Khi nói về thành bại của một trò chơi, có rất nhiều nguyên nhân để phân tích mổ xẻ như đồ họa game quá xấu, cốt truyện nhàm chán hay lối chơi thiếu đột phá so với phiên bản trước (nếu đó là sequel). Với các thương hiệu nổi tiếng còn có một nguyên nhân khiến thất bại của chúng bị phóng đại vô số lần, đó chính là là sự kỳ vọng từ thành công trong quá khứ. Tết đã đến nơi rồi, hãy cùng nhìn lại những thất bại thê thảm và đau đớn trong thập kỷ vừa qua của làng game. Trong số đó, có những thất bại đau đớn chỉ vì không đáp ứng được kỳ vọng của người hâm mộ, cũng có những cú flop đơn giản chỉ vì trò chơi thật sự quá kém cỏi.
Duke Nukem Forever nên bị lãng quên mãi mãi
Trong nhiều năm Duke Nukem Forever cứ như một đứa con cưng của các tay biên tập viên mỗi khi họ muốn nhắc đến thứ gì đó thật tuyệt vời nhưng phát triển mãi mà không thể hoàn thành. Chính xác đây là kiểu tâm trạng khi yêu mà chờ mãi người kia không gật đầu cho đám cưới hay các fan hâm mộ hard rock phải chờ tận 11 năm để thấy được album Chinese Democracy của Guns N’ Roses được chính thức phát hành. Hy vọng càng nhiều thì thất vọng càng lớn, ra mắt năm 2011, Gearbox Software đã khiến công chúng sửng sốt sau đó thốt lên câu chửi thề với cái thứ mà mình nhận được. Tóm lại Duke Nukem Forever là một trò chơi tệ hại với lối chơi lỗi thời cùng nhân vật chính thậm chí còn lỗi thời hơn. Đáng buồn hơn dù được hoàn thành bởi Gearbox Software nhưng quá trình phát triển qua dài khiến nhiều yếu tố trong game mang phong cách của một NSX khác nhau dẫn đến việc có muốn chửi hãng làm ra Duke Nukem Forever, có lẽ người hâm mộ cũng chẳng biết phải gọi hồn ai. Trò chơi này đã tiêu tốn 17 năm thực hiện, qua 4 lần làm lại dưới tay của tận…5 studio. Mặc dù trải qua khoảng thời gian dài như vậy, nhưng khi ra mắt, Duke Nukem Forever chẳng khác nào một cú tát thẳng vào mặt những người hâm mộ, đặc biệt với những ai đã trót mê phiên bản Duke Nukem 3D năm 1996.
Ăn mày quá khứ không dễ với Mighty No. 9
Công bố vào năm 2013, tựa game Mighty No. 9 được hậu thuẫn bởi nhà thiết kế lừng danh đồng thời là cha đẻ của thương hiệu Mega Man, ông Keiji Inafune. Theo đó nhà thiết kế cùng studio Comcept do mình thành lập sau khi rời Capcom vào năm 2010 sẽ mở dụ án gây quỹ trên Kickstarter cho tựa game Mighty No. 9. Phi vụ cường cường liên hợp này đã khiến cho hàng triệu fan hâm mộ Mega Man trên toàn thế giới vỡ òa trong sung sướng. Cảm giác lâng lâng trên mây này nhanh chóng chuyển hóa thành các lợi thế về kinh tế khi dự án quyên góp để sản xuất game trên Kickstarter nhanh chóng thu về hơn 4 triệu đô la trước khi kết thúc hạn chót. Khi tuần trăng mật trôi qua, tiếp đến sẽ là chuỗi ngày dập mật, sau 3 lần trì hoãn cùng hàng chục lần hứa hẹn khác nhau mà lần sau càng khiến người ta dễ nổi nóng hơn lần trước. Cuối cùng thì Mighty No. 9 cũng được trình làng nhưng hóa ra nó chẳng khác gì một bản đạo nhái không hoàn chỉnh thậm chí bị lỗi nặng của Mega Man với những nét tinh túy bị lược bỏ không thương tiếc, trong khi các yếu tố cải tiến mới tỏ ra quá kém cỏi. Đồ họa tầm thường, lồng tiếng đơn điệu, gameplay chẳng có chút gì gợi nhớ tới dòng game Mega Man là những điều bị người ta phàn nàn nhiều nhất mà game thủ có thể bắt gặp khi đọc các nhận xét về Mighty No. 9 trên Steam.
Aliens: Colonial Marines bị kiện vì quảng cáo láo
Aliens: Colonial Marines là tựa game FPS được phát triển bởi Gearbox Software và phát hành bởi Sega trên ba hệ máy PC, Xbox 360 và PS3. Đúng với tên gọi, Colonial Marines sẽ tập trung khai thác bối cảnh và các sinh vật ngoài hành tinh trong dòng phim Aliens. Về cách chơi, Aliens: Colonial Marines là tựa game bắn súng theo nhóm, trong đó người chơi sẽ chỉ huy 4 đồng đội khác thuộc đội lính thủy Colonial Marines, với những tính cách và vũ khí đặc trưng khác nhau. Miêu tả nghe rất hay nhưng thực tế lại vô cùng tệ hại khi Aliens: Colonial Marines không nhận bất cứ sự tán đồng nào từ game thủ. Thậm chí đơn vị phát triển và phát hành còn bị kiện bởi sự gian dối khi thực hiện chiến dịch quảng cáo tại E3 năm 2011. Một lần nữa Gearbox là đơn vị hoàn công cuối cùng nhưng khác với Duke Nukem Forever, lần này họ đã bị chỉ mặt réo tên từ chính NPH SEGA. Trong vụ kiện dân sự nói trên SEGA đã phải tốn 1.25 triệu đô la bỏ tiền chuộc mạng nhằm thoát khỏi vũng lầy càng nhanh càng tốt còn Gearbox cùng những NSX đã góp phần tạo nên Aliens: Colonial Marines sẽ bị sỉ nhục vĩnh viễn vì tạo ra một mớ hỗn độn bao gồm lỗi khiến kẻ thù di chuyển mà không quan tâm đến sự có mặt của nhân vật chính hoặc hoàn toàn bất động, vấn đề bắt nguồn từ lỗi đánh máy trong mã nguồn của trò chơi.
Phần đầu tiên thảm họa của Final Fantasy XIV
Trước khi gắn cái tên A Realm Reborn vào phía sau thương hiệu của mình thì Final Fantasy XIV chỉ là một sự ô nhục không hơn không kém. Trước khi có MMO, Final Fantasy đã là một thương hiệu đắt khách từ nhiều năm trước. vào năm 2003, Square Enix muốn thu hút thêm từ lĩnh vực online và thế là FF XI ra đời. Nếm trải ngon ngọt từ sự thành công của phiên bản này này, NSX quyết định tung ra FFXIV vào năm 2010 đáng tiếc đó lại là một thất bại vô cùng đau đớn khiến Square Enix mất cả danh và lợi. Theo nhiều đánh giá có uy tín, đây thật sự là một mớ hỗn độn kinh khủng từ đầu đến cuối. Một tựa game online thu phí khi bị chê dở có thể vấp ngã ở vài khía cạnh như nhiệm vụ nhàm chán, kết nối không ổn định, thu phí không tương xứng với chất lượng, nội dung chưa hoàn chỉnh hay giao diện người dùng xấu tệ… Những người làm ra Final Fantasy XIV không rõ do bẩm sinh hay rèn luyện lâu ngày mà thành, họ đã rất rất rất tài năng khi khiến cho trò chơi vướng hết vào những lỗi mà người ta có thể nghĩ ra để đánh giá một tựa game online là kém cỏi. 49 điểm chắc chắn là sự sỉ nhục lớn nhất mà một trang tổng hợp chấm điểm như MetaCritic có thể dùng để đối xử với một thương hiệu lâu năm như Final Fantasy. May thay mọi chuyện bắt đầu tốt hơn kể từ bản cập nhật A Realm Reborn nhưng dẫu sao FFXIV cũng đã có một quá khứ đáng quên.
Harry Potter: Wizards Unite bị nguyền rủa
Những tựa game bị định danh là kẻ kế thừa của di sản nào đó thường thất bại khá thảm hại khi ra mắt, đây là vấn đề thuộc về sức ép của sự kỳ vọng nhiều hơn là bản chất trò chơi. Haze hồi những năm 2000 từng chết chìm chỉ vì sự kỳ vọng không tưởng sau khi được (hoặc bị) khoác lên cái danh hão kẻ kết liễu thời đại hoàng kim của Halo. Trước khi Anthem ra mắt từng có người kỳ vọng game bắn súng co-op này sẽ kế thừa sự tuyệt vời của thương hiệu do Bungie sản xuất và kết quả thì ai cũng rõ rồi, may mắn là sản phẩm của BioWare không quá flop hay ít nhất nó cũng chưa tệ hại tới mức được xếp vào cái mâm này. Nhưng Harry Potter: Wizards Unite thì khác! Theo định nghĩa của người hâm mộ, tựa game AR lấy đề tài phù thủy chắc hẳn phải là kẻ kế thừa những di sản tuyệt vời hay ít cũng duy trì được thành công mà Pokémon GO từng đạt được. Than ôi đó chỉ là mộng ước đơn phương và khi cây đũa thần của Niantic Labs hết hiệu nghiệm, Harry Potter: Wizards Unite nhanh chóng trở thành mụ dì ghẻ xấu xa, kẻ không ai muốn chào đón. Lối chơi rối rắm với nhiều nhánh kỹ năng, ma dược cùng sinh vật huyền bí có thể làm nản lòng bất cứ ai. Bên cạnh đó game thủ sẽ sớm nản lòng khi nhận ra nếu không nạp tiền thường xuyên họ rất khó để tìm thấy động lực ở lại trong thế giới phù thủy. Kết hợp những bất cập đó với nội dung cốt truyện khó hiểu và giao diện người dùng kém thân thiện, chúng ta có được một sản phẩm đầy tiềm năng với những kỳ vọng lớn nhưng cuối cùng không cách nào cất cánh khỏi đường băng chớ đừng nói bay cao hay bay xa.
Ngoài những cái tên nói trên, vẫn còn kha khá ứng cử viên dành cho danh sách những thất bại thê thảm và đau đớn trong thập kỷ vừa qua của làng game. Alpha Protocol, Bulletstorm hay Star Fox Zero là những cái tên tiềm năng, trong khi The Order 1886 sở hữu đồ họa tuyệt đẹp nhưng cũng chỉ có thế hoặc một cánh én như Mass Effect: Andromeda không thể nào mang đến mùa xuân cho cả series với nhiều điểm khiến người ta thất vọng.