5 kiệt tác điện ảnh ai cũng phải xem từng bị cấm chiếu

Với nhiều lý do khác nhau, những bộ phim giàu giá trị nghệ thuật này từng bị cấm chiếu ở một số nước.

1. Ben-Hur (1959)

Được chuyển thể từ tiểu thuyết Ben-Hur: A Tale of the ChristBen-Hur (1959) là một bộ phim sử thi của đạo diễn William Wyler, do Mỹ sản xuất. Dù đã thành công rực rỡ khi đoạt 11 giải thưởng Oscar ngay sau khi ra mắt, bộ phim từng bị cấm chiếu tại các rạp phim Trung Quốc.

Lấy cảm hứng từ Kinh thánh, Ben-Hur là câu chuyện thần thoại và huyền bí về cuộc sống của hai người bạn thân Ben Hur và Messala. Vốn là một nhà buôn giàu có nhưng Ben Hur bị chính người bạn thuở ấu thơ Messala hãm hại và bị đẩy làm nô lệ cho đế chế La Mã. Gia đình Ben Hur tan nát, mẹ và em gái của chàng cũng bị bắt đi đày. Ba năm sau, khi Ben Hur được trả lại tự do, người thân của anh đã bị cách ly và chuyển tới thung lũng của những người phong hủi. Vốn định tìm đến Chúa Giê-su để tìm sự giúp đỡ nhưng cả ba người họ lại phải chứng kiến cảnh tượng Chúa bị đóng đinh vào cây thánh giá đầy bi thương.

2. Last Tango in Paris (1972)

Sản xuất năm 1972, Last Tango in Paris là một bộ phim tâm lý chân thực về khát vọng nhục dục gây nhiều tranh cãi của đạo diễn Bernardo Bertolucci. Từng bị coi là phim khiêu dâm và cấm chiếu ở nhiều quốc gia nhưng Last Tango in Paris cũng nhận được rất nhiều giải thưởng và đề cử tại Oscar hay Quả cầu vàng. 

Câu chuyện xoay quanh mối quan hệ tình cảm kỳ dị giữa Paul (Marlon Brando), một gã trung niên góa vợ và cô gái trẻ xinh đẹp Jeanne (Maria Scheider) tại thành phố Paris duyên dáng. Số phận đã đưa đẩy để hai người tình cờ gặp nhau trong một căn hộ cho thuê ảm đạm và quấn quýt với nhau từ đó.

Như tìm được mục tiêu để giải tỏa cơn tức giận trước cái chết bất ngờ của người vợ, Paul điên cuồng lao vào Jeanne để thỏa mãn cơn khát dục vọng của mình. Còn Jeanne, như một thứ cảm giác mà người bạn trai mộng mơ chẳng thể đem lại, cô không trốn chạy cũng chẳng chống cự. Một cách tự nhiên và đầy bản năng, Jeanne cho rằng cô đã đem lòng yêu Paul. Còn với Paul, Jeanne chính là hình ảnh thế thân của người vợ đáng thương đã khuất của ông.

3. Brokeback Mountain (2005)

Dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên, Brokeback Mountain là chuyện tình lãng mạn và buồn bã về tình yêu của hai chàng cao bồi miền Tây nước Mỹ do đạo diễn Lý An thực hiện. Dù nhận được ba giải Oscar, bộ phim đã cấm phát hành tại Trung Quốc và các tiểu vương quốc Ả Rập ngay từ khi bắt đầu công chiếu.

Xoáy sâu vào tình cảm đồng giới đã khiến Brokeback Mountain bị coi là mối đe dọa đối với những giá trị truyền thống và đạo đức của rất nhiều quốc gia. Tuy nhiên giá trị cốt lõi của câu chuyện thực sự đã vượt xa khỏi những tiêu chuẩn về giới tính và định kiến xã hội.

Xuyên suốt bộ phim là tình cảm sâu sắc xuất phát từ sự đồng cảm nơi trái tim hai người đàn ông Ennis và Jack. Nếu như Jack chủ động thừa nhận tình yêu của mình thì Ennis lại sợ hãi và che giấu chúng. Dù cả hai đều ép bản thân sống cuộc đời bình thường như những người khác nhưng giữa họ vẫn luôn tồn tại một sợi dây liên kết đặc biệt.

4. Offside (2006)

Chịu chung số phận với những bộ phim khác của đạo diễn Panahi, dù được hoan nghênh ở rất nhiều quốc gia, Offside (2006) vẫn bị cấm chiếu tại quê hương Iran - nơi bắt đầu nguồn cảm hứng của tác giả.

Câu chuyện xoay quanh một nhóm các cô gái trẻ Iran, để xem được trận bóng đá, họ phải cải trang thành nam giới do đạo luật cấm phụ nữ vào sân vận động của đất nước này. Dù đã cố gắng vượt qua rất nhiều vòng an ninh, cuối cùng, họ cũng bị cảnh sát phát hiện và bắt giữ. Cũng từ đây mà rất nhiều tình huống hài hước mang lại tiếng cười cho khán giả đã diễn ra. Nhưng ẩn sâu trong đó, người xem vẫn không thể quên đi thực tế về cuộc sống khắt khe của những cô gái Iran.

5. Persepolis (2007)

Dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên, Persepolis (2007) là câu chuyện về cuộc sống của một bé gái 8 tuổi Marjane trong giai đoạn Iran xảy ra chiến tranh và bất ổn. Dù nhận được đề cử giải Oscar 2008, một năm sau khi công chiếu, bộ phim phải đối mặt với sự phản đối dữ dội từ giới nghệ sĩ và trí thức địa phương. 

Bộ phim hoạt hình là bức tranh chân thực về cuộc sống khổ cực và khắt khe của người dân Iran. Với tình yêu đất nước, Marjane đã mơ về tương lai và mong trở thành một nhà tiên tri để giải cứu thế giới, mang lại cuộc sống tự do và hạnh phúc cho mọi người.

(Theo Hảo Nguyễn - IOne)