Năm 2010 có lẽ sẽ là một năm đáng nhớ đối với các fan của game kinh dị sinh tồn khi cái tên Amnesia: The Dark Descent bất ngờ nổi bật lên giữa hằng sa số các tựa game cùng thể loại với cách thể hiện vô cùng độc đáo và sáng tạo. Tựa game khi ra mắt đã nhận về vô số lời khen ngợi từ cả người hâm mộ lẫn các chuyên gia đánh giá và trở thành một trong những game kinh dị bán chạy nhất trong lịch sử. Cho tới hiện tại đây vẫn được coi là một trong những tựa game kinh dị hay nhất từng được phát hành cũng như là thứ đã góp phần định nghĩa lại thể loại kinh dị tâm lý (psychological horror).
Vào đầu năm nay, Frictional Games, studio đứng đằng sau Amnesia: The Dark Descent cũng như SOMA đã bất ngờ công bố phần hậu bản Amnesia: Rebirth sẽ được ra mắt vào ngày 20/10 khiến cho làng game phải dậy sóng bởi mong muốn bấy lâu nay về một phần hậu truyện hoàn chỉnh của Amnesia của các fan giờ đã trở thành hiện thực. Vậy tại sao tựa game này lại có sức hấp dẫn và tầm ảnh hưởng quan trọng đến như vậy tới thế giới game?
Hồi sinh một thể loại đang lay lắt
Có thể nói thể loại game kinh dị chưa bao giờ ngừng thu hút người chơi kể từ lúc nó được khai sinh cho tới nay. Bắt đầu gây tiếng vang từ năm 1992 với Alone in the Dark, mức độ hấp dẫn của game kinh dị dần tăng lên vào cuối thế kỷ 20 với những tác phẩm kinh điển như Resident Evil (1996) và Silent Hill (1999) và tiếp tục bùng nổ sang những năm đầu thập niên 2000. Sự ra mắt của thế hệ console thứ 6 (PS2, Xbox, Gamecube) khiến cho game kinh dị càng có thêm đất dụng võ khi hàng loạt các sản phẩm chất lượng như Fatal Frame, Siren, Eternal Darkness: Sanity’s Requiem… lần lượt được ra đời. Tuy nhiên mọi chuyện bất ngờ thay đổi khi Resident Evil 4 được giới thiệu với công chúng.
Mặc dù được xếp loại là game kinh dị thế nhưng Resident Evil 4 gần như tập trung vào yếu tố phiêu lưu hành động hơn là hù dọa tâm lý của game thủ. Chính thành công ngoài sức tưởng tượng của trò chơi đã khiến một loạt các game kinh dị sau đó, đơn cử là series Silent Hill cũng phải chuyển mình đi theo hướng action và điều này đã khiến cho thể loại kinh dị tâm lý gần như bị xóa sổ, ít nhất là cho đến khi Amnesia: The Dark Descent được giới thiệu.
Chất kinh dị không đụng hàng
Không giống như những người hàng xóm của mình, The Dark Descent thiên về yếu tố giải đố và tìm đường hơn là cầm súng lên và đi càn thây ma như một vị thần. Thực tế, game hầu như chẳng có một cơ chế combat nào cả và cách duy nhất để chống lại những con quái trong game đó là sử dụng kế thứ 36 của Tôn Tẩn. Có thể nói đây là điều trước giờ chưa có tiền lệ trong thể loại kinh dị. Kể cả tựa game khai sinh ra thể loại psychological horror là Silent Hill cũng chứa đựng cho mình một gameplay combat riêng mặc dù nó khá là rối rắm. Chính vì thế nên người hâm mộ coi chất kinh dị trong The Dark Descent chính là đại diện cho những gì nguyên thủy nhất của thể loại trên.
Tuy sử dụng góc nhìn người thứ nhất thế nhưng The Dark Descent lại hướng tới việc tạo ra một môi trường khiến người chơi cảm thấy luôn bất an và bất lực với những thứ đang chống lại mình hơn là tập trung vào những màn jumpscare rẻ tiền khiến người chơi giật thót tim. Bên cạnh đó, game cũng giới thiệu cơ chế Sanity nhằm phản ánh tâm lý và mức độ tỉnh táo của nhân vật chính Daniel được thể hiện thông qua hình ảnh một bộ não. Cụ thể, nếu ở trong bóng tối hoặc giáp mặt đám quái vật quá lâu thì tâm lý nhân vật sẽ bắt đầu tệ dần theo thời gian, dẫn đến việc hình ảnh và âm thanh khi chơi trở nên méo mó và rối tung và nếu không cẩn thận thì sẽ bị gameover vì nhân vật chính lúc này đã trở nên điên loạn hoàn toàn. Chính nét gameplay độc đáo trên cùng bối cảnh tối tăm và đầy thù địch đã khiến Amnesia: The Dark Descent trở thành một trong những trải nghiệm đáng sợ nhất trong thế giới game.
Nỗi sợ hãi vô hình
Có một câu nói rất hay thường xuất hiện trong các bộ phim nổi tiếng : “Con người thường sợ những thứ họ không hiểu”. Và quả thật Frictional Games đã khai thác nỗi sợ trên một cách hoàn hảo trong Amnesia. Những căn phòng, ngõ ngách tối như đêm 30 chỉ có thể được thắp sáng bởi ngọn đèn dầu le lói, những con quái vật không rõ hình thù cùng âm thanh ớn lạnh, sự cô độc, mất phương hướng, không biết rõ chỗ nào an toàn và đặc biệt là cảm giác luôn bị một cái gì đó đang bám theo đã khiến cho người chơi luôn ở trong trạng thái căng thẳng bởi họ không biết mình đang phải đối mặt với điều gì. Với việc sử dụng góc nhìn người thứ nhất thì cảm giác sợ hãi trên còn được nâng lên gấp nhiều lần. Thực tế, một trong những trường đoạn kinh khủng nhất của game lại xảy ra từ rất sớm khi game thủ bắt đầu cuộc chơi (hay nói đúng hơn là cuộc chạy trốn của nhân vật chính). Hãy thử xem đoạn clip sau về trường đoạn trên và các bạn sẽ hiểu tại sao game lại đáng sợ một cách kinh khủng đến như vậy.
" alt=""
Lấy cảm hứng từ quá khứ để tạo ra hình mẫu mới
Mặc dù mang trong mình một chất kinh dị rất riêng thế nhưng không khó để nhận ra game lấy cảm hứng rất nhiều từ các tác phẩm kinh điển trước đó, đặc biệt là Silent Hill, trò chơi được coi là ông tổ của thể loại game kinh dị tâm lý. Cả Amnesia lẫn Silent Hill đều tập trung khai thác những nỗi sợ phản ánh chính nội tâm của nhân vật cũng như đều sử dụng âm thanh và hình ảnh để tạo ra một bầu không khí cực kì ngột ngạt để hù dọa người chơi. Không chỉ vậy, nếu để ý thì cơ chế Sanity của game chịu ảnh hưởng rất nhiều từ chức năng tương tự của những sản phẩm nổi tiếng trước đó như Clock Tower, Eternal Darkness.
Kể từ khi ra mắt cho đến nay Amnesia: The Dark Descent không chỉ giúp vực dậy thể loại game kinh dị mà còn trở thành hình mẫu cho không biết bao nhiêu tựa game sau này, trong số đó có thể kể đến Outlast, Layer of Fear và đặc biệt hơn cả là Resident Evil 7. Chính vì vậy nên không khó hiểu khi fan rất mong chờ vào phần hậu bản Rebirth sẽ được phát hành trong tháng tới. Chắc chắn dưới bàn tay nhào nặn của những con người làm nên thành công của The Dark Descent năm xưa, Amnesia: Rebirth sẽ là một cái tên không thể bỏ qua đối với các fan của thể loại psychological horror.