"Độ ta không độ nàng" là từ khóa hot trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, bên cạnh những bản cover mùi mẫn và lời khen có cánh lan truyền với tốc độ chóng mặt, bài hát cũng đang nhận được vô số gạch đá từ một bộ phận đông đảo cư dân mạng. Dưới đây là những lý do cực kỳ thuyết phục mà họ đưa ra để phản đối bài hát:
1. Đụng chạm tôn giáo
Phải thừa nhận rằng ngay từ tựa đề, bài hát rõ là đụng chạm không hề nhẹ đến tôn giáo rồi. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi cư dân mạng phản đối nó. Tôn giáo luôn là chủ đề rất thiêng liêng đối với người Việt, thật khó chấp nhận khi bài hát lại khai thác khía cạnh này mà không có sự thận trọng, đầu tư nghiêm túc.
2. Ca từ chẳng những nhạt mà còn sai kiến thức
Đừng bao giờ coi thường cư dân mạng, dù chỉ là trong việc viết lời bài hát online! Nhiều netizen đã chia sẻ ý kiến "bóc phốt" tác giả lời Việt không có kiến thức tôn giáo, từ việc sử dụng những biểu tượng như cây bồ đề, tam cương ngũ thường,... để đưa vào bài hát. Có lẽ ngoài chuyện nghĩ ca từ sao cho thật ngôn tình, vần vèo thì tác giả cũng cần hiểu chính xác ý nghĩa của chúng trước khi đưa vào bài hát.
3. Fan ủng hộ quá khích
Cái gì quá cũng không tốt, trong trường hợp của "Độ ta không độ nàng" cũng vậy. Do quá phổ biến nên đi đâu người ta cũng phải nghe, dù thích hay không. Khi miễn cưỡng phải nghe qua nhiều lần, tất yếu người ta sẽ quay sang ghét nó. Đó là còn chưa kể đến việc fan hâm mộ của bài hát liên tục chia sẻ, tô vẽ thêm những triết lý tình yêu, thế thái nhân tình khá lâm li, sầu não cũng gây ra không ít ác cảm.
"Độ ta không độ nàng" có đáng bị ném đá?
Bản gốc tiếng Trung của bài hát đã xuất hiện từ vài năm trước nhưng không gây được tiếng vang tại Việt Nam, vì vậy có thể hiểu rằng vấn đề không nằm ở nguyên tác. Bởi dù không hay thì bài hát gốc cũng không bị tẩy chay mạnh mẽ như phiên bản Việt.
Hầu hết ý kiến phản đối bài hát đều đề cập đến phần ca từ tiếng Việt và ảnh hưởng tiêu cực mà nó đem lại. Tiêu biểu có thể kể đến những cách hiểu sai lệch về tôn giáo hoặc "hết hồn" hơn là việc gán ghép một số nhân vật lịch sử như công chúa Ngọc Anh và hòa thượng Liễu Đạt vào câu chuyện tình hư cấu để "theo trào lưu không độ."