Việc Christopher Nolan mua hẳn một chiếc máy bay để thực hiện cảnh quay trong Tenet cho thấy áp lực của các đạo diễn trong việc khiến tác phẩm trở nên chân thật nhất có thể. Tuy nhiên, không phải chi tiết nào cũng có thể thực hiện “thủ công” như vậy. Kỹ xảo điện ảnh xuất hiện như một cứu cánh cho đoàn phim nhưng đôi khi cũng là tác nhân gây thảm họa.
1. Phiên bản Hulk “giả trân” của Lý An khiến fan “lạy trời” cho nhân vật về với Marvel thật nhanh
Trong thời gian khó khăn, Marvel đã bán bản quyền làm phim rất nhiều nhân vật, đơn cử như Hulk về với Universal. Hãng phim này không ngần ngại đầu tư ngay 137 triệu USD để mời Lý An thực hiện bom tấn Hulk của năm 2003. Tuy nhiên, bộ phim là một thảm họa mà fan Marvel nào cũng muốn xóa khỏi ký ức, đặc biệt là phần kỹ xảo tệ hại của gã khổng lồ xanh.
Ra mắt sau Jurassic Park tận 10 năm, tác phẩm của Universal lại có kỹ xảo như tận 20 năm trước vậy. Phần động tác của Hulk gượng gạo và thô cứng đến mức nhiều người tưởng siêu anh hùng này là Shrek “phiên bản lỗi”. Phim đã đạp đổ phần diễn xuất ấn tượng của Eric Bana và Jennifer Connelly để rồi tận năm năm sau thì nhân vật này mới tái xuất trong MCU (Vũ trụ Điện ảnh Marvel).
2. Pha trẻ hóa Jeff Bridges thảm họa khiến Tron: Legacy thành thảm họa
Trước Black Panther, Disney cũng không ít lần bị chê bai về mặt kỹ xảo mà ví dụ cụ thể chính là Tron: Legacy. Trong phim, ngôi sao gạo cội Jeff Bridges vào vai anh hùng Kevin Flynn và ác nhân Clu. Vì là một chương trình máy tính, Clu không hề già đi. Do đó, hãng phim buộc phải dùng kỹ xảo để trẻ hóa tài tử.
Gương mặt gây ám ảnh của Clu trong Tron: Legacy
Không biết có phải vì nghĩ đây là trò chơi điện tử hay không mà ê kíp tạo ra một Clu với gương mặt cứng đờ, biểu cảm còn tệ hơn Lưu Diệc Phi trong Mulan. Đã vậy, phần miệng của nhân vật đôi khi còn không khớp thoại. Đây là một trong những điểm trừ khiến Tron: Legacy suýt thì lỗ vốn. May là Disney đã rút kinh nghiệm để trẻ hóa nhân vật trong MCU tốt hơn hẳn.
Sau này, kỹ thuật "trẻ hoá" nhân vật đã được Disney áp dụng tương đối thành công, đơn cử là Nick Fury trong Captain Marvel
3. Kỹ xảo bộ giáp Hulkbuster tệ hại biến Bruce Banner thành meme trên mạng xã hội
Avengers: Infinity War có thể là một bộ phim hay nhưng không hoàn hảo bởi chính màn kỹ xảo tệ hại của Bruce Banner (Mark Ruffalo). Lẽ ra, người khổng lồ xanh mới là nhân vật bên trong bộ giáp Hulkbuster để đối đầu với đội quân của Thanos (Josh Brolin). Cuối phim, anh em Russo cũng dự định cho cả hai hợp nhất thành Professor Hulk.
Kỹ xảo không có chút “giả trân” nào của Hulkbuster
Tuy nhiên, ý tưởng này bị thay đổi vào phút chót khi phiên bản thông minh của Hulk được để dành qua Avengers: Endgame. Các nhà làm phim buộc phải dùng kỹ xảo lần nữa để thay thế đầu của Bruce Banner vào dẫn đến thảm họa trên. Chi tiết này đã bị fan chế ảnh trên mạng xã hội suốt một thời gian dài.
"Khi caps lock (chế độ viết hoa) đang bật và bạn lỡ tay nhấn phím Shift khi gõ ký tự đầu tiên"
4. Màn hóa lươn điện của Electro khiến The Amazing Spider-Man 3 bị hủy
Ai cũng biết lý do khiến The Amazing Spider-Man 3 bị hủy là do sức ép của fan sau khi thư điện tử của Amy Pascal lộ ra việc Sony từ chối hợp tác với Marvel. Tuy nhiên, bản thân The Amazing Spider-Man 2 trước đó cũng nhận phải hàng loạt chỉ trích về chất lượng khiến Sony phải cân nhắc việc có làm tiếp hay không.
Rhino đã tệ...
Phim không chỉ dở vì ráng nhồi nhét quá nhiều phản diện dẫn đến không ai được phát triển trọn vẹn mà còn tệ hại ở khâu kỹ xảo. Bộ giáp Rhino của Paul Giamatti đã kém nhưng so với tạo hình Electro (Jamie Foxx) thì còn tốt hơn nhiều. Tên ác nhân không chỉ mang vẻ ngoài xấu “đau đớn” như lươn điện mà cả hành động cũng lộ rõ nhưng phần can thiệp kỹ xảo hệt như chơi game vậy!
... Electro còn thảm hại hơn
5. Gương mặt Voldemort như tượng đất chẳng có điểm chung gì với nhân vật
Bản phim Harry Potter của Warner Bros. có thể làm sống dậy thế giới phù thủy trong mơ của nhiều trẻ em nhưng cũng phá hủy không ít trong số đó. Dĩ nhiên, phần lớn lỗi thuộc về yếu tố kỹ xảo hệt như những gì họ đã làm với bộ râu của Henry Cavill trong Justice League. Trong Harry Potter and the Philosopher's Stone, đạo diễn Chris Columbus đã mang đến một Voldemort không thể tệ hơn.
Hai phiên bản chẳng có điểm chung nào của Voldemort
Gương mặt của chúa tể hắc ám không khác gì một bức tượng đất tệ hại của người mới học nghề mà bao. Nó cũng chẳng có bất kì chi tiết nào tương đồng với nguyên tác của J.K. Rowling cả. Hậu quả là fan chẳng thể nhận ra Voldemort khi gã tái xuất trong Harry Potter and the Goblet of Fire do Ralp Fiennes thủ vai.
Voldemort thế này vẫn còn đẹp trai chán nhỉ?
Nguồn ảnh: Tổng hợp