Có thể nói Tấm Cám là câu chuyện cổ tích quốc dân khi mà từ trẻ em 5 tuổi tới cụ già 85 tuổi đều có thể thuộc nằm lòng. Việc biến phiên bản điện ảnh Cám thành kinh dị là một nước đi gây tò mò, nhưng cũng lắm rủi ro vì nếu làm không tốt sẽ bị khán giả phản ứng. May mắn thay, phim lại ghi điểm khi khéo léo kể lại những tình tiết quen thuộc của bản cổ tích nhưng thêm thắt một màn trả thù đẫm máu và kịch bản đầy plot twist.
Dị bản độc đáo, trả thù tàn nhẫn
Nếu như trong truyện cổ tích, Cám là một đứa em mưu mô, xảo quyệt, cùng mẹ kế bắt nạt cô chị Tấm hiền lành thì phim điện ảnh Cám lại đi theo một hướng độc đáo là biến Cám (Lâm Thanh Mỹ) trở thành người bị hại. Hóa ra, vì chịu nghiệp của gia tộc mà Cám sinh ra đã có gương mặt dị dạng, bị cả cha là Hai Hoàng (Quốc Cường) và Mẹ Kế (Thúy Diễm) bạc đãi. Tấm (Rima Thanh Vy) là người duy nhất yêu thương em gái.
Đây là lý do mà Cám đã có màn trả thù vô cùng tàn nhẫn và đẫm máu sau khi “hắc hóa”. Bộ phim có những cảnh giết chóc, tàn sát vô cùng dã man của Cám theo đúng chất 18+. Nhiều đoạn xem mà ớn lạnh với thủ đoạn và sự tàn nhẫn của Cám, nhưng cũng “đã cái nư” vì đa số đều là những kẻ từng đối xử tồi tệ với cô gái trẻ. Thủ pháp kinh dị được đạo diễn Trần Hữu Tấn áp dụng từ Kẻ Ăn Hồn (2023) và Chuyện Ma Gần Nhà (2022) đủ để những ai yếu bóng vía được phen lên tim trong rạp.
Plot twist tung não từ những tình huống lạ mà quen
Dù là dị bản kinh dị nhưng những tình tiết quen thuộc trong truyện cổ tích vẫn được Cám kể lại theo một góc nhìn hoàn toàn khác. Câu chuyện Cám kêu Tấm ngụp xuống ao, hình ảnh con cá bống, chi tiết quả thị, trèo cây cau… đều xuất hiện. Song, plot twist thì phải gọi là bẻ cua bay cả mũ bảo hiểm. Kẻ điên điên khùng khùng lại tỉnh nhất phim, người tưởng tốt thì ra ác từ trong trứng. Cuối phim cứ tưởng đã an bài thì hóa ra chỉ là “cú lừa”.
Bối cảnh chỉn chu, phục trang đậm nét văn hóa
Đây là thứ mà đạo diễn Trần Hữu Tấn và nhà sản xuất Hoàng Quân chăm chút nhất cho từng tác phẩm. Từ Bắc Kim Thang (2019), Chuyện Ma Gần Nhà cho tới Tết Ở Làng Địa Ngục (2023), Kẻ Ăn Hồn đều rất chỉn chu trong khâu sản xuất với bối cảnh được đầu tư, chăm chút kỹ lưỡng. Phần phục trang phim cũng mang đậm màu sắc văn hóa Việt Nam, từ hoàng cung cho đến Thái tử, thậm chí là quý tộc, người hầu đều có sự khác biệt, đặc trưng rõ ràng. Chi tiết lễ hội làng với các trò đánh đu, đánh cười người hay buổi thử hài của Thái tử đều rất đặc sắc, gần gũi với khán giả Việt.
Diễn xuất bùng nổ của “thiếu nữ đáng sợ nhất Việt Nam”
Lâm Thanh Mỹ từng được mệnh danh là “thiếu nữ đáng sợ nhất Việt Nam” khi liên tục góp mặt trong các dự án kinh dị như Đoạt Hồn (2014), Bóng Đè (2022)… Và diễn xuất của cô nàng trong Cám thì đúng là sởn gai óc. Từ một cô gái hiền lành, nhút nhát, Cám bỗng lột xác với ánh mắt đáng sợ, nụ cười gây ám ảnh. Từ cách đi đứng, nói chuyện cho đến hành động, cử chỉ như thay đổi 180 độ, nhuốm máu quỷ dị. Cám trước và sau khi “hắc hóa” có sự khác biệt đến mức khiến người xem phải ớn lạnh.
Một điểm nhấn khác trong phần diễn xuất phải kể đến Rima Thanh Vy. Ai từng bất ngờ trước vai diễn ma nhập quá đỉnh của cô gái sinh năm 1995 trong Mười: Lời Nguyền Trở Lại (2022) thì sẽ tiếp tục phải à ố với sự thay đổi của Tấm trong phim. Đặc biệt, Rima Thanh Vy còn có một cảnh nóng “bỏng con mắt” mà không phải nữ diễn viên nào cũng dám làm trên màn ảnh rộng.
Có thể nói, Cám là một nước đi độc đáo và mới lạ trong dòng phim kinh dị Việt. Phải dành lời khen cho sự dũng cảm của nhà sản xuất Hoàng Quân và đạo diễn Trần Hữu Tấn khi liều lĩnh đi tiên phong khai thác các câu chuyện cổ tích theo màu sắc rùng rợn mà khó có ai dám nghĩ đến.