"Rối mắt" với điểm đánh giá khó hiểu của TENET và Mulan, "Cà Thối" có còn đáng tin như trước?

Việc điểm số của Mulan cao hơn TENET khiến nhiều người bày tỏ sự nghi ngờ đối với Rotten Tomatoes.
    SỐ CÂU TRẢ LỜI ĐÚNG0/0Cũng đáng nể đấy chứ?

    Từ trước đến nay, Rotten Tomatoes (tạm dịch: Cà Chua Thối) luôn được xem là một trong những nơi uy tín để khán giả đoán biết được độ hay của một bộ phim, qua đó quyết định có nên chi tiền ra rạp hay không. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, trang web này dường như không còn chính xác nữa khi thường xuyên đưa ra những con số không tương xứng chất lượng. Gần đây nhất, tác phẩm đang bị "ném đá" dữ dội là Mulan của Disney lại được chứng nhận "tươi" trên chuyên trang nổi tiếng này, mặc cho phim đang bị chê "té tát" vì kém chất lượng và có nhiều sai lệch về yếu tố văn hoá. Vậy, có hay không việc Rotten Tomatoes đang đánh mất phép màu của mình, từ đó làm mất độ tin cậy trong lòng các khán giả lâu năm?

    Rối mắt với điểm đánh giá khó hiểu của TENET và Mulan, Cà Thối có còn đáng tin như trước? - Ảnh 1.

    Mulan và TENET là hai bom tấn gần đây nhất của Hollywood. Thế nhưng, lượt đánh giá của cả hai trên Rotten Tomatoes liệu có đang thật sự trùng khớp với chất lượng của chúng?

    Trang đánh giá với hệ thống "Tươi" - "Thối" độc đáo nhưng độ phổ quát có thật sự rộng rãi?

    Để biết vì sao Rotten Tomatoes không chính xác, chúng ta phải hiểu cơ chế hoạt động của nó. Nói một cách đơn giản, Rotten Tomatoes là nơi tổng hợp các bài đánh giá của nhà phê bình (critics). Để trở thành nhà phê bình của trang web này cũng đòi hỏi một số yêu cầu nhất định về uy tín hay lượng người theo dõi, nên không có chuyện ai muốn làm cũng được. Cùng với bài đánh giá và chấm điểm, trang cũng sẽ cho thêm điểm "Fresh" (tươi) hoặc "Rotten" (thối) dựa theo việc có thích phim hay không. Và Rotten Tomatoes sẽ tính tỉ lệ Fresh trên tổng số bài để cho ra kết quả cuối cùng. Đây cũng là lý do mà điểm số luôn ở trạng thái phần trăm.

    Rối mắt với điểm đánh giá khó hiểu của TENET và Mulan, Cà Thối có còn đáng tin như trước? - Ảnh 2.

    TENET đang có tỉ lệ "tươi" ít hơn Mulan. Thậm chí Mulan đã có chứng nhận "Fresh" rồi nhưng TENET vẫn chưa thấy đâu

    Dĩ nhiên, như vậy thì điểm càng cao đồng nghĩa với phim sẽ càng hay vì được nhiều nhà phê bình thích. Tuy nhiên, điều này cũng không thật sự chính xác. Lý do là mỗi nhà phê bình sẽ có kỳ vọng riêng cho từng thể loại phim và tác phẩm chỉ cần đáp ứng đúng điều này thì hiển nhiên sẽ được một điểm "Fresh". 

    Rối mắt với điểm đánh giá khó hiểu của TENET và Mulan, Cà Thối có còn đáng tin như trước? - Ảnh 3.

    Da 5 Bloods được điểm cao chót vót dù nội dung khắc họa có phần sai lệch về Việt Nam

    Do đó, nói cho chính xác thì điểm Rotten Tomatoes chỉ thể hiện tỉ lệ chuyên gia cảm thấy thích bộ phim mà thôi. Phim càng hoành tráng, kinh phí lớn, nhiều kỹ xảo và nặng tính giải trí thì càng khó tin. Ngoài ra, họ đều đến từ Bắc Mỹ với gu phim ảnh riêng và đôi lúc lại không giống với khán giả Á Đông, hay cụ thể là Việt Nam. Vậy, xem ở đâu để biết một bộ phim "đỉnh" hay "đuối"?

    Ngoài trái cà "to đùng" thì vẫn còn nhiều thông số khác đáng xem xét đấy!

    Phần trăm Fresh không phải điểm số duy nhất trên Rotten Tomatoes. Trang này còn có một cột điểm ngay cạnh là Popcorn (Bắp rang) do khán giả chấm. Đối với khán giả đại chúng có cùng sở thích, điểm số này tương đối chính xác hơn. Bởi lẽ, đối với các đạo diễn lớn như Christopher Nolan, giới phê bình thường đặt kỳ vọng cao hơn khán giả thông thường và soi rất kỹ từng chi tiết.

    Rối mắt với điểm đánh giá khó hiểu của TENET và Mulan, Cà Thối có còn đáng tin như trước? - Ảnh 4.

    Trong khi giới phê bình có vẻ ưu ái Mulan hơn thì khán giả vẫn dành tình cảm cho TENET. Thậm chí, nàng Mộc Lan của năm 2020 còn bị đánh dấu "bỏng ngô xanh" tức lượng khán giả yêu thích không cao

    Ngoài ra, một con số khác cũng cần lưu ý chính là điểm trung bình của các nhà phê bình. Lý do là bởi họ có thể thích hay không thích tác phẩm nhưng điểm số cuối cùng thường ít nhiều mang tính lý trí hơn dựa trên những điểm mạnh và điểm yếu đã đề cập. Ví dụ, một bộ phim có tỉ lệ "tươi" trên Rotten Tomatoes rất cao nhưng điểm trung bình chứng tỏ nó chỉ mang tính giải trí chứ giá trị nội dung không xứng tầm. 

    Rối mắt với điểm đánh giá khó hiểu của TENET và Mulan, Cà Thối có còn đáng tin như trước? - Ảnh 5.

    Ví dụ điển hình là Thor: Ragnarok (trên) có tỉ lệ "tươi" cao hơn Avengers: Infinity War (dưới) nhưng điểm trung bình của chuyên gia lẫn khán giả đều thấp hơn

    "Cà chua" không phải độc nhất, vẫn còn nhiều trang đánh giá tiếng tăm đáng xem khác

    Như đã nói, điểm số khán giả dành cho bộ phim đôi khi lại phản ánh chính xác hơn các nhà phê bình. Đây là lúc các bạn nên tham khảo thêm IMDb - một trang cho phép cộng đồng chấm điểm thoải mái. Dĩ nhiên, trang này đôi khi xảy ra tình trạng “thủy quân” dìm hoặc nâng bộ phim bất chấp chất lượng. Tuy nhiên, ở một mức độ khoảng vài chục nghìn đánh giá thì tỉ lệ này không xê xích quá nhiều.

    Rối mắt với điểm đánh giá khó hiểu của TENET và Mulan, Cà Thối có còn đáng tin như trước? - Ảnh 6.

    Điểm IMDb của TENET cao hơn Mulan rất nhiều, trái ngược hẳn với Rotten Tomatoes

    Thời gian gần đây, nhiều người thường tìm đến Metacritic vì độ chính xác cao hơn Rotten Tomatoes. Về cơ bản, cả hai trang web đều giống nhau khi tổng hợp các bài đánh giá của giới phê bình và khán giả. Tuy nhiên, Metacritic có phần khó tính hơn khi chỉ chọn những trang lớn như The Guardian, Variety, The New York Times hay IGN. Điểm số họ đưa ra cũng là điểm trung bình dựa trên thang 100 chứ không phải chỉ "thích" hay "không thích".

    Rối mắt với điểm đánh giá khó hiểu của TENET và Mulan, Cà Thối có còn đáng tin như trước? - Ảnh 7.

    Điểm Metacritic của phê bình lẫn khán giả của TENET đều cao hơn Mulan. Phía user score (điểm người dùng chấm) của Mulan chỉ có 3,1 đỏ chót, trong khi TENET vẫn "tươi xanh long lanh"

    Khán giả cũng nên tự mình đánh giá bằng quan sát thực tế, từ "cày nát" trailer, phim đến nghiền ngẫm profile của ekip

    Nếu như không muốn tin đánh giá của người khác mà vẫn băn khoăn không biết có nên ra rạp hay không thì bạn có thể tự nhận xét bằng cách xem qua trailer. Nhiều bộ phim gần như tiết lộ hết nội dung hoặc không tạo được sự hào hứng nào chỉ qua đoạn trailer dài vài phút. Ngược lại, có nhiều tác phẩm hiện nay đầu tư rất nhiều chất xám vào những đoạn giới thiệu vừa bí ẩn nhưng cũng rất hấp dẫn, khiến người xem "bật mode" cày view luôn vì không thể rời mắt.

    Trailer đầu tiên của TENET từng khiến người xem "nổi óc" vì quá đỉnh nhưng vẫn giữ được tinh thần "không spoil phim"

    Mulan cũng có đoạn teaser trailer đặc sắc cùng bản nhạc nền Reflection được phối lại rất bắt tai

    Tuy nhiên, nếu sợ những đoạn clip này “lừa tình” thì bạn vẫn có thể tìm hiểu thông qua danh tiếng của ekip phim. Các nhà phê bình thường dựa theo các tiêu chí khác nhau để đánh giá, gồm đạo diễn, biên kịch, quay phim, dựng phim, diễn xuất, thiết kế sản xuất và âm nhạc. Hãy tự tra thông tin của họ trên mạng và xem các tác phẩm trước, điều đó giúp bạn có thể đánh giá phần nào độ hay của phim và độ tín nhiệm của mình đối với dự án cao đến đâu.

    Rối mắt với điểm đánh giá khó hiểu của TENET và Mulan, Cà Thối có còn đáng tin như trước? - Ảnh 10.

    Christopher Nolan rõ ràng đã khẳng định được phong cách còn Niki Caro chủ yếu chỉ được biết đến qua các bộ phim tình cảm

    Tóm lại, Rotten Tomatoes vẫn là trang đánh giá được nhiều khán giả lấy làm tư liệu tham khảo về độ hay - dở của một bộ phim. Song, người xem cũng nên tìm cho mình một góc nhìn đa chiều hơn, xem xét ở nhiều nguồn tin hơn để tìm cho mình một lời nhận xét tổng quan nhất. Sau cùng, cách cảm thụ của mỗi người là khác nhau, một bộ phim hay chưa chắc đã khiến bạn thích thú (như việc TENET quá phức tạp cũng khiến nhiều khán giả sợ hãi và chóng mặt). Vì vậy, hãy luôn nhớ rằng bản thân mới chính là "nhà phê bình" chính xác nhất của mỗi người, còn mọi yếu tố ngoại lai khác chỉ là tham khảo mà thôi!

    TENET hiện đang chiếu tại các rạp trên toàn quốc. Trong lúc ấy, Mulan đã lên sóng nền tảng Disney+ kể từ ngày 4/9/2020.

    Nguồn ảnh: Tổng hợp