Ngay từ khi những game online đầu tiên tấn công làng game Việt Nam, các nhà phát hành cũng như phát triển game tại nước ta đã ấp ủ dự định tạo ra những tựa game hoàn toàn do người Việt phát triển, dành cho game thủ Việt Nam.
Không chỉ có vậy, tham vọng của các nhà phát hành dĩ nhiên vẫn muốn đưa tựa game ra khỏi "cái ao làng" nếu đứa con tinh thần của họ gặt hái được nhiều thành công tại thị trường trong nước.
Dẫu rằng nói đến game do người Việt sản xuất nhiều người sẽ không tránh khỏi sự hồ nghi về chất lượng, nội dung và đồ họa, nhưng đó đã là câu chuyện của nhiều năm về trước, còn bây giờ bạn sẽ phải choáng ngợp trước khả năng thiết kế game siêu đỉnh của các studio Việt. Theo số liệu khảo sát từ kênh Statista, hãng nghiên cứu thị trường nổi tiếng toàn cầu cho thấy Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ người trưởng thành chơi game trên thiết bị điện tử cao nhất thế giới với 94% người trưởng thành cho biết họ thỉnh thoảng có chơi game và 85% trong số đó sử dụng thiết bị di động để chơi game.
Bảng so sánh tỷ lệ người chơi game trên thiết bị di động giữa các quốc gia (Nguồn: Statista)
Và rồi, với dự án Thuận Thiên Kiếm đầy tiếng vang của Game Studio South vào năm 2008, cụm từ Game thuần Việt cũng bắt đầu xuất hiện và dần lan tỏa tới cộng đồng. Từ đó đến nay, chúng ta đã được thưởng thức không ít những game online, offline cũng như game dành cho các hệ máy di động do các nhóm phát triển lớn và nhỏ tại Việt Nam tạo ra.
Sau nhiều năm xuất hiện, những Game thuần Việt đã ghi được những dấu ấn không hề nhỏ trong làng game Việt Nam. Đầu tiên, những sản phẩm do người Việt Nam tạo ra đã làm dậy lên khí thế tự hào của hàng chục triệu game thủ nước nhà (chỉ tính riêng game PC). Vì sao? Vì những sản phẩm đó chứng minh được rằng chúng ta hoàn toàn có khả năng tạo ra những sản phẩm có chất lượng, xứng đáng có được chỗ đứng trong làng game Việt Nam, thậm chí là thế giới.
Tuy nhiên, dần dần, ý nghĩa và cách hiểu cụm từ Game thuần Việt cũng có những thay đổi đối với mỗi game thủ. Có thể nói, mỗi người đều có khái niệm riêng về Game thuần Việt, trong số đó, có 4 hướng giải thích được nhiều người đưa ra nhất, và chúng được lần lượt liệt kê dưới đây:
Đầu tiên, đa số game thủ cho rằng, Game thuần Việt là những tựa game có cốt truyện Việt Nam, và do người Việt phát triển hoàn toàn. Có thể đếm ra một số cái tên thỏa mãn điều kiện này, ví như 7554, hay Sát Thát Truyền Kỳ của Emobi Games (Hiker Games hiện tại) chẳng hạn.
7554 là một trong số những game thuần Việt nổi tiếng bậc nhất
Một số người khác thì suy luận rộng hơn, khi cho rằng Game thuần Việt không cứ phải sở hữu cốt truyện liên quan đến nước Việt, mà chỉ cần do nhóm phát triển người Việt Nam sản xuất mọi khâu là được. Có thể nói, đề tài khai thác game hiện tại là vô vàn, vì vậy nếu coi ý kiến trên đây là định nghĩa cho cụm từ Game thuần Việt, chúng ta sẽ có một danh sách dài những tựa game ‘thuần Việt’: SQUAD, 2112 Revolution, Bkool hay gần đây nhất là Tân Minh Chủ, Thần Trùng, Tai Ương, Cỏ Máu...
Dành cho những ai chưa biết thì Free Fire có thể được xếp vào nhóm này. Tuy trò chơi thuộc sở hữu của đơn vị Garena Studios, đơn vị phát hành game của Singapore, nhưng toàn bộ quá trình phát triển trò chơi được studio người Việt – 111Dots Studio đảm nhiệm
Một cái tên đáng chú ý gần đây ở phân khúc thẻ tướng Kim Dung là Tân Minh Chủ - cùng đến từ "cha đẻ" của 7554 hay Toy Odessey
Kế đến, cũng có một số game thủ cho rằng, chỉ cần studio phát triển mua mã nguồn của game về, sau đó chỉnh sửa tựa game để nó mang đậm cái hồn của một tựa game Việt Nam, cũng có thể coi là game thuần Việt. Tuy nhiên cách hiểu này thường bị bác bỏ.
Made in Vietnam hay Make in Vietnam?
Để nói một cách ngắn gọn thì những tựa game do người Việt làm sẽ được gọi chung bằng cụm từ "Made in Vietnam" - nghĩa là chúng được sản xuất tại Việt Nam, bởi người Việt Nam. Tuy nhiên mới đây, Hiker Games - cha đẻ của hàng loạt những sản phẩm đáng tự hào vừa được kể trên đây - đã quyết định thay đổi định nghĩa này đối với "con cưng" mới nhất Tân Minh Chủ: Make in Vietnam thay vì Made in Vietnam.
Tân Minh Chủ hướng đến định nghĩa "game Make in Vietnam" thay vì khái niệm "Made in Vietnam" thông thường
Về nguồn gốc thì cụ thể, đây là slogan được Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) tạo ra với mục đích thúc đẩy ngành công nghiệp ICT trong nước. Nếu “Made in Vietnam" gắn liền với nội hàm chỉ nơi xuất xứ, tỷ lệ nội địa hóa, thuế quan, xuất nhập khẩu thì slogan “Make in Vietnam" hướng đến việc người Việt tự chủ trong mọi khâu, đòi hỏi sáng tạo bằng trí tuệ Việt trong suốt quá trình sản xuất, vận hành... Và tuyệt vời thay, nó lại đúng cho cả ngành game online đang rất đề cao những sản phẩm "do người Việt".
Vẫn là game thuần Việt, vẫn có thể được gọi là game "Made in Vietnam" nhưng với giá trị mới, cách định mới "Make in Vietnam", Hiker Games cùng Tân Minh Chủ đã nói thay lòng cho rất nhiều Developer Việt, rằngchúng ta phải nắm quyền chủ động, phải sáng tạo nhiều hơn, thiết kế nhiều hơn, nhờ vậy phát huy động trí tuệ Việt Nam, giải quyết được bài toán game Việt triệt để nhất, hợp lòng người nhất. Qua đó, giá trị sản phẩm vì thế cũng sẽ cao hơn so với việc chỉ đơn thuần là mua source và chỉnh sửa - thuần đúng là chỉ "sản xuất tại Việt Nam".
"Nắm quyền chủ động, phải sáng tạo nhiều hơn, thiết kế nhiều hơn, nhờ vậy phát huy động trí tuệ Việt Nam, giải quyết được bài toán game Việt triệt để nhất, hợp lòng người nhất"
Đối với riêng Tân Minh Chủ, Hiker Games đang đẩy mạnh quá trình thiết kế tướng mới, trung bình từ 6-10 unit cho 1 bản update/1 tháng. Trương Tam Phong, Hoàng Dung, Vô Danh Thần Tăng, Nhất Đăng Đại Sư, Kim Luân Pháp Vương, Vô Nhai Tử, Kim Mao Sư Vương và rất nhiều những nhân vật Kim Dung khác đã được tung ra chỉ sau 2 tháng ra mắt. Ngoài ra, hàng loạt những tính năng mới, hoạt động mới liên tục được nghiên cứu phát triển để đáp ứng trọn vẹn nhất kỳ vọng từ cộng đồng.
2021 sẽ là một năm rực rỡ của game "Make in Vietnam"
Không hẹn mà gặp, có tương đối nhiều những tựa game được sản xuất bởi các Studio Việt đã, đang và sắp sửa được cho ra mắt trong 2021. Điểm chung của chúng là đã bước phát triển vượt bậc hơn hẳn về mặt đồ họa, gameplay, hướng khai thác và nhận được sự quan tâm lớn từ đông đảo cộng đồng, liên tục được đưa tin trang nhất. Dẫu 9 người 10 ý nhưng thực sự những sản phẩm "Make in Vietnam" này đã đánh thức lòng tự tôn trong chúng ta, chứng minh được rằng chúng ta hoàn toàn có khả năng tạo ra những sản phẩm có chất lượng, xứng đáng có được chỗ đứng trong làng game Việt Nam, thậm chí là thế giới.
Niềm tin và kỳ vọng về một "new phase" trong làng game Việt đang cháy hơn bao giờ hết. Mong rằng trong tướng lai, slogan "Make in Vietnam" đối với ngành game sẽ được truyền tải rộng rãi hơn, tinh thần "người Việt chủ động" sẽ được triển khai quyết liệt hơn, tất cả vì cộng đồng.