Đảm nhận vai diễn chỉ gói trọn ở 5 tập đầu phim và rải rác ở những tập tiếp theo thông qua hồi tưởng trong Thương ngày nắng về (TNNV) nhưng "bà Nga" ngày trẻ (do diễn viên Lương Ngọc Dung thủ vai) luôn được khán giả nhắc đến với sự yêu thương.
Trong TNNV, chị gây ấn tượng bởi lối diễn tự nhiên, chân thật. Đây là vai diễn đánh dấu tròn 3 năm chị quay lại nghề sau hơn chục năm thử sức với đủ ngành nghề, từ giáo viên dạy Mỹ thuật, làm sale IT, lễ tân, MC, ca sĩ phòng trà, phát thanh viên, biên tập viên...
Diễn viên Lương Ngọc Dung
Ngoài tài năng diễn xuất, nữ diễn viên sinh năm 1988 cũng nhận về nhiều sự ngưỡng mộ bởi tổ ấm hạnh phúc cùng chồng và cô con gái nhỏ. Chị Lương Ngọc Dung cũng có nhiều quan điểm nuôi dạy con hiện đại và đáng học hỏi.
Mê diễn nhưng vẫn nuôi dưỡng tình yêu nghề giáo
- Dù chỉ xuất hiện trong một số tập đầu của Thương ngày nắng về nhưng vai diễn của chị để lại ấn tượng sâu sắc và nhận rất nhiều lời khen từ khán giả. Cảm nghĩ của chị ra sao sau khi kết thúc cảnh quay của mình?
Bản thân tôi là người rất cầu toàn nên khi những tập đầu của TNNV lên sóng, tôi thấy không hài lòng khi xem lại diễn xuất của mình. Thậm chí, tôi còn cảm thấy ái ngại và xấu hổ, sợ rằng khán giả sẽ không đón nhận vai diễn của mình, sợ mình làm ảnh hưởng đến thành quả chung của ekip. Vậy nên, khi nhận được những phản hồi tích cực từ khán giả, tôi đã cảm thấy rất bất ngờ.
Bên cạnh đó, tình cảm của khán giả dành cho tôi khiến tôi vô cùng hạnh phúc và cảm thấy mình thật may mắn khi được giao thể hiện nhân vật bà Nga hồi trẻ. Đây là động lực để tôi tiếp tục cố gắng trong sự nghiệp diễn xuất của mình.
- Được biết chị từng thi trượt đại học ngành Sư phạm nhưng sau đó lại bất ngờ chuyển hướng theo học để trở thành diễn viên. Sự thay đổi này bắt đầu từ cơ duyên đặc biệt nào hay chị bỗng nhận ra nghề diễn mới thực sự là đam mê?
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, tôi thi vào trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội - khoa Sư phạm Nhạc - Họa, chuyên ngành Sư phạm Mỹ thuật, hồi đó trường vẫn còn là cao đẳng chưa lên đại học như bây giờ. Do còn non nớt và dành quá ít thời gian để ôn chuyên ngành nên tôi đã không thi đỗ vào trường.
Nhìn bạn bè cùng trang lứa đi học cao đẳng, đại học cả nên tôi thấy buồn và tủi thân vô cùng. Trong lúc đang loay hoay tìm phương hướng thì tôi thấy ti vi phát tin tuyển sinh khóa đào tạo diễn viên của Đài Truyền hình Việt Nam. Tôi tặc lưỡi quyết định nộp hồ sơ thi thử cho vui vì nghĩ nếu có đỗ thì chỉ là để học chống cháy trong thời gian chờ thi lại mà thôi. Nghĩ như vậy bởi lẽ tôi vốn chưa bao giờ đam mê diễn xuất, tôi chưa từng ước mơ là diễn viên mà trước giờ chỉ đam mê nhạc, họa. Tôi luôn mong mình sẽ trở thành ca sĩ, họa sĩ.
Vậy nhưng, sau 3 vòng thi và trúng tuyển, tôi được những nghệ sĩ lão làng trong nghề như cố NSND Hoàng Dũng, NSND Lan Hương, Đạo diễn Quốc Trọng dìu dắt. Khi ấy, tôi đã được những người thầy tài năng, tận tâm truyền cho mình tình yêu nghề, truyền ngọn lửa nhiệt huyết cho tôi và tôi đã bắt đầu đắm đuối nghề diễn từ ngày đó.
Sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo diễn viên, tôi tham gia một số phim như Chuyện cổ tích của đạo diễn Trịnh Lê Phong với vai thứ chính - Chi "Khẩm bà là khịt"; Những người bạn của đạo diễn Quốc Trọng. Bên cạnh đó tôi quyết tâm ôn thi lại và tập trung vào chuyên ngành mỹ thuật nhiều hơn. Cuối cùng, nhờ nỗ lực và cố gắng, tôi đã đỗ vào trường Nghệ thuật Quân đội hệ Đại học thay vì hệ Cao đẳng như năm trước.
- Vậy là sau những trải nghiệm mới mẻ của nghề diễn, chị vẫn quyết định sẽ tiếp tục theo đuổi con đường học Mỹ thuật?
Tôi đã rất vui vì mình thi đỗ nên quyết định tập trung vào việc học và không tham gia phim ảnh như trước. Thế nhưng, tôi những tưởng mình sẽ toàn tâm toàn ý với Mỹ thuật vì đó vốn là ước mơ, đam mê của mình từ nhỏ. Vậy nhưng, khoảng thời gian ngắn được tiếp xúc với môn nghệ thuật thứ 7 đã làm thay đổi cuộc đời tôi, tôi đã không còn ước mơ hoài bão với âm nhạc, hội họa nhiều như trước nữa...
Thay vào đó, tôi chỉ luôn khát khao được diễn, được hóa thân vào những vai diễn đa dạng, khác biệt mà thôi. Bẵng đi 2 năm cố gắng tập trung học tập nhưng tới năm 3 đại học tôi đã tranh thủ dịp nghỉ hè để tham gia phim Bước nhảy xì tin, Ngày rực rỡ, Vòng phấn, Bí ẩn của tình yêu cho đỡ nhớ nghề. Sau đó, tôi quay lại trường học, gác lại phim ảnh để tập trung hoàn toàn cho năm cuối của đời sinh viên Mỹ thuật.
- Chị từng làm giáo viên Mỹ thuật tại một trường THCS sau đó lại rẽ sang nhiều ngành nghề. Chị cảm thấy mình không còn phù hợp với nghề giáo hay vì lý do nào khác?
Tôi vốn rất đắm đuối với nghề diễn nhưng do việc diễn xuất cứ liên tục bị ngắt quãng bởi những lý do như đỗ đại học, lấy chồng, mang thai, rồi sinh con... khiến mỗi lần trở lại nghề của tôi thành ra rất khó khăn. Thời điểm đó, cơ hội để có những dự án dài hơi hay job ngắn hạn không nhiều như bây giờ. Để nói rằng có thể sống được bằng nghề diễn là điều không tưởng. Vì thế, tôi buộc phải bươn chải, làm đủ các nghề nghiệp, lĩnh vực khác nhau để trang trải cuộc sống. Tôi làm giáo viên dạy mỹ thuật, làm sale IT, làm lễ tân, MC, ca sĩ phòng trà, phát thanh viên, biên tập viên...
Vậy nhưng, lúc nào tâm trí tôi cũng chỉ hướng tới nghề diễn nên chẳng thể tập trung được gì cho công việc hiện tại, thành ra không đạt được hiệu quả công việc như mong muốn.
- Và từ bao giờ chị quyết định một lần nữa quay trở lại với nghề diễn?
Sau nhiều lần trăn trở, vào tháng 5 năm 2019, tôi quyết tâm trở lại nghề diễn, chấp nhận làm lại từ đầu với con số 0 tròn trĩnh. Tôi bắt đầu trở lại nghề từ việc tham gia làm quần chúng không thoại, quần chúng có thoại, rồi dần dà được vai phụ diễn 1, 2 phân đoạn... Tới nay là tròn 3 năm tôi quay lại nghề, và vai diễn bà Nga hồi trẻ trong TNNV là một bước tiến lớn đối với sự trở lại của tôi. Tôi luôn quan niệm, mình yêu nghề - nghề sẽ không phụ mình. Vì vậy, tôi luôn cho rằng, sự yêu mến mà khán giả dành cho tôi và vai bà Nga hồi trẻ chính là phần thưởng cho sự kiên trì, bền bỉ, không bỏ cuộc của tôi.
Hiện tại, ngoài việc đi diễn, tôi vẫn nuôi dưỡng tình yêu nghề bằng cách nhận giảng dạy diễn xuất cho các cô cậu học trò nhỏ của mình ở các trung tâm nghệ thuật. Thay vì dạy mỹ thuật ở trường THCS, tôi vẫn được tiếp tục theo nghề giáo bằng cách này hay cách khác.
"Tôi luôn phải phân thân ra vừa làm bố, vừa làm mẹ"
- Nghề diễn vốn được cho là hào nhoáng nhưng cũng đầy khó khăn. Chồng chị có ủng hộ con đường nghệ thuật của vợ mình? Con chị phản ứng ra sao khi thấy mẹ xuất hiện trên ti vi?
Đúng là nghề diễn vốn được cho là hào nhoáng nhưng cũng đầy khó khăn. Bằng chứng là khi tôi thi tuyển vào lớp Diễn viên Truyền hình Khóa II thì có hơn 4.000 người tham dự, sau 3 vòng thi loại đi 3.900 thí sinh thì chỉ còn hơn 100 người đỗ. Thế rồi, hơn 100 người ấy tham gia khóa học và cũng dần rơi rụng ngay trong thời gian học, để rồi khi tốt nghiệp cũng chỉ còn khoảng hơn 40 người ra nghề. Và tới nay, hơn 40 người tốt nghiệp ngày ấy giờ chỉ còn lại chưa tới 10 người còn hoạt động diễn xuất. Có thể điểm mặt chỉ tên một vài gương mặt tiêu biểu như diễn viên Bảo Anh, Hương Giang, Việt Bắc, Mạnh Hưng, Danh Tùng, Huyền Sâm, Mạnh Hùng, Thùy Anh...
Để có thể tiếp tục làm nghề, đòi hỏi phải kiên trì, bền bỉ, không ngại khó, không ngại khổ thì mới có thể trụ vững. Và hơn cả, muốn có thể tiếp tục thì cần có gia đình hỗ trợ, ủng hộ thì mới có thể theo nghề được. Tôi may mắn vì được gia đình ủng hộ, đặc biệt là chồng tôi hỗ trợ rất nhiều. Bản thân anh cũng làm nghệ thuật, là đạo diễn dàn dựng các tiết mục kịch trên sân khấu nên anh cũng đóng góp nhiều ý kiến cho công việc của tôi. Tuy nhiên, vì đặc thù nghề nghiệp là làm trong quân đội nên chồng tôi ít khi được về nhà, thời gian ấy tôi cũng lao vào công việc để bù lại quãng thời gian không được làm nghề.
Chúng tôi có một bé gái 8 tuổi, cháu cũng từng theo mẹ đi diễn và tham gia một vài dự án nhỏ. Bản thân cháu rất hứng thú với nghề diễn cũng như rất thích thú mỗi khi thấy mẹ trên ti vi. Tôi cảm thấy rất vui vì tuy bận rộn nhưng vẫn có thể cho con có được chút niềm vui đơn giản.
- Việc tập trung vào quay phim có ảnh hưởng đến thời gian chị dành cho gia đình?
Đúng là khi tập trung vào quay phim, tôi phải hy sinh rất nhiều thứ - nhiều nhất chính là thời gian dành cho gia đình. Điều đó làm tôi luôn thấy áy náy với con gái. Bố cháu làm bộ đội nên ít khi có mặt ở nhà, mẹ cũng theo dự án và đi diễn nhiều nên cháu luôn thiệt thòi về mặt tình cảm. Việc chăm sóc con thì tôi được bố mẹ hỗ trợ rất nhiều. Mặc dù vậy, tôi không dám lăn xả vào công việc như ngày chưa có gia đình. Tôi vẫn phải cầm chừng, điều tiết công việc để có thể phân phối thời gian bù đắp cho con. Bởi với tôi, gia đình mới là điều quan trọng nhất.
- Trong phim chị là một người mẹ tảo tần, thương con nhưng vẫn nghiêm khắc trách phạt con khi cần thiết. Ngoài đời, chị đánh giá mình là bà mẹ ra sao? Trong gia đình, hai vợ chồng có thống nhất trong việc dạy con?
Trong phim với ngoài đời thì tôi cũng không khác nhau là mấy, về cơ bản thì tôi không phải diễn gì nhiều. Bởi lẽ, tôi nghĩ rằng, hình ảnh bà Nga tảo tần, thương con cái nhưng vẫn nghiêm khắc ấy chính là hình ảnh mà mỗi bà mẹ Việt Nam đều thấy mình ở đó. Hình ảnh bà Nga quen thuộc cứ như một hình mẫu mà bà mẹ nào cũng có. Tuy rằng tính cách có thể khác nhau, nhưng tình yêu thương con cái và cái đức hy sinh thì là một nét rất đặc trưng của người phụ nữ Việt.
Tôi ngoài đời chỉ khác bà Nga ở việc là tôi không giỏi nội trợ, còn lại thì tôi sẵn sàng làm mọi việc vì con. Chồng tôi là bộ đội nên ít khi có mặt ở nhà, vì vậy, tôi luôn phải phân thân ra vừa làm bố, vừa làm mẹ. Tôi vừa phải nghiêm khắc thay bố, rồi lại phải nhẹ nhàng an ủi động viên con. Việc "vừa đấm, vừa xoa" khiến tôi luôn cảm thấy như mình phải biến hóa liên tục, lúc đóng vai hiền nhưng lúc cần là phải sắm liền vai ác. Chồng tôi rất yêu thương và tôn trọng quan điểm của tôi. Chúng tôi luôn có tiếng nói chung trong việc dạy con cũng như với mọi vấn đề khác trong cuộc sống.
"Tôi là người rất chiều con nhưng bên cạnh đó cũng rất nghiêm khắc"
- Cũng trong phim, bà Nga sẵn sàng đánh đòn Khánh vì giả bệnh hay bỏ nhà đi. Chị quan niệm thế nào về cách dạy con "thương cho roi cho vọt" mà nhiều phụ huynh vẫn áp dụng? Chị có gặp khó khăn gì trong việc dạy con?
Những lần tét vào mông Khánh, dúi vào trán con đều là những hành động tôi hay làm với con gái mình và tôi cũng hay làm thế với bé Hồng Nhung kể cả khi không ở trong cảnh quay. Những hành động đó đơn giản như việc tôi hít thở vậy, nó là hành động của tình cảm thật, phát ra một cách ngẫu nhiên chứ không phải kiểu tính toán có chủ đích. Bởi, tôi luôn coi bé Hồng Nhung cũng như con gái của mình thôi, yêu thương lo lắng nhưng cũng vẫn cần nghiêm khắc dạy bảo.
Ngoài đời cũng vậy, tôi dù là người rất chiều con nhưng bên cạnh đó cũng rất nghiêm khắc. Tôi thì không có quan niệm là yêu thì phải cho roi, cho vọt mới là yêu. Đối với tôi, roi vọt không làm nên sự tiến bộ tích cực. Tôi cho rằng, nên dùng tình cảm, lời nói và hành động nhẹ nhàng để dạy con. Thỉnh thoảng, tôi vẫn nghiêm khắc phạt con bằng việc yêu cầu con thực hiện đứng lên ngồi xuống 20, 30 lần. Thực ra đó cũng chỉ là một hình thức cho con tập thể dục để vận động, tránh béo phì thôi. Còn lại những việc như đánh đòn, chửi mắng thì tôi nghĩ là không cần thiết.
Với con tôi, "hình phạt" đáng sợ nhất chính là việc thấy mẹ buồn. Mỗi lần cháu làm điều gì chưa đúng, thấy tôi buồn cháu đều tự giác sửa vì không muốn thấy mẹ phải buồn. Trước đây, tôi đã từng có thời gian trầm cảm dài nhưng từ khi có con, con đã trở thành điểm tựa, thành động lực để tôi sống tiếp. Mẹ con tôi trở thành cuộc sống của nhau.
- Bé có năng khiếu hay thành tích gì nổi bật không chị? Bản thân đã từng trải qua nhiều nghề trước khi quyết tâm theo đuổi nghệ thuật, chị có ủng hộ sở thích của con gái nếu con có ý định theo nghệ thuật hay một ngành nghề mà gia đình không vừa ý?
Tôi là một người mẹ khá bản năng, tôi không có nhiều kiến thức, kỹ năng hay có sự chuẩn bị tâm lý trước khi làm mẹ. Vì thế, khi sinh con, tôi gần như để mọi thứ thuận theo tự nhiên. Tôi luôn muốn con tôi được phát triển một cách tự nhiên, để cháu được sống đúng tuổi, được hồn nhiên vô tư lự, được làm những điều mình thích.
Có nhiều phụ huynh thường định hướng con trưởng thành, tự lập và già trước tuổi. Tôi thì khác, tôi lại cứ muốn con mình được nếm trải trọn vẹn hương vị của tuổi thơ. Bởi lẽ, tôi cho rằng, tuổi thơ của con người càng ngày càng bị rút ngắn. Tuổi thơ ấy trôi qua quá nhanh, nhanh đến mức khi nó qua đi rồi ta chỉ còn có thể tiếc nuối khoảng thời gian vô tư, hồn nhiên mà mãi mãi không bao giờ có lại. Tôi mong con mình có được tuổi thơ đúng nghĩa, để sau này khi trưởng thành, cháu có một ký ức đẹp làm hành trang vào cuộc sống.
Bên cạnh đó, tôi luôn ủng hộ các sở thích của con. Cháu thích được diễn xuất nên tôi hay cùng con hóa thân vào các nhân vật khác nhau trong những bài văn cháu học. Thỉnh thoảng tôi cho con đi quay một số dự án nhỏ để con trải nghiệm nên cháu rất vui. Cháu cũng đặc biệt thích chơi piano và tỏ ra có năng khiếu âm nhạc.
Bản thân tôi là một người đã trải qua nhiều nghề nghiệp khác trước khi chính thức quay lại theo đuổi nghệ thuật, tôi nhận thấy rằng một khi đã có thiên hướng nghệ thuật thì nên nắm bắt. Bởi nếu như cứ cố gắng đi con đường khác thì bản thân mình sẽ không thoải mái vì không được làm điều mình thích, cũng không đạt được hiệu quả công việc khi không toàn tâm toàn ý làm điều đó.
- Chị có đặt nặng vấn đề thành tích của con trong việc học?
Gia đình tôi trước giờ không có tiền lệ ép con học theo ý cha mẹ mà luôn tôn trọng ý muốn của con cái, không bao giờ cấm đoán. Tôi cũng có quan điểm rằng cha mẹ chỉ nên đưa ra nhiều định hướng, cho con được thử trải nghiệm để biết con mạnh gì, yếu gì, thích cái nào hơn và cho con tự quyết định và chịu trách nhiệm trước quyết định của mình. Với tôi, học văn hóa hay học nghệ thuật đều được, tôi cũng không áp lực con phải giỏi. Tôi chỉ mong sao con thành người, sống thiện lương và an vui là được.
- Chưa có cơ hội nhận vai diễn dài và nặng, trong tương lai, chị mong muốn được tiếp cận với kiểu vai diễn nào? Có bao giờ chị nuối tiếc vì đã bỏ qua một khoảng thời gian quá dài mới theo đuổi lại nghệ thuật?
Với tôi, cơ hội với nghề diễn vẫn còn rộng mở. Tôi cũng không cưỡng cầu mình phải có vai dài, vai nặng ký. Tôi làm nghề đơn giản là để thấy hạnh phúc mỗi ngày. Tôi không cầu nổi tiếng, không cầu danh vọng hay hào quang, càng không mong mình phải đạt được một điều gì đó. Điều duy nhất tôi hy vọng là mình sẽ được bền nghề, được làm nghề lâu dài, sống chết với nó, dù là vai phụ vai ngắn nhưng miễn là được diễn thì đến 70, 80 tuổi nếu còn sức khỏe thì tôi vẫn làm.
- Cảm ơn những chia sẻ của chị.