Shang-Chi And The Legend Of The Ten Rings (Shang-Chi Và Huyền Thoại Thập Luân) là bộ phim thứ 25 của Vũ trụ Điện ảnh Marvel (MCU) và thứ hai thuộc Kỷ nguyên anh hùng IV (Phase 4). Tác phẩm mang nhiệm vụ giới thiệu một siêu anh hùng gốc Á vào đội hình đa dạng sắc tộc của Marvel Studios trong tương lai. Song, những gì bộ phim thể hiện không khác các tác phẩm trước là bao. Nét văn hóa Á Đông cũng chỉ thể hiện góc nhìn chung của người Mỹ.
Tác phẩm mang nhiệm vụ giới thiệu một siêu anh hùng gốc Á vào đội hình đa dạng sắc tộc của Marvel Studios trong tương lai. Song, những gì bộ phim thể hiện không khác các tác phẩm trước là bao. Nét văn hóa Á Đông cũng chỉ thể hiện góc nhìn chung của người Mỹ.
Dạ Nguyệt
Nội dung nhạt nhòa, rập khuôn
Nội dung Shang-Chi And The Legend Of The Ten Rings mở màn bằng câu chuyện về The Mandarin/Văn Vũ (Lương Triều Vỹ). Nhờ vô tình tìm được 10 chiếc vòng sức mạnh mà gã lập ra tổ chức Thập Luân rồi chinh phục nhiều nơi trên thế giới. Một ngày nọ, Văn Vũ tìm đến ngôi làng bí ẩn Đại La và đối mặt với người bảo hộ Ánh Lệ (Trần Pháp Lai). Sau màn tỉ thí, cả hai nảy sinh tình cảm.
Đến thời điểm hiện tại, Ánh Lệ đã qua đời bởi một lý do bí ẩn khi Shang-Chi (Lưu Tư Mộ) và Hạ Linh (Trương Manh) còn bé. Văn Vũ quyết huấn luyện con trai thành một sát thủ. Nhưng tới năm 14 tuổi, Shang-Chi quyết định bỏ đi và sống tại San Francisco (Mỹ) cùng cô bạn thân Katy (Awkwafina). Một ngày nọ, sát thủ của tổ chức Thập Luân bất ngờ tấn công anh để cướp chiếc vòng cổ do mẹ để lại.Đoán chắc chúng sẽ nhắm tới Hạ Linh, cả hai cùng nhau tới Macau để tìm em gái của Shang-Chi. Tại đây, họ một lần nữa đụng độ tay sai của Văn Vũ. Một loạt bí ẩn trong quá khứ liên quan tới thân phận và cái chết của Ánh Lệ cũng như âm mưu thật sự của tổ chức Thập Luân được hé lộ từ đây.
Tuy đã là tác phẩm thứ 25 nhưng Shang-Chi And The Legend Of The Ten Rings vẫn chưa thể thoát khỏi công thức làm phim an toàn truyền thống của Marvel Studios. Thậm chí, cốt truyện còn nông hơn nhiều phim khác như Iron Man (2008), Captain America: The First Avenger (2011) hay Doctor Strange (2016). Hành trình trở thành siêu anh hùng của Shang-Chi không đủ sức nặng cần thiết. Khán giả chẳng gặp khó khăn gì khi biết trước mâu thuẫn gia đình này rồi sẽ về đâu hay nhân vật làm gì tiếp theo.
Shang-Chi And The Legend Of The Ten Rings vẫn chưa thể thoát khỏi công thức làm phim an toàn truyền thống của Marvel Studios. Thậm chí, cốt truyện còn nông hơn nhiều phim khác như Iron Man (2008), Captain America: The First Avenger (2011) hay Doctor Strange (2016). Hành trình trở thành siêu anh hùng của Shang-Chi không đủ sức nặng cần thiết.
Dạ Nguyệt
Ban đầu, anh chỉ không muốn trở thành sát thủ và mong mỏi một cuộc sống cho riêng mình. Shang-Chi sống 10 năm tại San Francisco với nghề điều xe, không mục đích, không mơ ước. Nếu như Captain America/Steve Rogers (Chris Evans) mang trái tim chính nghĩa từ bé, Iron Man/Tony Stark (Robert Downey Jr.) ám ảnh bởi việc bảo vệ mọi người khỏi chiến tranh thì mọi thứ đối với Shang-Chi quá nhạt nhòa. Anh chỉ trở thành siêu anh hùng do "dòng đời đưa đẩy", thay vì có sự biến chuyển tâm lý hay thể hiện tính cách.
Còn lại, tác phẩm của đạo diễn Destin Daniel Cretton tiếp tục áp dụng công thức hài hước quen thuộc. Mỗi khi có một đoạn cao trào gì sắp đến, các nhân vật sẽ tung ra một câu thoại hài hước để chọc cười khán giả. Shang-Chi And The Legend Of The Ten Rings có rất nhiều tình tiết lẫn nhân vật thừa chỉ để tấu hài và làm mất đi thời lượng của câu chuyện chính. Cốt truyện tuyến tính của bộ phim, kết hợp cùng nút thắt vô cùng dễ đoán đã trôi tuột đi trong tâm trí của khán giả.
Shang-Chi And The Legend Of The Ten Rings có rất nhiều tình tiết lẫn nhân vật thừa chỉ để tấu hài và làm mất đi thời lượng của câu chuyện chính. Cốt truyện tuyến tính của bộ phim, kết hợp cùng nút thắt vô cùng dễ đoán đã trôi tuột đi trong tâm trí của khán giả.
Dạ Nguyệt
Yếu tố Á Đông hời hợt
Nếu như năm ngoái, Da 5 Bloods (2020) được báo chí Mỹ tung hô vì làm phim về Việt Nam sau chiến tranh nhiều năm, song, những gì Spike Lee thể hiện chỉ là cái nhìn phiến diện của người Mỹ. Shang-Chi And The Legend Of The Ten Rings cũng lặp lại sai lầm tương tự. Nếu như Marvel Studios đầu tư và chăm chút cho Black Panther (2018) kỹ lưỡng bao nhiêu thì họ lại cẩu thả với bom tấn siêu anh hùng gốc Á này bấy nhiêu.
Sự liên kết giữa các thành viên trong gia đình Katy lẫn Shang-Chi là không hề có. Ngay từ đầu, mối quan hệ giữa Shang-Chi, Hạ Linh và Văn Vũ rất gượng gạo, có chăng chỉ là những lời khuyên răn con trai trong lúc tập luyện và cấm con gái nối nghiệp của ông trùm hội Thập Luân mà thôi. Sau khi mối liên kết này đổ vỡ, bộ phim cũng chẳng làm gì để hàn gắn chúng mà bỗng cho các nhân vật làm hòa một cách khó hiểu.
Yếu tố châu Á còn xuất hiện ở việc 3 thế hệ gia đình Katy sống cùng nhau nhưng cuối cùng chỉ nằm ở một phân đoạn ngắn. Cô nàng sau đó phiêu lưu khắp nơi với bạn mà không một lần nhắc đến gia đình mình. Việc Văn Vũ hỏi tên thật của Katy là Thụy Văn cũng vô cùng lạc quẻ và chẳng đóng thêm bất kỳ vai trò nào. Hành động bạn bè, gia đình châu Á chê cười con cái vì không có sự nghiệp ổn định cũng chỉ để tấu hài.
Ngoài ra, yếu tố võ thuật – một trong những nét đặc trưng của châu Á – cũng không để lại ấn tượng. Trên thực tế, cảnh chiến đấu giữa Văn Vũ và Ứng Lệ được dàn dựng ấn tượng với những pha ra chiêu đẹp như múa kết hợp khinh công nhẹ nhàng giữa rừng cây đổ lá, gợi nhớ đến dòng phim kiếm hiệp Kim Dung hay Thập Diện Mai Phục (2004) và Ngọa Hổ, Tàng Long (2000). Nhưng đó cũng là những gì tốt nhất của bộ phim.
Loạt cảnh hành động sau đó thể hiện rõ sự dài dòng, lê thê và lai căng cẩu thả, không đủ đẹp mắt như phương Đông cũng chẳng bạo lực như phương Tây. Shang-Chi And The Legend Of The Ten Rings khó lòng so với loạt Diệp Vấn hay các bộ phim của Châu Tinh Trì, Lý Liên Kiệt. Trên thực tế, phim còn kém xa của Captain America: The Winter Soldier (2014) của chính MCU.
Yếu tố võ thuật – một trong những nét đặc trưng của châu Á – cũng không để lại ấn tượng. Shang-Chi And The Legend Of The Ten Rings khó lòng so với loạt Diệp Vấn hay các bộ phim của Châu Tinh Trì, Lý Liên Kiệt. Trên thực tế, phim còn kém xa của Captain America: The Winter Soldier (2014) của chính MCU.
Dạ Nguyệt
Lương Triều Vỹ gánh phần diễn xuất còng cả lưng
Văn Vũ của Lương Triều Vỹ có thể xem là một trong những phản diện tốt nhất mà Marvel Studios mang đến cho khán giả. Nhân vật có lý do và mục đích hành động rõ ràng. Thậm chí, ông giống một người cha lầm đường lạc lối hơn là một ác nhân thực thụ. Ngôi sao người Hong Kong tiếp tục gây thương nhớ bởi ánh mắt như biết nói nhiều điều. Anh thể hiện rõ tâm trạng của một kẻ ác quay đầu vì người phụ nữ mình yêu rồi lại đánh mất tất cả chỉ trong phút chốc.
Văn Vũ của Lương Triều Vỹ có thể xem là một trong những phản diện tốt nhất mà Marvel Studios mang đến cho khán giả. Nhân vật có lý do và mục đích hành động rõ ràng. Ngôi sao người Hong Kong tiếp tục gây thương nhớ bởi ánh mắt như biết nói nhiều điều.
Dạ Nguyệt
Tuy chỉ kéo dài vài phút nhưng mối tình giữa Văn Vũ và Ứng Lệ cảm xúc hơn nhiều cặp đôi khác thuộc MCU. Trong khi đó, Lưu Tư Mộ gây thất vọng bởi gương mặt đơ toàn tập, trăm kiểu như một. Những mâu thuẫn gia đình là quá sức đối với một "chúa hề" như ngôi sao Cửa Hàng Tiện Lợi Nhà Kim. Awkwafina có một vai diễn như vô vàn vai diễn trước là nữ trợ tá nói nhiều và lúc nào cũng ngỡ ngàng như vừa khám phá ra một chân lý gì đó. Do đó mà yếu tố cảm xúc gia đình đã yếu nay còn tệ hại hơn.
Chấm điểm: 3/5 Sao
Điểm cộng của Shang-Chi And The Legend Of The Ten Rings là phần kỹ xảo tương đối ổn. Trận đại chiến giữa hai "trùm cuối" diễn ra khá hoành tráng, gợi nhắc tới bom tấn D-War (2007) hay Kong vs. Godzilla gần đây. Những lần Văn Vũ hay Shang-Chi phô diễn sức mạnh của 10 chiếc vòng mang đến cảm giác choáng ngợp. Tuy nhiên, Shang-Chi And The Legend Of The Ten Rings chỉ đơn thuần là một bộ phim giải trí ở bề nổi nhưng hời hợt về chiều sâu và các tầng ý nghĩa.
Nguồn ảnh: Tổng hợp