Breakout 13: Lò đào tạo trẻ hư

Breakout 13 là tựa game về một nhóm các bạn trẻ bị gửi vào trại giáo dưỡng mà không hề biết đó sẽ là chốn địa ngục trần gian

Đối với bạn, thế nào là một đứa trẻ hư? Là mấy đứa nghiện chơi điện tử, mê mẩn với thế giới ảo đến mức sao nhãng việc học hành? Hay những đứa thích tụm năm tụm ba, lê la suốt ngày ngoài đường với những hành vi hư thân mất nết? Hoặc đơn giản hơn là những đứa trẻ bất cần thích cãi lời cha mẹ bất kể bản thân đúng hay sai?

Thật lòng đi, sau khi nghe tôi nói xong, chắc chắn bạn sẽ nghĩ những đối tượng mà tôi nói đến đều là những đứa trẻ hư, đúng chứ? Có phải bạn nghĩ, ngoan ngoãn phải là những cô cậu bé biết nghe lời và lễ phép với người lớn, bảo gì làm nấy đúng không? Bởi vì thành thật mà nói thì nếu có con, ai mà chẳng muốn con mình giống con nhà người ta, nhỉ?

Vậy sẽ thế nào nếu tôi nói với bạn, có một nơi có thể khiến con bạn từ một đứa hư hỏng thành bé ngoan, biết nghe lời và làm theo mọi chuyện mà cha mẹ yêu cầu? Con bạn sẽ được nuôi dạy trong một ngôi trường kỷ luật, được tập thể dục đúng giờ, ăn đúng buổi, học tập và làm bài đầy đủ. Đổi lại chúng sẽ phải chấp nhận bị giáo dục theo kiểu thương cho roi cho vọt và phạt nặng nếu vi phạm bằng nhiều hình thức khác nhau.

Đó là điều tôi muốn thảo luận ngày hôm nay khi chúng ta cùng xem qua một tựa game mang tên Breakout 13. Có nội dung kể về nhóm bạn trẻ bị đưa vào trường giáo dưỡng Nam Dương để trở thành những đứa trẻ ngoan đúng nghĩa. Hãy xem, liệu chúng sẽ trải qua những gì và thay đổi ra sao khi vào trường giáo dưỡng? Liệu bạn có muốn đưa con mình đến một nơi như thế không? Chà… không dài dòng nữa, chúng ta bắt đầu thôi nào.

Câu chuyện những đứa trẻ hư

Câu chuyện trong Breakout 13 xoay quanh cậu thiếu niên Trương Dương với biệt tài chơi game xuất thần như Faker. Bạn bè rất hâm mộ khả năng gánh team của Trương Dương khi combat nhưng mẹ cậu và giáo viên chủ nhiệm lại không nghĩ đó một tài năng đáng để tự hào Ngược lại họ còn cảm thấy phiền lòng vì đang năm cuối cấp mà Trương Dương lại cúp học đi chơi quá nhiều. 

Cuối cùng trường trung học quyết định đuổi học cậu để tránh ảnh hưởng đến các bạn khác. Lo sợ con trai quá mê mẩn với thế giới ảo, nghe lời quảng cáo mẹ Trương Dương gửi cậu đến trường Nam Dương để giáo dục lại tư tưởng cho cậu. Dù đượcgọi là trường nhưng thật ra Nam Dương vốn là khu trại giáo dưỡng do hiệu trưởng Dương Vĩnh Ân lập ra nhằm đào tạo con ngoan trò giỏi chuẩn quốc gia.

Dĩ nhiên là trại giáo dưỡng chứ không phải trường học nên ông ta chấp thuận các phương pháp phản sư phạm, miễn là đạt kết quả mong muốn. Vừa đến nơi Trương Dương đã bị phạt vì dám chống đối giáo viên. Trong lúc tìm đường thoát ra ngoài thì xui xẻo bị bắt lại. Thế là bịđưa vào phòng số 13 để các giáo viên lấy đức phục người. Quá trình này không hề dễ chịu và cậu chỉ được thả sau khi chịu mở miệng nhận sai.

Đó chỉ là sự phục tùng tạm thời bởi Trương Dương vẫn tiếp tục bắt tay với cậu bạn Trần Tùng lập kế hoạch trốn ra ngoài. Họ dự định sẽ chuồn đi vào ngày lễ Cảm Ơn bằng cách trốn vào xe chở nhu yếu phẩm. Bước đầu của kế hoạch diễn ra suôn sẻ, Trần Tùng đánh lạc hướng nhóm học viên tuần tra. Cùng với sự giúp đỡ của cô bạn mới quen Thôi Nam Nam, Trương Dương thành công trốn lên xe chở hàng.

Tuy nhiên Trương Dương bị một phen hú hồn khi xe ra gần đến cổng thì bị chặn lại kiểm tra. Dù cậu bạn Giang Hoằng Văn đã phát hiện có người bỏ trốn, nhưng vẫn giữ im lặng vì hy vọng có ai đó sẽ thoát ra ngoài để phơi bày các bí mật đen tối tại trường Nam Dương. Đáng tiếc ngôi trường này ở nước ngoài, trong khi Trương Dương lại không biết tiếng Anh nên cậu không thể giao tiếp với người dân để cầu cứu.

Cuối cùng một người dân quyết định giúp đỡ cậu nhưng Trương Dương không ngờ đó là tay sai của hiệu trưởng Dương Vĩnh Ân. Trên đường bị áp giải về trường, gã hiệu trưởng còn chơi trò đả kích tâm lý bằng cách gọi cho mẹ của Trương Dương. Trong cuộc nói chuyện, dù cậu có kêu cứu như thế nào thì bà mẹ vẫn nghĩ con mình chứng nào tật nấy nên không tin. Thậm chí bà còn nhờ hiệu trưởng giúp con bà trở thành một đứa trẻ ngoan.

Về đến ngôi trường, Trương Dương bàng hoàng khi nhận ra Trần Tùng đã lựa chọn phản bội cậu để được về nhà sớm. Trước khi chia tay, Trần Tùng nói với Trương Dương nên sớm trưởng thành và thoát khỏi thế giới game, vì cuộc đời không dễ dàng như một trò chơi điện tử. Thật ra từ khi bị bắt lại, tự bản thân Trương Dương đã thấm thía được nhiều điều. Game là game và đời là đời, không có chuyện được làm lại khi thất bại như thế giới ảo.

Trương Dương bị nhốt vào buồng tối và trừng phạt trong suốt 15 ngày. Quá trình này khiến cậu ngoan ngoãn hẳn ra, thậm chí còn trở thành tay sai đắc lực cho hiệu trưởng để giám sát các học sinh khác. Nhưng cũng nhờ làm việc cho hiệu trưởng, Trương Dương mới biết còn rất nhiều học sinh khác cũng đang lên kế hoạch chống lại hiệu trưởng. Lúc này cậu đang phân vân khi Dương Vĩnh Ân ra điều kiện, chỉ cần tìm ra ai có ý định chống đối, Trương Dương sẽ được về nhà.

Đứng trước những lựa chọn đó, Trương Dương ban đầu muốn hy sinh những người khác để được sớm về nhà, nhưng khi hiểu rõ hơn về đời tư của những bạn học khác cậu lại lựa chọn giúp họ che giấu. Cứ mỗi lần như vậy, Trương Dương lại đối diện với hình phạt của hiệu trưởng, nhưng chúng không những không làm Trương Dương suy yếu, ngược lại còn làm cậu kiên định hơn với sự lựa chọn của mình.

Trong kết thúc tốt đẹp, Trương Dương đã quyết định hợp tác cùng 4 học sinh khác là Tề Miểu, Thôi Nam Nam, Giang Hoằng Văn và Từ Sơn Oa. Năm người lập kế hoạch vạch trần sự đen tối tại Nam Dương với giới truyền thông nhằm giải thoát toàn bộ những học sinh trong trường. Đáng tiếc kết quả vẫn là ẩn số vì đó là nội dung của phần game tiếp theo sẽ được cập nhật trong tương lai.

Với bad ending, Trương Dương vẫn nghĩ cuộc đời là một trò chơi đơn giản mà trong đó cậu đóng vai nhân vật chính. Thế nên để né tránh phải đối mặt với thực tại, Trương Dương quyết định tố cáo những học sinh khác để đổi lấy một vé về nhà. Việc đó khiến hiệu trưởng vô cùng hài lòng vì kế hoạch giáo dục tẩy não của ông ta đã thành công. Cậu đã về nhà như hứa hẹn, nhưng hạnh phúc đó của cậu lại được đổi bằng bất hạnh của những bạn học khác.

Góc khuất của những đứa trẻ

Có thể nói, Breakout 13 là một tựa game dạng video tương tác được xây dựng không khác gì một bộ phim truyền hình với cốt truyện gây cấn nhưng cũng có quá nhiều tình tiết khiến ta cảm thấy nhói lòng.. Theo chân nhân vật chính, người xem không chỉ thấy được sự thật tàn khốc tại môi trường phản giáo dục đến mức điên rồ tại Nam Dương mà còn nhận ra sự trưởng thành theo thời gian của Trương Dương.

Mở đầu trò chơi, ta sẽ thấy một Trương Dương vô tư như bao cậu thiếu niên khác. Cậu ta nghịch ngợm ham chơi, mê game hơn học, tự cho mình hiểu biết mọi thứ và liều lĩnh bốc đồng. Đối với Trương Dương, cuộc sống cứ đơn giản như một trò chơi và cậu có thể làm chủ mọi thứ. Tuy nhiên khi thấy Thôi Nam Nam bị phạt vì mình, Trương Dương mới nhận ra đời không như game. Lựa chọn liều lĩnh của cậu, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến người khác.

Hình ảnh Trương Dương cầu xin hiệu trưởng hãy phạt mình thay vì Nam Nam, bò đến nắm tay cô dù bị thương chính là bước ngoặt lớn nhất cho thấy cậu đã trưởng thành. Trong 15 ngày bị giáo dục đặc biệt, Trương Dương dần trở nên mất đi ý chí cá nhân chỉ còn biết vâng lời như một cỗ máy. Tôi tự hỏi liệu cậu ta có đáng phải chịu đựng những gì xảy ra tại Nam Dương để trở thành hình mẫu con nhà người ta hay không?

Nửa đầu trò chơi, gam màu trong game được sử dụng rất tươi sáng, gương mặt của Trương Dương cũng rất rạng rỡ. Dù trải qua những nhọc nhằn ở ngôi trường khắc nghiệt, cậu vẫn rất toát lên được sự vô tư thoải mái. Nhưng từ sau khi bị phạt 15 ngày, màu sắc của phim đã trở nên ngột ngạt và u ám. Đó là sự ẩn dụ phản ánh nội tâm Trương Dương từ một linh hồn trong trẻo giờ chẳng khác gì cỗ máy chai lỳ đến vô cảm.

Đây là đứa con ngoan mà mọi bậc phụ huynh đều muốn hay sao? Nếu đúng là vậy, thì họ nên tạo ra một cỗ máy hay một con robot chuyên phục tùng mệnh lệnh. Chứ không tạo ra một sự sống có tâm tư tình cảm độc nhất vô nhị nhưng lại muốn nó hành xử chính xác tuyệt đối như một cỗ máy. Khung cảnh của trò chơi chỉ tươi sáng trở lại khi Trương Dương tiếp xúc với nhóm bạn của Giang Hoằng Văn, Tề Miểu và Từ Sơn Oa.

Niềm hy vọng trở lại rõ ràng nhất trong phân cảnh khi Trương Dương phát hiện Từ Sơn Oa lén lút nuôi một chú chó trong khuôn viên trường. Trương Dương ban đầu có ý báo cáo với hiệu trưởng nhưng khi bị cậu bạn nói “Cậu thì hiểu cái gì? Nó là bạn của tôi.” thì sự lương thiện của một đứa trẻ đã trở lại. Một câu nói tưởng chừng như rất đơn giản của Từ Sơn Oa giống như công tắc kích hoạt tình cảm trong lòng Trương Dương. 

Con người chúng ta khác với máy móc ở chỗ chúng ta có tình cảm, biết vui buồn và cũng có lòng trắc ẩn. Cho dù Trương Dương có bị hiệu trưởng tẩy não, nhưng thứ tình cảm đó vẫn tồn tại trong tim cậu và không điều gì có thể làm nó chai sạn như lẽ thường nhân chi sơ tính bổn thiện vậy. Theo giới thiệu của Breakout 13, những học sinh bị đưa đến Nam Dương đều có xuất phát điểm khá giống nhau. Đứa thì mê chơi hơn học, đứa thì cứng đầu quậy phá.

Thế nhưng trong suốt trò chơi, tôi đã nhiều lần tự hỏi những cô cậu thiếu niên đó hư hỏng chỗ nào? Chúng đều là những đứa trẻ tràn đầy tinh thần trách nhiệm, biết nghĩ cho người khác. Thậm chí biết đứng ra bảo vệ bạn bè hay sẵn sàng hy sinh vì lẽ phải. Phải chăng, thứ duy nhất những đứa trẻ ấy làm sai là không trở thành đứa con hoàn hảo trong mắt cha mẹ? Là không thể trưởng thành theo đúng khuôn mẫu mà các bậc phụ huynh kỳ vọng? 

Vậy đã bao giờ, họ lựa chọn gác cái tôi lại để ngồi xuống tâm sự cùng con cái chưa? Người lớn từng là trẻ con nhưng trẻ con cần thời gian mới trở thành người lớn được. Rất ít người trưởng thành có thể dẹp bỏ cái tôi quá lớn của bản thân để trò chuyện với con như những người bạn. Đa phần luôn là “tất cả đều vì tốt cho con”. Tôi biết cha mẹ nào cũng thương con, sợ chúng lầm đường lạc lối, nhưng đã bao giờ họ tự hỏi, liệu họ thật sự hiểu những gì mà đứa trẻ cần không?

Tôi sẽ không phê phán việc phụ huynh đưa con đến những trại hè như thế là đúng hay sai. Vì Trương Dương chỉ thật sự trưởng thành khi trải qua những khó khăn gặp phải ở nơi này, nhưng cách hiệu trưởng Dương Vĩnh Ân áp dụng để uốn nắn những đứa trẻ vào khuôn phép chắc chắn không đúng. Thật ra Vĩnh Ân khắc nghiệt như vậy vì bản thân ông ta cũng có quá khứ đau buồn, vì dường như chính những đứa trẻ ngỗ ngược đã tước đi mạng sống người ông yêu thương.

Đáng hận làm sao khi kẻ tổn thương lại muốn tổn thương người khác. Những gì mà ông ta đang làm, chẳng qua chỉ để che lấp cho sự hổ thẹn và dằn vặt của bản thân mà thôi. Còn những đứa trẻ bị buộc phải trải qua các biện pháp phản giáo dục ở đây chẳng hề liên quan đến quá khứ của ông ta, nhưng phải mang tâm lý ám ảnh đến hết đời.

Khi nào phần tiếp theo của Breakout 13 ra mắt, tôi chắc chắn sẽ làm một video về nó. Bởi hơn cả một trò chơi, Breakout 13 được dựng lên từ câu chuyện có thật trong quá khứ, nói về lời kêu cứu của những đứa trẻ bị xem là ngỗ nghịch trong trại giáo dưỡng. Còn video hôm nay chúng ta tạm dừng tại đây thôi, bạn nghĩ thế nào về câu chuyện trong Breakout 13? Hãy để lại bình luận bên dưới cho Mọt tôi biết nhé. Xin chào, tôi là Kênh Tin Game, cảm ơn các bạn vì đã đến đây. Tạm biệt!

Theo dõi Kênh Tin Game để không bỏ lỡ những bài viết hay về game nhé