Là một trong những bộ anime ăn khách nhất nhì Nhật Bản thập kỷ trước, Yu-Gi-Oh! vào những năm 2000 từng tạo ra cơn sốt không kém gì loạt phim Kimetsu No Yaiba đình đám. Tất cả các ấn phẩm truyện tranh xuất bản và đặc biệt là tựa game thẻ bài cùng tên nhanh chóng cháy hàng ở mọi mặt trận.
Người người coi Yu-Gi-Oh!, nhà nhà chơi Yu-Gi-Oh! có lẽ là cụm từ chính xác nhất để miêu tả độ hot của bộ truyện này vào thời điểm đó. Thế nhưng qua thời gian, mặc dù vẫn đều đặn cho ra mắt các phần hậu truyện a, b, c, x, y, z doanh thu của bộ truyện lại không còn giữ được "nhiệt lượng" như lúc đầu.
Rất nhiều người hầu như chỉ biết đến phần 1 hoặc 2 của bộ truyện mà không hề hay biết (hoặc không quan tâm) đến các bản hậu truyện đời tiếp theo. Vậy đâu là nguyên nhân khiến Yu-Gi-Oh! từ một hiện tượng quốc tế trở thành một bộ truyện rất kén người đọc và bị bỏ xa bởi các loạt anime khác như bây giờ.
Sự xuất hiện của quá nhiều vị thần bá đạo
Ở phần một của bộ truyện, chúng ta được biết đến 5 quái thú được xếp vào đẳng cấp thần theo thứ tự lần lượt là: Exodia, thần Obelist, Rồng Osiris, thần Ra và cuối cùng là hợp thể tối thượng của ba vị thần Horakhty. Thế nhưng đến các phần sau này, rất nhiều các quân bài mới được xếp vào cùng đẳng cấp các vị thần có thể kể đến như Tam Ảo Ma, series các lá bài hành tinh…
3 vị thần cổ đại không còn mạnh lắm đâu
Sự xuất hiện của quá nhiều lá bài cấp cao khiến những độc giả vốn không phải là fan cứng của bộ truyện rất dễ bị loạn bởi loạt bài lá nào cũng mạnh "nhất" này. Thậm chí rất nhiều quái thú thế hệ sau còn sở hữu sức mạnh vô lý đến mức "chấp" cả các vị thần khiến cho hệ thống logic được xây dựng ở phần 1 của bộ truyện trở nên vô nghĩa.
Luật chơi ngày càng khó hiểu
Có 4 dạng bài chính ở phần 1 là quái thú, ma pháp, cạm bẫy và thi thoảng có thêm sự xuất hiện của quái thú Ritual. Chỉ bấy nhiêu đó thôi cũng đủ khiến trò chơi trở nên cực kỳ căng não và buộc phải dày công tìm hiểu lắm mới nắm bắt được quy tắc của trò chơi này.
Đố newbie nào hiểu nổi cách điều khiển Lynk
Thế nhưng về sau này, chúng ta lại có thêm Synchro Monster, Xyz, Pendulum và mới nhất là Link Monster. Mỗi loại quái thú lại có luật chơi riêng biệt không con nào giống con nào. Để thực sự bắt kịp được bộ truyện bạn chỉ có duy nhất một cách là ngồi xem lại từ đầu đến cuối các bộ truyện a, b, c, x, y, z để ghi nhớ lại tuần tự cách chơi của các loại quái vật nếu không muốn "đừ" người trong mỗi tập phim vì không hiểu nhân vật đang nói gì.
Số lượng lá bài quá lớn
Một trong những điều làm nên sự thú vị của Yu-Gi-Oh! chính là các combo kết hợp giữa các lá bài. Rất nhiều quái thú tưởng chừng như vô dụng lại có thể lật ngược thế cờ ngoạn mục chỉ bằng cách kết hợp với đúng dạng ma pháp phù hợp. Và với những phần đầu khi hệ thống bài con dừng ở con số vài trăm hay vài ngàn lá việc tạo ra một combo độc đáo là hoàn toàn có thể.
Các lá bài nếu phối hợp đúng tạo ra combo rất đẹp mắt
Thế nhưng với số lượng lá bài không thể ước tính nổi ở thời điểm hiện tại, việc tạo ra combo đã khó thì việc nghĩ ra được chiến lược chống combo ấy lại càng khó khăn hơn. Các bài thủ mới làm quen với Yu-Gi-Oh! gần như không tài nào thích nghi được và rất dễ nản nội dung bộ truyện bởi lượng kiến thức khổng lồ.
Trên đây chỉ là tổng hợp của một số lý do cơ bản nhất khiến các phần hậu truyện Yu-Gi-Oh! ngày một trở nên xa lạ với độc giả. Vẫn còn vô vàn các lý do nhỏ lẻ khác có thể kể đến như cộng đồng người chơi phức tạp, quy tắc cấm chọn rắc rối… để giải thích cho tình trạng này.
Các bạn nghĩ như thế nào về loạt hậu truyện Yu-Gi-Oh!, đâu mới là nguyên nhân chính khiến Yu-Gi-Oh! ngày càng xa lạ với độc giả. Cùng chia sẻ quan điểm nhé!