Với những khán giả của phim cổ trang Trung Quốc, hình ảnh cây phất trần không phải là điều gì quá xa lạ. Đồ vật này thường gắn liền với tầng lớp thái giám trong phim. Dù rất quen thuộc nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về nguồn gốc, công dụng của nó.
Đôi điều về thái giám trong cung
Thái giám hay còn gọi là hoạn quan, công công, tự nhân là những người được tuyển riêng để phục vụ cung đình, hầu hạ vua chúa và phi tần trong xã hội Trung Quốc thời phong kiến.
Theo lịch sử Trung Hoa, thái giám đã xuất hiện từ thời Tây Chu (hơn 1000 năm TCN) và ở giai đoạn này, họ không bị bắt buộc phải "tịnh thân" - tức cắt bỏ bộ phận sinh dục nam, đến đời nhà Tân - năm 221 TCN - nam giới phải tịnh thân mới được hầu hạ trong cung đình.
Lý do thái giám phải tịnh thân, được cho là bởi nếu để nam giới tự do đi lại trong cung đình sẽ rất dễ xảy ra quan hệ bất chính với các cung tần, mỹ nữ. Thế nên, việc biến đàn ông thành thái giám nhằm mục đích ngăn chặn sự việc đáng tiếc xảy ra.
Trần Khôn vào vai vị thái giám độc ác nhưng cực quyến rũ.
Trong phim cổ trang Trung Quốc, nhân vật thái giám không ít lần được biên kịch, nhà sản xuất khai thác đời sống, suy nghĩ và hành động của họ. Theo đó, thái giám là một trong những nhân vật ác độc, thâm hiểm và bị ghét nhiều nhất. Tuy nhiên, họ cũng chính là những cận vệ cao thủ võ lâm của các vị vua, ỷ thế cậy quyền điều khiển thiên hạ. Chân Tử Đan, Trần Khôn, Lưu Tuân… là những diễn viên với khả năng diễn xuất xuất thần.
Bên cạnh đó, họ thường có tạo hình là những người ái nam ái nữ, mặc trang phục chỉnh tề và tay luôn cầm cây phất trần. Điều này khiến nhiều khán giả không khỏi băn khoăn về công dụng của cây phất trần trên tay của thái giám.
Bí mật về cây phất trần
Phất trần thường được làm bằng gỗ, dài khoảng 50cm, một đầu gắn thêm lông thú hoặc sợi đay. Thời xưa, người dân thường dùng phất trần để đuổi côn trùng hoặc lau dọn. Cây phất trần của các thái giám dù cầu kỳ hơn nhưng công dụng thì không có sự khác biệt.
Phất trần còn được coi là "vũ khí" để các thái giám hầu hạ chủ nhân.
Kể từ khi Phật giáo du nhập sang Trung Quốc, phất trần đã trở thành "pháp khí" được các mệnh quan cùng thái giám trong cung sử dụng với mục đích phủi sạch bụi bẩn, vệ sinh đồ đạc, đảm bảo không khí trong lành khi chủ nhân ghé qua.
Ngoài công dụng chủ yếu để phủi bụi bặm, phất trần còn được các thái giám xem như một loại vũ khí. Tuy nhiên, phất trần không lợi hại như dao, kiếm..., không thể lấy mạng người trong chớp mắt mà chỉ để trừ tà. Theo đó, trong quan niệm của Đạo giáo cho rằng phất trần là "pháp khí" của các nhân vật thần thoại. Trong đó tiêu biểu nhất là Thái Thượng Lão Quân luôn mang theo phất trần bên mình. Thế nên phất trần thường mang lại cảm giác siêu phàm, thoát tục.
Thái giám cầm cây phất trần có ảnh hưởng từ tạo hình trong Kinh kịch và tuồng Quảng Trung Quốc.
Trong thời cổ đại, vương thất hoàng gia cũng tin rằng cây phất trần là một vật mang lại may mắn, hưng thịnh cho các triều đại. Do vậy, thái giám - người thân cận luôn ở bên cạnh vua luôn phải cầm cây phất trần. Đây là lý do khiến cây phất trần trở thành "vũ khí" gắn liền với hình tượng thái giám Trung Hoa thời xưa.
Theo một giả thuyết khác thì cây phất trần từng xuất hiện trong kinh kịch hay tuồng Quảng. Phục trang và khuôn mặt của các nhân vật trong 2 loại hình này khá giống nhau, nên nhân vật thái giám thường cầm thêm cây phất trần để khán giả dễ phân biệt.
Từ góc độ khác nhau, nhiều ý kiến cho rằng hoạn quan luôn cầm phất trần bên mình để tự nhắc nhở về địa vị bản thân phải giữ lòng trung thành, không nên vọng tưởng hão huyền về vàng bạc châu báu hay quyền lực.