Kingdom Rush: Vengeance là một tựa game thủ trụ xuất sắc trên Android và iOS, tiếp nối thành công của ba phiên bản Kingdom Rush trước.
Là một fan của thể loại chiến thuật và từng chinh chiến qua rất nhiều game, Mọt tui không thể tránh khỏi chuyện bị chinh phục bởi Tower Defense (thủ trụ), một thể loại game mang nhiều nét tương đồng và có thể nói là được sinh ra từ chiến thuật. Đây là một thể loại dễ làm nhưng khó làm tốt bởi dù có nhiều phương thức khác nhau để tạo ra một tựa game Tower Defense, việc cân bằng game sao cho hợp lý nhưng vẫn đủ thử thách là một vấn đề lớn mà mọi tựa game thể loại này đều phải đối mặt.
Một trong số những nhà phát triển làm tốt yếu tố cân bằng game và tìm ra được hướng đi riêng cho những tựa game Tower Defense của mình là Ironhide. Đây là studio đã đạt được thành công lớn khi tung ra Kingdom Rush vào năm 2011, và lần lượt tiếp nối thành công đó với những phiên bản mới Frontiers, Origins, Vengeance. Trong dịp Tết này, Mọt tui muốn giới thiệu đến các bạn Kingdom Rush: Vengeance, tựa game sẽ đem lại cho những game thủ chẳng may phải xa dàn PC (như Mọt tui) những giờ giải trí thú vị.
Các phiên bản Kingdom Rush trước có trên PC, Android và iOS, nhưng Vengeance tạm thời chỉ có trên Android và iOS.
Nhiều điều khác biệt
Điểm khác biệt đầu tiên mà các fan của series Kingdom Rush gặp phải khi đến với Vengeance là bối cảnh của nó. Trong khi cả ba phiên bản đầu cho bạn làm các vị anh hùng đánh bại kẻ ác thì Vengeance lại “lật bàn” khi để game thủ phục vụ cho công cuộc báo thù của Vez’nan, một trong những kẻ ác đó. Tuy nhiên điều này chỉ phục vụ cho bối cảnh của game chứ không ảnh hưởng gì đến gameplay, dù quả thực trò chơi có một gameplay khá khác biệt với các phiên bản trước.
Bạn sẽ nhận thấy sự khác biệt về gameplay ngay trong màn chơi đầu tiên của game. Trước đây, Kingdom Rush luôn cho bạn mang theo bốn loại trụ phòng thủ thuộc bốn loại khác nhau là cung, lính, pháp sư và pháo để đối phó với nhiều tình huống và kẻ địch khác nhau, đồng thời mỗi loại trụ có thể được nâng cấp 3 lần trước khi cho game thủ chọn một trong hai hình thái cuối cùng mang những đặc điểm tách biệt. Lấy ví dụ trụ cung: sau khi lên cấp 3 trong các bản Kingdom Rush cũ, game thủ có thể chọn nâng nó thành một trụ “sniper” với tầm bắn siêu xa, có khả năng 1 hit 1 kill hoặc trụ bắn nhanh, tầm ngắn nhưng mang nhiều hiệu ứng hỗ trợ. Nhờ vậy, game thủ được mang theo đến 8 loại trụ khác nhau trong màn chơi và linh hoạt hơn trong việc sử dụng chúng sao cho phù hợp với địa hình và các loại đối thủ sắp xuất hiện.
Kingdom Rush: Vengeance lại khác. Game giờ đây cho bạn 5 “slot” để mang theo 5 loại trụ, nhưng không còn cho phép game thủ chọn một trong hai hướng nâng cấp như trước. Ban đầu game thủ chỉ có 4 loại trụ và phải bỏ trống slot thứ 5, nhưng trong quá trình chơi bạn có thể mở khóa thêm 7 loại trụ khác, cộng thêm 5 loại được bán bằng tiền mặt trong cash shop của game. Bù lại, các trụ mà bạn có trong Kingdom Rush: Vengeance có thể được xem là hình thái cuối cùng của trụ trong các bản cũ, khi chúng có đặc trưng và ưu nhược điểm riêng. Lấy ví dụ trụ thả lính: trụ thả 3 tên Orc có thể chặn 3 kẻ địch, trụ 2 cung thủ có tầm bắn xa nhưng yếu máu, 2 hiệp sĩ giáp dày nhưng không có khả năng bắn xa…
Theo Mọt tui, chính những loại trụ có khả năng thả lính này đã làm nên nét độc đáo riêng của dòng game Kingdom Rush mà nhiều tựa game khác cố gắng copy. Do game thủ có thể ra lệnh cho các binh lính mà trụ thả ra để chặn đường kẻ địch, một trụ lính đôi khi sẽ phát huy tác dụng bằng 2 hoặc 3 trụ bình thường. Việc linh hoạt vận dụng khả năng chặn đường của các binh sĩ này với những loại trụ có khả năng AOE nhưng tầm bắn ngắn hoặc trụ có sát thương cao cũng là bí quyết giúp tối ưu hóa sát thương của trụ trong game, và tạo ra sự khác biệt giữa chiến thắng 3* (để lọt tối đa 2 tên địch) với thất bại thảm hại hoặc 1* vừa đủ qua màn.
Và những điểm chung của thể loại Tower Defense
Cũng như mọi tựa game cùng thể loại, Kingdom Rush: Vengeance sẽ tưởng thưởng cho game thủ khi biết cách tận dụng địa hình. Bởi đường đi của kẻ địch là cố định, việc tìm kiếm những vị trí tối ưu để đặt trụ và nâng cấp chúng đầu tiên là quy tắc vàng mà game thủ luôn phải tuân theo.
Trong khi đó, các loại đối thủ lại hết sức đa dạng với nhiều năng lực khác nhau thách thức tài cầm quân của game thủ. Ngoài những tên lính nhãi nhép bình thường, Vengeance (và cả dòng game Kingdom Rush) luôn có các loại lính hỗ trợ có khả năng hồi sinh đồng đội, tạo khiên, bơm máu, bắn xa… Số khác lại theo kiểu tanker hoặc đột kích nhờ có giáp “siêu trâu,” sát thương AOE, biết bay, độn thổ, nhảy vọt… Bởi sự tồn tại của chúng, tình thế trên chiến trường luôn thay đổi, buộc game thủ phải linh hoạt vận dụng hero và các kỹ năng phụ trợ của mình để tiêu diệt những mục tiêu này đầu tiên nếu không muốn phải restart lại màn chơi.
Một điều đặc sắc của dòng game Kingdom Rush được bảo lưu trong Vengeance là các màn chơi đấu trùm. Game không có nhiều màn chơi thuộc thể loại này, nhưng mỗi màn đều đem lại cho game thủ những thử thách mới thú vị nhưng vẫn trong khuôn khổ Tower Defense. Có thể bạn phải tiêu diệt những hiệp sĩ mạnh nhất của kẻ địch để ác quỷ phe ta tấn công vào lâu đài, bảo vệ căn cứ trong lúc các khẩu đại pháo nạp đạn tiêu diệt con rồng khổng lồ hoặc đối phó với một xạ thủ Elf “xuất quỷ nhập thần” cùng đoàn cận vệ của cô ta…
Microtransaction
Mọt tui mua trò chơi trên Android vài ngày trước đây khi game sale chỉ còn hơn 50.000 đồng, một mức giá khá hời cho một tựa game đem lại khoảng 6-7 giờ giải trí như Kingdom Rush: Vengeance. Tuy nhiên như Mọt đã nhắc đến bên trên, trò chơi có khá nhiều microtransaction: trụ, hero và gem (dùng để mua các vật phẩm phụ trợ trong màn chơi) và giá của chúng vượt xa giá của game gốc. Vào thời điểm Mọt tui thực hiện bài viết này, mua tất cả hero và trụ sẽ ngốn thêm tối thiểu 750.000 đồng, chưa tính đến gem.
May mắn là bạn hoàn toàn có thể hoàn tất trò chơi mà không đụng đến bất kỳ món hàng nào trong cash shop, bởi game được thiết kế rất cân bằng và các loại trụ, hero miễn phí là quá đủ để hoàn tất game ở mức 3* cho tất cả các màn chơi, trong khi gem có thể kiếm được trong quá trình chơi. Vì vậy, các vật phẩm microtransaction có thể được xem như một cách để bạn ủng hộ nhà phát triển nếu yêu thích trò chơi. Dĩ nhiên điều này không có nghĩa là Mọt tui không cảm thấy khó chịu về các món hàng này.
Tổng kết
Kingdom Rush: Vengeance là một tựa game thủ trụ rất hấp dẫn trên mobile (và sẽ lên PC sau) nhờ đồ họa hoạt hình đẹp mắt, tính chiến thuật cao và sự cân bằng tốt trong các màn chơi. Giá trị chơi lại của game cũng không kém bởi sau khi hoàn tất một màn chơi, game thủ sẽ mở khóa được thêm hai thử thách khác “khoai” hơn rất nhiều bởi chúng đặt ra những hạn chế về loại trụ bạn được sử dụng. Vì vậy, dù Mọt tui hơi thất vọng do nhiều loại trụ và hero bị khóa sau bức tường microtransaction, Kingdom Rush: Vengeance vẫn xứng đáng cho bạn thưởng thức dù là fan gạo cội của series hay “tân binh” muốn tìm một tựa game Tower Defense đủ sức thử thách tài bày binh bố trận của mình.