Roland Emmerich với Independence Day: Resurgence (2016): Phần hậu truyện của Independence Day (1996) bị cả báo chí lẫn khán giả chê trách, và đón nhận kết quả tồi tại phòng vé. Will Smith bỏ rơi dự án để tham gia Suicide Squad (2016), và khiến Emmerich phải vội vàng viết lại kịch bản cho kịp tiến độ. Nhà làm phim mới trả lời trang Yahoo! Movies rằng ông “đáng lẽ phải từ chối” và cho hủy dự án, thay vì tạo ra một tác phẩm dạng đối phó rồi khiến người hâm mộ thất vọng.
Josh Trank với Fantastic Four (2015): Fox tin tưởng giao phó dự án tái khởi động Bộ tứ siêu đẳng cho Josh Trank sau khi anh được ca ngợi hết lời qua bộ phim giả tưởng mang phong cách giả tài liệu Chronicle (2012). Song, thành phẩm cuối cùng là một mớ hỗn độn. Sau khi phim ra mắt và bị số đông chỉ trích, Trank lên tiếng bản phim chiếu rạp đã bị Fox can thiệp quá sâu, đến nỗi đó không còn là tác phẩm của anh nữa. Chính nhà làm phim cũng tỏ ra coi thường dự án và Fantastic Four bản 2015 giờ thuộc nhóm phim siêu anh hùng tệ nhất lịch sử.
David O. Russell với Accidental Love (2015): Kể từ lúc khai máy hồi 2008, Accidental Love phải mất 7 năm mới có thể ra rạp. Đã có quá nhiều tranh cãi, bất đồng nảy sinh trong quá trình ghi hình, tới nỗi David O. Russell yêu cầu Hiệp hội Đạo diễn Mỹ rút tên ông khỏi dự án và thay bằng bí danh Alan Smithee. Năm 2010, nhà làm phim tuyên bố “không còn liên quan đến tác phẩm” và đó không còn là phim của ông nữa. Các diễn viên thì không dễ dàng như thế. Bởi ràng buộc hợp đồng, họ phải ghi hình nốt những cảnh dở dang trong sự chán nản. Và thật khó để một xuất phẩm trải qua nhiều rắc rối như Accidental Love có thể đạt chất lượng cao
Michael Bay với Transformers: Revenge of the Fallen (2009): Loạt phim Transformers từng thu về hàng tỷ USD, nhưng kèm theo đó là vô số lời chê bai từ báo chí. Chính Michael Bay - đạo diễn 4 phần đầu - cũng cảm thấy thất vọng với tập Revenge of the Fallen. “Khi nhìn lại, tôi thấy nó đúng là phế phẩm”, ông trả lời tạp chí Empire hồi 2011. Cuộc đình công của giới biên kịch khiến dự án bắt đầu ghi hình chỉ với 14 trang phác thảo nội dung. Và hậu quả chính là một tác phẩm ồn ào, nhạt nhẽo, lộn xộn.
Kiefer Sutherland với Woman Wanted (1999): Bí danh Alan Smithee lại được sử dụng ở dự án lãng mạn do Kiefer Sutherland làm đạo diễn. Sau khi phim ra mắt, cả anh lẫn các ngôi sao như Holly Hunter, Michael Moriarty đều chối bỏ nó. Tác phẩm cứ thế dần trôi vào quên lãng, và Kiefer Sutherland từ đó đến nay cũng chưa có thêm lần nào ngồi trên ghế đạo diễn.
Joel Schumacher với Batman & Robin (1997): Ngay cả Joel Schumacher cũng nhìn ra vấn đề của tác phẩm thường bị coi là “vết đen” của dòng phim siêu anh hùng. “Tôi muốn gửi lời xin lỗi tới những ai cảm thấy thất vọng. Tôi nợ họ điều đó”, ông phát biểu trên trang Vice hồi 2017. Chính vì Batman & Robin, các bộ phim về Người Dơi bị xếp xó suốt gần 10 năm sau đó. Hồi 2010, tạp chí Empire thậm chí còn bầu đây là bộ phim dở nhất mọi thời đại.
Steven Soderbergh với The Underneath (1995): Steven Soderbergh là nhà làm phim để lại nhiều dấu ấn cho khán giả trong khoảng hơn 20 năm qua. Song, The Underneath - bản làm lại của bộ phim cùng tên năm 1949 - không nằm trong số đó. Ông có lần tâm sự rằng mình đã không đặt tâm huyết vào bộ phim: “Phim gây buồn ngủ tới nỗi tôi đã suy tính đến dự án tiếp theo ngay từ lúc còn trên phim trường The Underneath. Có lẽ nó đã chết từ lúc chưa thành hình”.
David Fincher với Alien³ (1992): Đến giờ, David Fincher là nhà làm phim vĩ đại của Hollywood sau những tác phẩm như Se7en, Fight Club, The Social Network hay Gone Girl. Nhưng phim điện ảnh đầu tay của ông - phần 3 loạt Alien - lại không được chính ông thừa nhận. Trong một lần trả lời tạp chí The Guardian, Fincher nói: “Không có ai ghét Alien3 hơn tôi đâu. Tôi ước gì dự án đã không xảy ra”. Ông đã bỏ ra hai năm để thực hiện bộ phim, và nảy sinh tranh cãi với nhà sản xuất đến nỗi bị gọi là “một gã khốn hiếu chiếu”.
David Lynch với Dune (1984): Nguyên tác văn học của Frank Herbert rất khó để chuyển thể. Alejandro Jodorowsky đã tốn nhiều năm trời công cốc, còn Denis Villeneuve thì đang ấp ủ một phiên bản điện ảnh vào năm 2020. Song, David Lynch mới là người đầu tiên đưa Dune lên màn ảnh rộng hồi 1984. Phim gây ra nhiều tranh cãi sau khi ra mắt, còn bản thân Lynch thì phát biểu vào năm 1992 rằng: “Có lẽ tôi không nên thực hiện bộ phim”. Trong một số bản phim sau này, David Lynch yêu cầu xóa tên ông khỏi vị trí đạo diễn, và thay bằng bí danh Alan Smithee.
Stanley Kubrick với Fear and Desire (1953): Tác phẩm đầu tay của đạo diễn Stanley Kubrick sau này vẫn được báo chí ngợi khen, nhưng bản thân nhà làm phim lại gọi đây là “một bài tập làm phim nghiệp dư, vụng về” trong một tuyên bố gửi cho báo chí hồi 1994. Có tin đồn cho rằng Kubrick đã phá hủy bản phim nhựa gốc, nên phiên bản đầy đủ của Fear and Desire đến nay gần như không tồn tại. Cho tới trước khi ông qua đời vào năm 1999, bộ phim bị hạn chế đưa ra rạp và phát hành qua định dạng băng đĩa.