Từ xưa ông bà ta từng nói chiếc áo không làm nên thầy tu, hàm ý nhắc nhở con cháu rằng trong bất cứ hoàn cảnh nào đừng vội đánh giá người khác thông qua hình thức bề ngoài. Nhưng ngày nay vật đổi sao dời, nhiều giá trị cũ đã dần mai một, gồm nhận định về cách ăn mặc.
Tất nhiên những lời dạy từ xưa vẫn có đạo lý của nó nhưng cũng phải ứng dụng linh hoạt cho phù hợp với tư tưởng và suy nghĩ của thời hiện đại nếu không muốn bị coi là lập dị. Vẫn biết vật chất bên ngoài không nói lên phẩm giá con người nhưng cứ thử đi đám tiệc hay sự kiện quan trọng mà tâm niệm chiếc áo không làm nên thầy tu rồi ăn mặc xuề xòa thử xem, có bị quan viên hai họ xem là kẻ quái dị hay không.
Miên man trong những suy nghĩ về ăn mặc, khi chơi game Mọt bất giác chuyển sự chú ý của mình sang gu thời trang cực đỉnh của đám nhân vật phản diện trong các tựa game kinh dị là một chuyện tự nhiên như ăn cơm uống nước hàng ngày vậy. Không quan tâm thì thôi, chứ để ý quan sát thì lại phát hiện ra nhiều thứ cũng hay ho lắm đó nha.
Bạn tin được không? Một vài kẻ phản diện đáng gờm trong game lại sở hữu gu ăn mặc phải nói là chất như nước cất, thừa sức khiến mọi chị em ngất trên cành quất nếu bỏ qua phần bối cảnh tiểu sử cùng hành vi quá rùng rợn của bọn họ. Vẫn chưa tin lắm à? Hãy đến với video ngày hôm nay, khi chúng ta làm một tour tham quan những bộ trang phục có thể trình diễn ở bất cứ sàn thời trang nào của đám nhân vật phản diện trong game kinh dị nhé!
Mr. X gợi nhớ đến đám mafia Chicago
Trong RE2, Mr.X là mối đe dọa thật sự với vẻ ngoài to lớn cùng sức mạnh và nắm đấm có thể hạ gục bất cứ kẻ nào dám cản đường hắn. Tôi biết so với với Saitama thì ngài X vẫn còn thường lắm nhưng đây là Raccoon chứ không phải Nhật Bản thế nên trong một thành phố chiếm đa số bởi bọn thây ma yếu nhớt thì nhân tố X vẫn là cái gì đó rất ra gì và này nọ.
Về cơ bản thì Mr.X là phiên bản cao cấp hơn của Tyrant T-103, được thả xuống thành phố Raccoon với hai nhiệm vụ chính là thu hồi G-Virus cũng như trừ khử bất cứ người nào còn sống sót tại đồn cảnh sát thành phố. Từ đó chúng ta có cuộc chạy đua kiểu “đố anh bắt được em” đầy kịch tính giữa hai gã đàn ông. Một cao lớn lực lưỡng với nước da màu xám và một đẹp trai lộng lẫy đúng chuẩn người tình trong mộng của mọi chị em phụ nữ.
Trong bản gốc Mr.X có bộ trang phục chiến đấu khá tiêu chuẩn, gợi nhớ đến những gã mật vụ KGB của Nga nhiều hơn là vũ khí sinh học. Thậm chí trong các bản phim CGI sau đó, phục trang của gã Tyrant không khá hơn là bao dù màu sắc đã được thay đổi cho ngầu hơn. Chỉ đến khi Resident Evil 2 Remake ra mắt thì Capcom mới thật sự có cú lột xác hoàn hảo cho nhân vật này khi khoác lên người gã bộ ba-đờ-xuy khiến ai cũng phải mlem mlem.
Đó là chiếc áo khoác màu đen đầy phong cách với phần ống tay được cách điệu bằng các khóa dây, phần ống quần cũng có bộ dây khóa khiến ta liên tưởng đến chiếc quần của Squall Leonhart trong Final Fantasy VIII hồi năm nào. Để cho gu thời trang thêm trọn vẹn chính là chiếc mũ phớt gợi nhớ đến những gã mafia hoành hành ở Chicago vào thập niên 50 của thế kỷ trước. Dù gây ra nhiều vụ án kinh hoàng nhưng không thể phủ nhận gu thời trang của đám tội phạm tại thành phố đông dân nhất tiểu bang Illinois vào thời kỳ này thật sự chất như nước cất.
Một điều thú vị khác là trong bộ đồ của ngài X, riêng cái mũ được nhóm thiết kế coi trọng đến mức làm hẳn một trophy mang tên Hats Off! nếu bạn bắn nó rớt xuống. So sánh với bộ suit của ngài X có thể tung hoành ở bất kỳ sàn diễn thời trang nào thì con Nemesis trong bản làm lại RE3 sau đó đúng kiểu nghèo hèn bẩn bựa với mớ bao nilon đen quấn trên người như vừa lượm đâu đó tại bãi rác thành phố vậy.
Billy nhỏ bé, nham hiểm nhưng cá tính
Không phải người đàn ông nào cũng quyến rũ khi khỏa thân nhưng nếu họ mặc suit thì ít nhất sẽ được cộng 3 điểm cho phần thanh lịch. John “Jigsaw” Kramer là một tên tội phạm thông minh và lịch thiệp thế nên con rối Billy, kẻ đại diện phát ngôn cho hắn ở mức độ nào đó cũng phải tỏ ra quyến rũ với bộ suit đen cùng nơ và khăn cài túi màu đỏ đầy sang trọng. Tất nhiên nếu đi hỏi các nạn nhân của ông ta thì câu trả lời của họ có thể không phải như vậy.
Nhắc đến series Saw hay ở đây là Saw: The Video Game là nhắc đến những cái bẫy chết người đầy rùng rợn nhưng không kém phần sáng tạo. Kết hợp cùng con rối Billy với câu cửa miệng: “Tôi muốn chơi một trò chơi”, hẳn ai cũng thấy rùng mình trước khi mọi giác quan bị bùng nổ với những pha sốt cà chua tung tóe khắp màn hình khi người thất bại.
Cái hay của trò chơi là truyền tải được không khí nặng nề từ bộ phim, khi chúng ta đang chạy đua với thời gian nhưng vẫn phải giữ cái đầu lạnh để đưa ra những quyết định cũng như pha xử lý chính xác để giành quyền được sống. Khác với các thể loại kinh dị ma quỷ hay sinh tồn thường thấy, chất kinh dị của Saw nằm ở cảm giác “thấy đau giùm” các nhân vật qua những trò hành xác mà nghe thôi cũng đủ rợn tóc gáy rồi.
Trong không khí tang thương ấy mà ngồi bàn về thời trang có khi nào lạc quẻ quá hay không? Tùy nhận định của bạn nhưng Mọt thấy vẫn hợp lý vì bản thân những cái bẫy của Kramer xét về mặt nào đó cũng là một dạng mỹ học về bạo lực rồi. Trở lại vấn đề chính thì Kramer rất thông minh khi lựa chọn một trang phục vô cùng ấn tượng và hợp thời cho Billy. Thậm chí các chi tiết nhỏ như chiếc xe ba bánh và những đường xoắn ốc màu đỏ đặc trưng trên gò má là những điểm nhấn tinh tế khiến Billy ấy trở nên vô cùng cá tính, một điều rất cần thiết cho thời trang.
Slenderman, quý ông tay dài lịch lãm
Tiếp tục với nhưng bộ suit lịch lãm của các quý ông, chúng ta không thể không nhắc đến ngài Slenderman trong Slenderman: The Curse. Là kẻ bước ra từ một trong những creepypasta nổi tiếng nhất trên mạng, Slenderman luôn luôn xuất hiện với ngoại hình của một quý ông thanh lịch, bất chấp không khí kinh dị mà thanh niên này mang lại. Bỏ đi cánh tay dài quá khổ cùng gương mặt bị thiếu ngũ quan thì rõ ràng form người của gã tỏ ra hoàn hảo với bộ suit đang mặc.
Kết hợp cùng chiếc cà vạt màu đỏ và thân hình cao gầy khiến Slenderman trông có gì đó rất hào hoa nhưng không kém phần thân thiện. À đó là những nhận xét trước khi bạn trở thành một trong những nạn nhân của gã và bị truy đuổi gắt gao. Về bối cảnh thì Slenderman: The Curse diễn ra tại một khu rừng tăm tối, vậy nên ngoài sự thời trang thì bộ suit đen thật sự là một món “vũ khí” ngụy trang tuyệt vời. Nó giúp gã sát nhân nổi tiếng dễ dàng ẩn nấp trong bóng tối và tiếp cận con mồi một cách dễ dàng.
Chắc bạn sẽ nghĩ chiếc cà vạt đỏ nổi bật của Slenderman sẽ giúp bạn phát hiện gã từ xa và dễ dàng chạy thoát, nhưng hãy bỏ suy nghĩ ngây thơ ấy đi, vì Slenderman chưa bao giờ để trượt con mồi của mình cả. Trừ khi bạn có hào quang của nhân vật chính. Ngoài ra gã còn thích khủng bố tinh thần nạn nhân trước khi xử lý họ. Thế nên dựa trên thói quen này thì chiếc cà vạt đỏ giống một lá thư báo tử hơn là còi báo hiệu.
Nghĩ mà xem, chẳng còn gì đáng sợ hơn việc bạn biết cái chết đang đến gần nhưng bạn lại không cách nào bỏ chạy khỏi nó. Một vấn đề khác về thời trang của Slenderman chính là làn da trắng bệch không tì vết chẳng khác gì vừa được vò bằng bột giặt Omo. Sự kết hợp giữa trắng của làn da và đen của bộ suit tuy hơi cổ điển, nhưng nó chắc chắn là một tổ hợp tinh tế và phù hợp bất chấp thời đại. Nhìn từ xa trông Slenderman chẳng khác gì một quý ông lịch lãm với trang phục hợp thời, trước khi gã đến gần và kết liễu bạn.
Ramon Salazar và gu thời trang Phục Hưng
Sau 3 nhân vật vật lịch lãm cùng những bộ suit của họ, đã đến lúc khai phá một ngõ ngách hoài cổ hơn của thời trang và không ai làm điều đó tốt hơn Ramon Salazar. Dù là một trong các nhân vật phản diện chính của Resident Evil 4 thế nhưng không phủ nhận Salazar có một gu thời trang hết sức tinh tế. Nhiều người sẽ cho rằng Leon mới là thỏi nam châm thu hút chị em phụ nữ (và không ít nam game thủ) nhưng thực tế outfit của tay nhân viên chính phủ cũng thường thôi.
Thứ làm cho nó nổi bật chính là cái sự đẹp trai không lối thoát của ngài Lỏn. Trong trường hợp này chúng ta có thể suy luận ngược lại, chính thầy tu đã làm nên chiếc áo. Ramon Salazar không có nhiều lợi thế về mặt ngoại hình như hot boy Leon. Nếu nhân vật chính của RE4 cao đến tận mét tám, sở hữu gương mặt thư sinh đầy góc cạnh. Chút phong trần sau nhiều nhiều chinh chiến không làm ngài Lỏn bớt đẹp trai, chỉ khiến chất nam tính ngày càng nồng nặc. Vậy Salazar có gì?
Sở hữu tầm vóc khiêm tốn, dù đã mang giày đế độn và rướn người hết cỡ thì vẫn không chạm đến mức 1m3 trên thước đo chiều cao. Phối hợp hết sức ăn ý với chiều cao tính từ trên trời xuống đỉnh đầu là là bộ mặt nham hiểm, già khú đế do tác dụng phụ của ký sinh Las Plagas. Thật ra Salazar chỉ mới 20 tuổi mà thôi nhưng do say mê với sức mạnh và tin vào tà thuyết của giáo chủ Osmund Saddler, hắn đã khiến bản thân người không ra người quỷ không ra quỷ. Gương mặt của Salazar rất hợp với câu phường mặt chuột tai dơi, không phải gian cũng là tặc.
Tóm lại ngoài thân phận quý tộc thì Ramon Salazar chẳng khác gì một căn nhà chưa xây xong vì không có cửa để sánh với Leon Kennedy. May hay hắn còn một điểm vớt vát lại chút đỉnh, đó là thời trang. Đừng vội xem thường gu ăn mặc của hắn ta, có thể nó không hợp thời bằng Leon nhưng rõ ràng đây là kiểu trang phục rất được ưa chuộng vào thời Phục Hưng. Thời kỳ Phục Hưng hay Renaissance mang ý nghĩa “tái sinh”, bắt đầu từ cuối thế kỷ 14 đến khoảng năm 1600. Xu hướng này ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực về văn hóa nghệ thuật, bao gồm cả trang phục.
Có thể thấy dù là một quý tộc tân thời nhưng Salazar lại rất ưa chuộng phong cách thời trang của thời kỳ này nên cách ăn mặc của gã mới đầy chất nghệ thuật như vậy. Thêm vào chút yếu tố lấy cảm hứng từ bọn cướp biển Tây Ban Nha, thể hiện thông qua chiếc mũ “tone sur tone” với áo khoác. Có thể nói Ramon Salazar là một trong các nhân vật phản diện có gu ăn mặc đậm chất nghệ sĩ nhất Resident Evil 4 dù cấu hình bề ngoài của gã không hề hợp chuẩn để trở thành người mẫu.
Theo dõi Kênh Tin Game để không bỏ lỡ những bài viết hay về game nhé