Với Call of Duty: Black Ops 4, có vẻ như nhà phát triển Treyarch và nhà phát hành Activision đã học được một vài bài học từ những sai lầm họ phạm phải trong quá khứ. Ví dụ như là game có thể không có phần chơi đơn chiến dịch truyền thống làm phật lòng một bộ phận fan của tựa game, nhưng có vẻ như nó cũng không ảnh hưởng đến doanh số game cho lắm. Nếu bạn nhìn vào số liệu về những người chơi Call of Duty đã hoàn thành phần chơi chiến dịch thì bạn sẽ hiểu tại sao. Hầu hết mọi người đều không quan tâm cho lắm đến phần chơi chiến dịch mà thường nhảy ngay vào chơi mạng Multiplayer.
Treyarch chỉ đơn giản là nhìn vào số liệu trắng đen rõ ràng rồi thích nghi mà thôi.
Thành công của Treyarch là một bài học to lướn mà nhiều series game khác có thể nhìn vào đó mà học hỏi. Và dưới đây là một số bài học tiêu biểu mà KenhTinGame rút tỉa được từ hiện tượng lang game năm nay mang tên Black Ops 4.
1/ Không nên chầy cối theo đuổi một chế độ chơi không hiệu quả
Bằng việc bỏ hẳn phần chơi đơn, Treyarch đã phá vỡ truyền thống của series game lâu đời này. Chính những trải nghiệm đầy tính điện ảnh là thứ đã hớp hồn người chơi và đưa Call of Duty lên một trong những vị trí trang trọng nhất của series trong vài năm gần đây. Nhưng thời gian thấm thoắt thoi đưa, series game dần dần hướng tới những trải nghiệm chơi mạng hơn. Và dù phần chơi đơn của những tựa game gần đây ngày càng được đầu tư nhiều công sức, thời gian, được đánh giá cao về chất lượng nhưng người chơi vẫn có vẻ không quan tâm đến nó cho lắm. Cứ thử xem cái cách Infinity Warfare đầu tư mạnh và chất lượng vào cốt truyện (sau ba cú hụt chân của Ghost, Advance Warfare và Black Ops 3 với cốt truyện nhạt nhẽo) rồi chỉ để nhận được sự đón nhận hời hợt của người chơi mà xem.
Và như thành công của Black Ops 4 đã chứng minh, truyền thống đôi khi không đáng để gìn giữ nếu nó không giúp được gì cho hiện tại. Thay vào đó, game cần phải thích nghi để đáp ứng được như cầu của game thủ, nếu người chơi không quan tâm đến chế độ chơi đơn thì không lí do gì cứ phải mất công mất tiền mà đầu tư vào nó cả. Bỏ phần chơi chiến dịch và đầu tư nhiều hơn vào chế độ Zombie, Battle Royale cùng chế độ chơi mạng PvP chất lương là một quyết định đúng đắn của Black Ops 4.
2/ Bạn có thể đuổi kịp xu hướng dù bạn chậm chân
Đú theo trend là câu nói cửa miệng của các game thủ vào thời điểm mà Black Ops 4 ra mắt. Ngày đó, thế giới game đâu đâu cũng xôn xao rằng “Call of Duty đã chết”. Vậy nhưng không chỉ thêm chế độ Battle Royale vào gameplay, COD: BO4 còn thêm, đẩy nặng yếu tố nhập vai, anh hùng vào phần chơi PvP nữa. BO4 có cho mình 10 lớp nhân vật đặc biệt như Breacher (Tanker), Crash (healer), Torque (Support) và một vài class khác nữa. Giống như trong Overwatch, mỗi người chơi tự do chọn cho mình một lớp nhân vật khác nhau và đóng một vai trò cụ thể khác nhau trong ván đấu.
Một số người có thể coi việc thêm yếu tố nhập vai anh hùng dạng MOBA đó vào một tựa game bắn súng chơi mạng tốc độ cao là một quyết định rủi ro. Không chỉ bởi vì nó khó làm cho ra “chất” mà còn bởi kiểu game FPS đó đã có hai tượng đại bất di bất dịch là Overwatch và Paladin cạnh tranh cản đường rồi. Dù Treyarch cũng đã thử qua kiểu game này với BO3 vào năm 2015 nhưng giờ cũng là thời điểm rất là muộn để tham gia vào cuộc chơi MOBA FPS rồi. Ấy thế nhưng bất ngờ thay, theo đánh giá phê bình, Treyarch đã cho thấy dù mang tiếng là “đú trend” nhưng bạn vẫn có thể thành công nếu có hướng tiếp cận khác biệt chắp cánh bởi sự đầu tư cẩn thận, đâu ra đấy.
3/ Một số tựa game được sinh ra chỉ để chơi mạng
Từng có một thời, khi Internet còn chưa phổ biến, chất lượng kết nối còn chưa cao; đó là cái thời mà game bắn súng chủ yếu được xây dựng dựa trên trải nghiệm chơi đơn với phần chơi mạng chỉ như một món ăn “đính kèm” cho những ai muốn nán lại thêm một chút sau khi những dòng Credits đã chạy hết mà thôi. Và đó, một thời gian dài, được coi là Call of Duty đích thực, mang đến cho những người yêu game trải nghiệm tuyệt vời không kém những bộ phim bom tấn trên màn ảnh rộng với những cuộc chiến khác nhau trong lịch sử nhân loại. Nhưng thời gian dần trôi, dần dà game thủ không còn ấn tượng với phần chơi đơn nhiều như họ họ ấn tượng với những pha “highlight” trên phần chơi mạng nữa.
Theo một số liệu thống kê đượm buồn, dù có bối cảnh được coi như một sự “tái sinh” cho series, một câu chuyện kinh điển, giàu cảm xúc. Nhưng chỉ có 38,2% game thủ trên Steam hoàn thành phần chơi chiến dịch của Call of Duty: WWII ra mắt năm ngoài, và con số đó còn ít hơn trên hệ máy Xbox với vỏn vẹn chỉ 22,4%; trong khi đó 90% nhảy luôn vào chơi mạng ngay khi mới chơi game mà chẳng thêm để mắt đến phần chơi chiến dịch.
Sự mất cân bằng đó đã chỉ ra rằng, một thời đại mới đã mở ra cho Call of Duty, thời đại của phần chơi mạng và chỉ chơi mạng mà thôi.
4/ Bạn có thể kể những câu chuyện ngoài lề của tựa game.
Dù Call of Duty: Black Ops 4 không có phần chơi cốt truyện truyền thống nhưng như vậy cũng có nghĩa rằng Treyarch vẫn có thể kể được những câu chuyện bên lề thú vị về các đặc vụ trong game qua dạng truyện tranh comic, ngắn gọn, súc tích, không quá dài dòng như phần chơi cốt truyện truyền thống nhưng vẫn đủ sức hấp dẫn với người chơi. Thay vì tập trung vào vài tiếng chơi đơn chóng vánh, họ quyết định chia nhỏ chúng ra thành từng miếng một của món ăn ngon lành mang hơi hướng “Vũ trụ Black Ops” như cách mà Marvel đã làm với MCU. Những đoạn Comic này được viết nên bởi những cái tên sừng sỏ nhất của ngành truyện tranh Comic như Greg Rucka, Chris Roberson, Adam Hughes, và Eric Wilkerson.
Dù Black Ops 4 không phải là series game đình đám đầu tiên dùng truyện tranh Comic làm ngôn ngữ dẫn chuyện. Halo, Mass Effect và nhiều series game đình đám khác đã áp dụng lối dẫn truyện này cho tựa game của mình. Tuy nhiên với Black Ops 4, những mẩu truyện này được đầu tư chiều sâu hơn hẳn, một phần câu truyện thực thụ chứu không phải thứ “mì ăn liền” để tiết kiệm kinh phí làm CGI như mọi khi. Những mẩu truyện Comic này, không chỉ mang mọi người trọn vẹn thông tin cần có không kém cách dẫn truyện truyền thống bằng cắt cảnh, CGI… với một nét hấp dẫn riêng chưa từng thấy nữa.
5/ Bạn nên lắng nghe những gì fan muốn
Dù phải hứng chịu biết bao lời dè bỉu, đàm tiếu; biết bao nhiêu gạch đá khi công bố những đoạn trailer đầu tiên của Black Ops 4. Ấy vậy nhưng theo lời Dan Bunting, đồng lãnh đạo Treyarch, studio cha đẻ của series Call of Duty Black Ops; quyết định đưa Call of Duty: Black Ops 4 thành một tựa game thuần chơi mạng là quyết định được đưa ra dựa trên cách chơi yêu thích của các game thủ Call of Duty .
“Khi lần đầu bắt tay vào làm phần chơi mạng của series Call of Duty, chỉ có 10% số game thủ từng chơi game bắn súng mang tính cạnh tranh cao. Nhưng tới năm 2015 hay 2016, con số bạn đang nhìn vào là 90% số người chơi… Nhìn nhận qua lăng kính đó, và lại đang cố gắng mang đến nhiều hơn cho người chơi, cách họ thích chơi. Đó là một quyết định khá là đơn giản.”
Với lượng lớn người chơi ưu tiên phần chơi mạng. Chuyển dịch sang trải nghiệm gameplay chỉ dành cho chơi mạng là một nước đi đầy hiển nhiên cho Treyarch. Và rõ ràng, studio đã biến Black Ops 4 thành một tựa game mà người chơi có thể tận hưởng cùng bạn bè trong hàng nhiều năm liền. Họ đã thành công đơn giản bởi họ hoàn thành được điều tưởng chừng như vô cùng hiển nhiên nhưng không phải tựa game nào cũng làm được: Mang lại cho fan những gì họ muốn.
6/ Thể loại game Co-op PVE đang trên đà trỗi dậy
Qua cái cách Treyarch PR cho Call of Duty: Black Ops 4 thì chúng ta có thể thấy rõ ràng rằng, không chỉ phần chơi Battle Royale được chú trọng, các chế độ game PvP quen thuộc được tút tát chỉn chu. Mà trải nghiệm game bắn zombie cũng được họ bỏ rất nhiều mồ hôi công sức phát triển nên thành một trong những trải nghiệm hay nhất của Call of Duty: Black Ops 4. Cái chế độ mà lúc mới xuất hiện trong Call of Duty: World at War năm 2007 chỉ được coi là phần chơi bonus thêm nhằm giữ chân người chơi sau khi đã hoàn thành phần chơi chiến dịch. Đã dần trở thành một trong những lí do chính đưa người chơi trở lại với Call of Duty mỗi năm. Ngày càng được đầu tư nhiều về lối chơi, cốt truyện, năm nay với những pha combat kiểu “Võ sĩ giác đấu” và những chiến phiêu lưu bên trong chiếc tàu Titanic xấu số. Chế độ Zombie đường như chưa bao giờ đạt được độ chín đến như vậy.
Không hề quá khi nói rằng Treyarch đã rất không ngoan khi tập trung vào phần chơi Co-op PvE, kiểu game này đang có xu hướng trỗi dậy trong vài năm gần đây qua các hiện tượng như Warhammer: Vermintide 2, Strange Brigade… dù không được đầu tư quá cao nhưng lại đạt được thành công rất đáng kể. Ấy là còn chưa nói tới hàng loạt tựa game lớn có, nhỏ có sắp ra mắt như Overkill’s The Walking Dead, World War Z, GTFO… nữa. Và việc ông lớn hàng đầu của thể loại game FPS sắn tay lên đầu tư cho ra trò mục chơi co-op 4 người PvE này đã mang lại thành công to lớn như mọi người đã biết.