Khe nứt San Andreas (San Andreas) - 2015: Phim tái hiện trận động đất dữ dội nhất từng được ghi nhận trong lịch sử của nhân loại, một loạt rung chấn xảy ra trước đó ở Nevada đã lan rộng đến tận khu vực gần biên giới, gây đứt gãy San Andreas khiến Los Angeles rung chuyển, California cũng phải đối mặt với một trận động đất dữ dội có cường độ lên đến 9,1 độ richter. San Andreas xoáy sâu vào tình cảm gia đình xúc động giữa cơn địa chấn.
Thảm họa sóng thần (The Impossible) - 2012: Phim kể về cuộc đấu tranh sinh tồn của một gia đình người Tây Ban Nha trong đợt sóng thần kinh hoàng quét qua khắp Ấn Độ Dương hồi tháng 11/2004. Đây là hậu quả của trận động đất có cường độ 9,1 độ richter diễn ra trước đó ngoài khơi hòn đảo Sumatra, Indonesia. Số người chết ước tính lên tới hơn 230.000 người. Đây là một trong những vụ thiên tai cướp đi nhiều sinh mạng nhất trong lịch sử nhân loại. Phim còn là câu chuyện đầy cảm xúc về tình cảm vợ chồng, con cái trong nỗi đau chia cắt. Hành trình đi tìm lại người thân, tưởng chừng như vô vọng của gia đình này đã khiến khán giả cảm động.
Đường Sơn đại địa chấn (After shock) - 2010: Bộ phim của đạo diễn Phùng Tiểu Cương đã khiến cho cả Trung Quốc sửng sốt. Tuy chỉ tập trung xoáy sâu vào bi kịch của một gia đình nhưng bộ phim đã tái hiện lại đầy đủ trận động đất đã vùi nát cả Tứ Xuyên vào năm 1976. Những hình ảnh thảm khốc và bi thương sau khi trận động đất kinh hoàng qua đi cùng những nỗi đau mất mát đã lấy đi nước mắt của hàng triệu khán giả. Sự lựa chọn của bà mẹ Lý Nguyên Ni khi phải quyết định cứu sống một trong hai đứa con của mình là Phương Đạt và Phương Đăng đã cho thấy sự tàn khốc của thảm họa. Những người còn sống thì phải chịu sự dày vò, đau đớn với những ký ức nhức nhối về trận động đất kinh hoàng. Phim để lại cho người xem nỗi ám ảnh, bàng hoàng về những gì thiên tai đã gây ra, nhưng cũng mang tới những ấm áp của tình người, sự thiêng liêng, cao quý của tình cảm gia đình.
Sóng thần ở Haeundae (Haeundae) - 2009: Bộ phim Hàn Quốc xoay quanh sự kiện sóng thần ập vào bãi biển Haeundae - một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng của Hàn Quốc ở thành phố Pusan. Cuộc sống bình yên của hàng vạn con người bình dị vẫn đang diễn ra với những mảnh đời, những số phận riêng. Nhưng rồi cơn sóng thần bất ngờ ập đến khiến sinh mạng của hơn 300.000 người đã bị cuốn đi vĩnh viễn. Tất cả chỉ có 10 phút để đấu tranh giành giật sự sống. Khi nhường chỗ trú chân cuối cùng cho Yeon-hee, khi bị cơn sóng hung dữ cuốn đi, Man-sik đã nói với cô “Anh yêu em”. Khi cùng nhau đứng trên tòa nhà bị sóng cuốn phăng, đôi vợ chồng ly hôn Hwi đã ôm nhau khóc. Khi ấy, khi ranh giới giữa sự sống và cái chết quá mỏng manh, người ta đã chọn cách chia sẻ với nhau tình yêu chân thành và sự hy sinh.
Năm đại họa (2012) - 2009: Bộ phim dựa vào lời tiên tri về ngày tận thế xảy ra cuối năm 2012 của người Maya để vẽ ra viễn cảnh trái đất gặp cơn đại hồng thủy nhấn chìm mọi thứ trong biển nước. Vào năm 2012, liên tiếp những thảm họa đã xảy ra. Động đất, sóng thần hung dữ phá tan trái đất. Con tàu được giấu kín tại Trung Quốc, và chỉ những quan chức lãnh đạo cấp cao của những nước lớn, những tài phiệt giàu có, mới có vé để trú thân. Xen lẫn trong quang cảnh trái đất sắp đổ nát, 2012 còn khai thác yếu tố con người khi bản năng sinh tồn được đẩy lên cao trào, những đức tính xấu xa, ích kỷ, hèn nhát và cả tình yêu, sự cao thượng đều được bộc lộ. Yếu tố về con người mặc dù không nhiều nhưng cũng đủ để 2012 mang tới nhiều cảm xúc chân thật cho người xem.
Siêu bão kinh hoàng (The Perfect Storm) - 2000: Bộ phim dựa trên một câu chuyện có thật về cơn bão Grace đổ vào bờ Đông nước Mỹ năm 1991. Khi đó, con tàu đánh cá Andrea Grail với các thủy thủ can trường đã phải vật lộn để sinh tồn giữa biển khơi. Phim ca ngợi lòng quả cảm, ý chí vượt qua khó khăn của con người trước thiên nhiên, bão tố. Hiệu ứng âm thanh và hình ảnh trong phim đã mang lại hai giải đề cử Oscar.
Earthquake (1974): Bộ phim kể về trận động đất lớn ở Los Angeles là một trong những phim có doanh thu phòng vé lớn nhất năm. Trong các bộ phim về thảm họa của thập niên 70, đây rõ ràng là bộ phim bi quan nhất. Nếu hiệu ứng hình ảnh là chưa đủ, Earthquake còn lần đầu tiên ứng dụng công nghệ Sensurround trong điện ảnh, cho phép những sóng âm thanh tần số thấp len lỏi qua mọi ngóc ngách của phòng chiếu. Điều này đã tạo nên nhiều ấn tượng mạnh mẽ và cảm xúc người xem được đẩy lên cao độ khi chứng kiến những mất mát của con người sau động đất.