nhưng những hình ảnh và đoạn băng quay cho thấy thực thể này có nhiều đặc điểm giống Slenderman sau này, với độ chân thật khiến người xem rợn gáy.
Marble Hornets đã góp phần vào những câu chuyện và tin đồn bị thổi phồng trên Internet. Slenderman bắt xuất hiện nhiều hơn và nổi tiếng hơn nhờ các tựa game "đi dạo trong rừng" khiến người người ám ảnh. Kỷ nguyên của Slenderman bắt đầu, và nhân vật này đã xuất hiện ở khắp nơi, từ phim ảnh, truyện, game đến tranh vẽ.
Mặc dù chỉ là một sản phẩm của nỗi sợ hãi và trí tưởng tượng, nhưng nhiều người cả tin vẫn cho rằng nhân vật này có thật, đặc biệt là trẻ em. Điển hình là một vụ án xảy ra vào 5/2014 , Wisconsin, Mỹ. Một nữ sinh cấp hai đã bị đâm 19 lần bởi hai người bạn của mình nhưng may mắn thoát chết. Thủ phạm của vụ án khai với cảnh sát rằng, cả hai chỉ cố thể hiện lòng trung thành của mình với Slenderman. Cả hai cô bé đều bị chẩn đoán bệnh tâm thần, và một trong hai bị gửi đến trại thương điên với bản án 40 năm.
Khi trò đùa đã đi quá xa, Internet đã nghiêm túc hơn về Slenderman – một truyền thuyết hư cấu không hơn không kém. Các câu chuyện, hình ảnh, video, game và fanart của Slenderman xuất hiện tràn lan khắp nơi. Slenderman đã trở nên quen thuộc tới mức nó không còn đáng sợ nữa.
Có vẻ như, Internet đã "bước tiếp" mà không có những truyền thuyết đáng sợ về Slenderman. Các câu chuyện fanfic hài hước hay ảnh meme tràn lan đã chấm dứt một kỷ nguyên rùng rợn của Slenderman cũng như nhiều nhân vật kinh dị khác. Tuy nhiên, vào đúng thời điểm và đúng cách, sẽ lại có những truyền thuyết đô thị khác được tạo ra để thế chỗ Slenderman, trở thành trào lưu mới trên mạng xã hội.