Thuở xưa, Capcom là một cái kho game chất lượng bằng vàng ròng, không chỉ có Street Fighter hay Resident Evil mà còn rất nhiều dòng game khác từng nổi lên rồi sau đó chìm vào quên lãng. Giờ đây khi Resident Evil 2 Remake thành công lớn trong khi đó Resident Evil 3 Remake lại đang gây nhiều tranh cãi, các fan của những dòng game khác đang nó một hy vọng thầm kín. Đó là Capcom sẽ quay sang hồi sinh những dòng game khác mà họ từng bỏ quá lâu không đụng đến.
Hãy cùng điểm qua một số gương mặt tiêu biểu trong kho vàng mà (các fan hy họng) Capcom có thể tận dụng nhé!
Dino Crisis
Vốn có cùng được tạo nên mới Shinji Mikami, Dino Crisis và Resident Evil đều là những dòng game kinh dị vô cùng nổi tiếng của Capcom, một thời thống trị PS1. Thế nhưng trong khi Resident Evil vẫn đang tiếp tục phát triển 1 cách mạnh mẽ và sắp sửa cho ra mắt Resident Evil 3 remake thì dường như Capcom không còn quan tâm gì mấy tới Dino Crisis, đặc biệt là sau phần 3 có thể coi là thảm họa.
Dino Crisis dù không được biết đến rộng rãi như người anh em Resident Evil nhưng vẫn sở hữu 1 lượng fan đông đảo, vẫn luôn mong ngóng ngày nào đó Capcom sẽ cho dòng game này cơ hội mới. Rất đáng tiếc là gần đây có nguồn tin cho biết Capcom đã định làm ra 1 game Dino Crisis nhưng rồi lại hủy bỏ. Đương nhiên các fan vẫn có quyền hy vọng vào 1 phép màu cho dòng game 20 năm tuổi này hồi sinh lần nữa.
Clock Tower
Vốn được phát triển và phát hành bởi Human Entertainment, dòng game kinh dị Clock Tower từng có 1 quá khứ huy hoàng. Dù không được đánh gia quá cao ở khía cạnh gameplay thế nhưng cốt truyện và không khí đầy ám ảnh mới là tinh hoa của dòng game này. Vào thời điểm năm 2000, Human Entertainment phá sản sau khi làm đến phần 2 cho Clock Tower. Sunsoft và Capcom nhận được bản quyền thương hiệu Clock Tower và tiến hành phát triển phần 3.
Clock Tower 3 được đánh giá rất cao ở khía cạnh cốt truyện, phong cách điện ảnh và không khí kinh dị đặc trưng, tuy vậy phần gameplay lại không được đánh giá cao. Dù được giới game thủ đón nhận khá tích cực nhưng do Clock Tower 3 là một thất bại về doanh thu, điều này khiến Capcom quyết định bỏ dở dòng game kể từ đó. Sự an ủi duy nhất đối với các fan là vài năm sau Capcom tung ra Haunting Ground, 1 tựa game kinh dị có nhiều nét tương đồng và được coi là 1 hậu bản tinh thần của Clock Tower 3.
Bionic Commando
Lần đầu ra mắt năm 1987 trên hệ máy arcade, Bionic Commando từng là 1 dòng game platform khá thành công của Capcom. Dòng game này khác với các game thể loại platform cùng thời bởi một thứ rất đặc biệt: nhân vật chính không thể nhảy, thay vào đó phải sử dụng 1 cánh tay giả như 1 grappling hook để di chuyển. Đây có thể coi là tựa game đầu tiên áp dụng grappling hook vào game, thứ mà đã trở thành xu thế trong các game hiện đại.
Năm 2008-2009, Capcom đã cố gắng hồi sinh dòng game này bằng 1 bản remake Bionic Commando Rearmed và 1 tựa game hành động 3D Bionic Commando. Trong khi bản remake đạt thành công vừa phải thì tựa game 3D lại là 1 thất bại nặng nề về doanh thu. Lần cuối một game Bionic Commando ra mắt là Bionic Commando Rearmed 2 phát hành năm 2011 và có vẻ nó cũng “chìm xuồng” không sủi tăm. Mong rằng thất bại của tựa game 2009 sẽ không làm Capcom lãng quên dòng game này.
Lost Planet
Trong 1 nỗ lực lấn sân mạnh hơn sang thị trường phương Tây, năm 2006 đánh dấu việc Capcom tung ra Lost Planet: Extreme Condition. Kể từ đó Lost Planet đã gây dựng được 1 cộng đồng fan trung thành nhờ vào yếu tố bắn súng góc nhìn thứ 3 cùng phần chơi mạng cuốn hút của mình. 2 phần game đầu tiên có thể coi là thành công to lớn đối với Capcom cả về chuyên môn lẫn doanh thu.
Thế nhưng sang phần 3, thay vì tiếp tục tự tay thực hiện thì Capcom lại giao việc phát triển dự án cho Spark Unlimited, một studio phương Tây. Kết quả là Lost Planet trở thành 1 thất bại cả về mọi mặt. Từ đây dù tham vọng chinh phục game thủ phương Tây vẫn còn được Capcom duy trì thế nhưng hãng không còn mặn mà gì với thương hiệu Lost Planet nữa.
Breath of Fire
Thời kì mà những tựa game nhập vai như Final Fantasy hay Chrono Trigger còn dẫn đầu làng game thì Capcom cũng sở hữu cho mình dòng game tương tự mang tên Breath of Fire (hơi lửa). Dù không thể đạt được sức ảnh hưởng khủng khiếp như Final Fantasy nhưng Breath of Fire vẫn là 1 dòng game nhập vai hay và đáng chơi với rất nhiều người.
Tuy nhiên sau 1 chuỗi các thành công thì phiên bản thứ 5 mang tên Breath of Fire: Dragon Quarter chứng kiến sự sụt giảm doanh thu đáng kể. Từ đó Capcom cho biết họ thiếu nhân lực cho những dự án kiểu này và sẽ tạm đặt Breath of Fire sang bên. Kể từ 2002 đến nay chỉ có 1 phiên bản Breath of Fire duy nhất được đặt tên là phần 6 và ra mắt trên PC cùng di động năm 2016. Tuy nhiên đây là thứ mà các fan chả hề mong đợi khi chất lượng của có vẻ khá tệ hại. Với việc Final Fantasy VII Remake ra mắt và được tung hô nhiệt liệt thì có lẽ các fan Breath of Fire sẽ khấp khởi hy vọng Capcom quan tâm “chiếu cố” dòng game này lần nữa.
Onimusha
Từng là một dòng game chặt chém huyền thoại trên PS2, Onimusha vốn trứ danh trong việc kể lại thời kì lịch sử của Nhật Bản pha lẫn yếu tố thần thoại siêu nhiên, cùng với đó là chất phiêu lưu hành động đặc trưng của các game PS2. Trải qua 4 phiên bản chính, Onimusha luôn được đánh giá cao bởi các nhà chuyên môn cũng như được đón nhận bởi game thủ.
Game chất lượng là vậy, thế nhưng Onimusha không duy trì được thành công doanh thu khi mà phần 4 không bán chạy được như kì vọng của Capcom. Từ đó đến nay các fan của dòng game này vẫn hi vọng Capcom sẽ hồi sinh dòng game Onimusha theo 1 cách nào đó. Và phép màu đã xảy ra khi gần đây Capcom tung ra phiên bản remastered của phần 1 lên PC và console. Tuy nhiên điều đó vẫn còn khá ít ỏi để thỏa mãn các fan, họ đang trong chờ một bản remake hoặc một phần reboot lại dòng game với cuộc chiến Oni – Genma trong một bối cảnh khác.