Bạn có biết thương hiệu Diablo từng 2 lần suýt chết? - PC/Console

Sau chuyện về Diablo Junior, hãy để cho Mọt kể bạn nghe về hai câu chuyện kinh dị khác xảy ra với Diablo và những người làm ra nó.

Tại ExileCon 2019, những người làm ra huyền thoại Diablo ngày nào đã chia sẻ với game thủ của mình một câu chuyện kinh dị thời họ còn làm việc cho Blizzard: cả Diablo lẫn Diablo 2 đều có lúc suýt nữa biến mất khỏi ngành công nghiệp game nếu không nhờ những sự may mắn tình cờ. “Không chỉ mã nguồn, mà tất cả mọi thứ. Bị hủy hoại đến mức không thể nào phục hồi được,” ông Max Schaefer, người từng giữ vị trí giám đốc sản xuất của Diablo 2 nói về một trong hai lần Diablo suýt chết trên.

Diablo suýt chết non

Có thể bạn chưa biết: ban đầu, đội ngũ phát triển Diablo không phải gọi là Blizzard North. Vào năm 1993, ba nhân vật David Brevik, Erich Schaefer và Max Schaefer thành lập một studio có tên Condor. David Brevik giữ ghế chủ tịch công ty trong khi hai anh em nhà Schaefer là các phó chủ tịch. Dự án game RPG theo lượt Diablo được các nhà sáng lập Condor viết ra và đem đến khoe với các nhà phát hành tiềm năng để tìm vốn đầu tư, nhưng họ liên tục bị từ chối với luận điểm “RPG đã chết” trước khi Blizzard thấy được dự án này vào tháng 1/1995.

Bạn có biết thương hiệu Diablo từng 2 lần suýt chết?

Vào thời điểm này, Blizzard vừa thành công rực rỡ với tựa game chiến thuật WarCraft: Orcs and Humans ra mắt vào năm 2014, nên họ tin rằng Diablo có tiềm năng lớn nếu Condor thực hiện hai thay đổi: chuyển nó thành một game thời gian thực và bổ sung tính năng multiplayer. Theo lời của Max Schaefer, Condor đồng ý với những thay đổi trên và ký một hợp đồng trị giá 300.000 USD để phát triển trò chơi, một khoản tiền “cực kỳ thiếu thốn,” nhưng không rõ con số này do Condor hay Blizzard định đoạt.

Thế là chỉ một năm sau ngày ký hợp đồng với Blizzard, Condor rơi vào rắc rối lớn về tài chính đến mức… không thể trả lương cho nhân viên, chứ đừng nói đến nộp thuế. “Chúng tôi không thể nộp thuế thu nhập. Đó là những khoản thuế chúng tôi giữ lại từ lương của nhân viên, và lẽ ra chúng tôi phải gửi chúng đến cho chính phủ. Chúng tôi không làm điều đó,” Erich Schaefer – em trai của Max Schaefer – kể lại. “Chúng tôi hoàn toàn sạch túi. Một buổi sáng nọ chúng tôi đến công ty và nhận được một thông báo kiểu “nộp thuế trong vòng ba ngày hoặc đi tù”.”

Bạn có biết thương hiệu Diablo từng 2 lần suýt chết?

May mắn là vào lúc này, Davidson & Associates – công ty mẹ của Blizzard thời bấy giờ – nhảy vào mua lại Condor. Họ đổi tên nó thành Blizzard North và bơm tài chính cho studio giúp Diablo tiếp tục được phát triển. Ông Erich nói rằng vụ mua lại này đến vào thời điểm không thể tuyệt vời hơn: “Mọi thứ rất khó khăn. Rất đáng sợ. Chúng tôi đã gom góp được một ít tiền, và may mắn là vụ mua lại biến chúng tôi thành Blizzard đã xảy ra đúng thời điểm để cứu mạng chúng tôi.”

Khi Diablo ra mắt, các lãnh đạo Blizzard dự tính trò chơi sẽ bán được 20.000 bản, rồi sau đó lần lượt nâng con số này lên 100.000 bản, rồi 500.000 bản khi họ nhìn thấy phản hồi hết sức tích cực từ phía báo giới. Kết quả mà Diablo đem lại vượt qua tất cả những con số đó: gần 2 tuần trước ngày ra mắt, Blizzard đã nhận được hơn 450.000 đơn đặt trước game, trong khi kế hoạch của họ chỉ là tung ra 500.000 bản chia làm nhiều đợt sau ngày ra mắt. Diablo cũng giữ vị trí game bán chạy nhất trên toàn cầu của PC Data trong suốt bốn tháng liền.

Vậy đấy các bạn ạ. Nếu studio Condor không được mua lại vào tháng 3/1996 – tức chỉ 9 tháng trước khi Diablo phát hành, có thể các nhà sáng lập Condor đã phải đi tù chứ không thể cầm cự được đến khi hoàn thiện trò chơi, và chúng ta sẽ không bao giờ có được thương hiệu Diablo ngày nay.

Chuyện về Diablo Junior, tựa game không bao giờ được thấy ánh mặt trời
Chuyện về Diablo Junior, tựa game Diablo không bao giờ được thấy ánh mặt trời
Diablo Junior là một trong nhiều tựa game mà Blizzard từng ấp ủ và hủy bỏ, nhưng nó khác với những dự án khác ở chỗ trò chơi bị hủy vì họ thiếu tự tin.

Diablo 2 gần như mất sạch

Vụ việc xảy ra trong quá trình phát triển Diablo 2, khi các dữ liệu của Diablo 2 mà đội ngũ phát triển game đang lưu trữ bị hư hỏng vì một lý do nào đó. “Chúng tôi lẽ ra phải có backup nhưng đã bỏ qua việc đó,” Erich Schaefer, trưởng dự án kiêm trưởng nhóm thiết kế của Diablo 2 cho biết. “Chúng tôi bỏ ra một hoặc hai ngày hoảng loạn vì điều đó.”

Để biết được vấn đề này nghiêm trọng đến mức nào, Mọt xin đưa ra cho bạn ví dụ về một trường hợp tương tự. Một tựa MMORPG có tên M2 do studio Sankando (Nhật) phát triển và do Hangame vận hành tại Hàn Quốc một cách bình thường đã vĩnh viễn biến mất khỏi internet vì… bị lỡ tay xóa bỏ trong một buổi bảo trì vào ngày 21/10/2011. Đoạn mã đó lẽ ra phải được lưu dự phòng đâu đó, nhưng cả nhà phát triển lẫn nhà phát hành đều không làm điều này. Nghe hơi khó tin, nhưng chẳng có lý do gì cả hai công ty lại bịa ra một câu chuyện đáng xấu hổ như vậy để ngụy trang cho việc đóng cửa game của họ.

Bạn có biết thương hiệu Diablo từng 2 lần suýt chết?

Trở lại với Diablo 2. Sau tai nạn nói trên, phiên bản Diablo 2 mà chúng ta được chơi hiện nay không phải là bản Diablo 2 mà Blizzard North đã phát triển từ ngày đầu. Trò chơi là bản chắp vá kiểu Frankenstein mà Blizard North xây dựng lại dựa trên một bản không hoàn thiện mà các lập trình viên của họ đem về nhà để chơi thử. Tuy nhiên họ vẫn đã mất những đoạn mã gốc và nhiều nội dung hình ảnh khác, và đây có thể là một phần lý do tại sao chúng ta chưa thể thấy Diablo 2 Remaster.

“Chúng tôi phải làm lại rất nhiều thứ đã mất dựa trên những gì mọi người có ở nhà,” ông Erich Schaefer nói. “Chúng tôi về nhà, rút ổ cứng hay bất kỳ thứ gì mình sử dụng, bỏ ra vài ngày xây dựng lại game – cuối cùng cũng chạy tốt, nhưng chúng tôi đã mất tất cả lịch sử làm Diablo 2. Chúng tôi mất rất nhiều nội dung hình ảnh. Blizzard sẽ rất khó làm Diablo 2 Remaster vì tất cả những gì chúng tôi đã sử dụng gần như mất sạch. Họ sẽ phải làm lại mọi thứ từ đầu.”

Nếu bạn còn nhớ, những tin đồn mà Mọt đăng tải trước khi BlizzCon 2019 diễn ra là việc Blizzard dự tính sẽ công bố Diablo 4, Overwatch 2 và Diablo 2 Remastered – hai trong số này đã trở thành hiện thực, nhưng Diablo 2 Remastered thì không.

Bạn có biết thương hiệu Diablo từng 2 lần suýt chết?

Sau Diablo 2, bộ ba David Brevik, Max Schaefer và Erich Schaefer rời khỏi Blizzard để thành lập những studio mới và những dự án mới. Hiện tại, David Brevik đang lãnh đạo Graybeard Games để phát triển tựa Action RPG có tên It Lurks Below cho PC và Xbox One, Max Schaefer dẫn đầu Echtra Games và dự án Torchlight Frontiers, còn Erich Schaefer sáng lập Double Damage Games và tung ra Rebel Galaxy vào năm 2018.

Nếu bạn là game thủ thì không thể bỏ qua Channel youtube hấp dẫn của Kênh Tin Game: http://bit.ly/2ByvA1e