Review Cậu Vàng - Khi nhà làm phim nửa chừng quên mất mình đang làm về cái gì

Dựa theo tác phẩm Lão Hạc của Nam Cao, song Cậu Vàng đã thất bại hoàn toàn trong việc chuyển thể tinh thần của nguyên tác đến người xem

Lùm xùm liên quan đến casting chú chó Vàng và công tác truyền thông khiến cho bộ phim cậu Vàng chịu ảnh hưởng nặng nề từ làn sóng tẩy chay của khán giả. Tuy nhiên, chính những khán giả đi xem cũng đã nhận xét rằng kể cả khi không có những tranh cãi trên, thì bộ phim cũng khó có thể thuyết phục được đại chúng bởi chất lượng có quá nhiều vấn đề đáng bàn.

Nội dung chính của phim về chú chó Cậu Vàng, sống cuộc sống ở mộtvùng nông thôn nghèo làng Vũ Đại cùng với hai cha con lão Hạc (Viết Liên) và Cò (Doãn Hoàng). Cho đến một ngày Cò bị lí Cường (Will) chèn ép phải bỏ xứ đi làm ăn xa.

Cái nghèo đói và sự hạch sách của gia đình địa chủ Bá Kiến khiến Lão Hạc và Cậu Vàng phải sống lay lắt qua ngày. Đỉnh điểm, ông lão buộc lòng phải bán đứt chú chó để giữ lại mảnh đất cho cậu con trai làm ăn xa. Phim cũng khai thác những xung đột trong chính gia đình nhà bá kiến để tăng thêm gia vị cho câu truyện.

Thay đổi, biến tấu là điều dễ hiểu và gần như bắt buộc khi chuyển thể bất cứ tác phẩm văn học nào lên màn ảnh rộng, bởi sự khác biệt vô cùng lớn giữa 2 loại hình phim – truyện, cũng như sự thay đổi trong thị hiếu của khán giả. Song người làm phim phải đoán biết được sự thay đổi nào sẽ được khán giả chấp thuận hoặc không, và về điều này thì có thể khẳng định rằng đội ngũ Cậu Vàng đã thất bại.

Bối cảnh lệch tông, cải biên lộn xộn

Ngay từ những đoạn trailer và poster quảng cáo, phim đã gây tranh cãi lớn khi bối cảnh làng quê Việt Nam trong phim “sao mà tươi đẹp, trù phú thế”. Những cánh đồng hoa vàng ươm, những con sông uốn lượn trữ tình và những mái nhà ẩn hiện trong sương sớm – gợi lên một bầu không khí trữ tình, thanh tịnh, yên ả của một vùng quê chưa bị tàn phá bởi sự khắc nghiệt của thời đại. Trong khi đó, Lão Hạc của Nam Cao có bối cảnh rõ rành rành ở vùng nông thôn miền Bắc trước năm 1945 – thời điểm cái nghèo đói, lạc hậu chả khác nào những sợi xích sắt, siết chặt lấy mảnh đời và hút sạch hết niềm vui sống. Thời đó, con người chỉ có thể vùng vẫy để tồn tại, để bám trụ chống đỡ trước cái nghèo, cái đói, bất cứ ai đọc tác phẩm cũng cảm nhận được bầu không khí ngột ngạt, xám ngoét và dường như không lối thoát của bất cứ số phận nào thời điểm đó. Tất cả trở nên trái ngược và lệch tông hoàn toàn so với bức tranh đẹp đẽ đầy sắc màu của sự no đủ xuất hiện trong bộ phim – khiến cho ai xem cũng cảm thấy bị “dội”, và phản ứng tiêu cực là khó tránh khỏi.

Bối cảnh của phim quá đẹp, quá nên thơ, quá sáng  - quá lệch so với hình dung của người xem

Giá trị của tác phẩm Lão Hạc chính là bi kịch của người nông dân, sự bần cùng hóa, lưu manh hóa khi mà cái bụng rỗng khiến họ làm những việc trái với lương tri của chính mình. Nhưng với bối cảnh như thế thì làm sao kể được câu chuyện một cách thuyết phục? Cái đói bám riết khiến cho chả ai có thể dễ dàng thưởng thức nghệ thuật múa lân và múa rối nước, như phim mô tả. Bộ phim khiến khán giả cảm giác đoàn làm phim chỉ cố lấy những cái tên Cậu Vàng, Lão Hạc…để “câu fame”, chứ bản thân nó là câu chuyện khác hẳn”.

Tuyến nhân vật lan man, nhân vật chính mờ nhạt

Những tuyến nhân vật, nội dung thêm thắt vào không giúp làm tình hình sáng sủa hơn, thậm chí khiến cho mạch phim thêm phần lộn xộn, khó hiểu, và tai hại nhất là lại càng xa rời nguyên tác. Đất diễn của dàn nhân vật phụ quá ít, khiến cho những tình tiết liên quan đến họ diễn ra nhanh, không có sự khai triển và phát triển tâm lý đủ sức thuyết phục. Họ thay đổi cảm xúc quá nhanh, khiến khán giả khó hiểu và theo dõi. Nhiều tuyến nhân vật, nhiều mạch truyện xuất hiện, đan xen lẫn nhau, rồi sau đó lại hướng tới mỗi ngả khác nhau tạo ra lỗ hổng trong việc kết nối các tình tiết. Hậu quả là phim trở nên lan man, thiếu điểm nhấn. Còn cậu Vàng – tưởng như phải trở thành nhân vật chính, lại trở nên ngày càng thừa thãi, không biết nhét đâu.

Phim dành sự quan tâm bất ngờ đến sự tình của gia đình Bá Kiến

“Drama” nhà Bá Kiến, từ chuyện cung đấu giữa các bà vợ, con cái láo xược, thậm chí cả chuyện tình vấn vương từ xưa kia, được đặc tả còn chi tiết hơn cả cuộc sống khổ cực của người nông dân – điểm nhấn trong nguyên tác. Tất cả khiến cho bộ phim trở thành một cái gì đó xa lạ, kỳ cục, trớt quớt, không còn giống với bất cứ điểm gì của “Lão Hạc” mà bao thế hệ người Việt đã quen thuộc.

Cơ bản nhất, chúng không đóng góp gì vào việc truyền tải tinh thần của bản gốc, đó là sự vùng vẫy trong tuyệt vọng của những con người thống khổ, “cùng đinh mạt hạng” trong xã hội thời bấy giờ. Làm sao có thể khi mà cậu Vàng và Lão Hạc cứ chỉ “ẩn hiện”, để làm nền cho gia đình nhà Bá Kiến. Nhiều khán giả tự hỏi nhân vật chính phải chăng là…gia đình là cụ bá?

Cậu Vàng và Lão Hạc trở nên mờ nhạt, lạc lõng trong phim mà mình là nhân vật chính

Điều này lại càng có cơ sở, khi mà diễn xuất của chú chó thủ vai cậu Vàng trong phim được coi là không thuyết phục. Bỏ qua những tranh cãi về nguồn gốc chó ta hay Shiba, thì cậu Vàng không tạo được cảm xúc gần gũi, thân thương với Lão Hạc, không có được sự ăn ý.Một vài cảnh quay còn phải sử dụng đến kỹ xảo thô sơ càng khiến cho cậu Vàng xa rời với bộ phim hơn bao giờ hết. Dường như chú chó xuất hiện chỉ để mua vui cho khán giả vì sự nghịch ngợm và điên dại của nó mà thôi.

Đó không phải là cậu Vàng hay lão Hạc trong con tim và khối óc của khán giả Việt.

Dòng chảy chủ đạo trong các tác phẩm của Nam Cao trước cách mạng tháng Tám không hẳn là sự nghèo đói, mà đó là sự túng quẫn tột cùng của người nông dân, khi phải đánh đổi, phải vứt bỏ tự trọng, nhân tính, lương tri của mình để có miếng ăn bỏ bụng. Bộ phim của đạo diễn Trần Vũ Thủy hoàn toàn thất bại khi thể hiện yếu tố này, mọi sự đói khổ nếu có trong phim chỉ hời hợt trên bề mặt, chưa đủ tạo sự tin tưởng và cảm thông cho người xem.

Khán giả không thấy ở lão Hạc sự dằn vặt lương tâm khi phải bán đi người bạn duy nhất của mình. Điều ông quan tâm hơn cả dường như là cuộc chiến bảo vệ đất đai tài sản trước con mắt dòm ngó của nhà Bá Kiến. Điều này là đơn giản hóa đáng kể sức nặng và giá trị của nguyên tác – thứ văn học xoáy sâu vào mặt tối của con người trong thời đại bị áp bức, đô hộ.

Phim lệch quá xa so với nguyên tác của Nam Cao

Xung đột giai cấp là nút thắt trong nguyên tác, và yếu tố này cũng lại bị thể hiện hời hợt trong phim, thậm chí có phần ngớ ngẩn, gượng gạo. Bá Kiến, Lý Cường của phim kém xa nguyên tác của Nam Cao về độ nham hiểm và độc ác, khi mà loay hoay mãi không có cách gì khả thi để chiếm được khu vườn của lão Hạc. Có đoạn hai nhân vật này còn tỏ ra yếu đuối, khi suýt nữa bị lão Hạc đẩy ngã xuống sông, hay không dám xông vào đột nhập nhà lão Hạc vì sợ cậu Vàng.

Nhân vật ông giáo là người kể chuyện trong nguyên tác, từ đó người đọc thấy được những trăn trở, ai oán, dằn vặt trước những sự thay đổi của con người với thời cuộc. Tuy nhiên, khi lên phim, nhân vật này gần như bị quên lãng, chỉ nói vài câu mang tính triết lý cho có mà thôi.

Tổng kết

Quả thật, với những lùm xùm trước giai đoạn công chiếu và chất lượng không có gì làm nổi trội, thiếu thuyết phục và gây thất vọng, thật khó để tin rằng “cậu Vàng” sẽ đem lại Vàng cho nhà sản xuất. Đây thực sự là điều đáng tiếc, vì cậu Vàng là một cái tên quá đỗi quen thuộc với khán giả Việt, và các diễn viên trong phim đã có màn thể hiện chất lượng, thể hiện được sắc thái tâm lý yêu cầu của nhân vật. Nhưng đó là điểm sáng duy nhất của bộ phim mà thôi.