Một vài điều thú vị cần biết khi chinh chiến trong Final Fantasy VII Remake – P.1 - PC/Console

Những người chơi mới có lẽ hơi bối rối với Materia trong khi những cựu binh chưa chắc biết Moogle Medal có tác dụng gì trong Final Fantasy VII Remake.

Những đồng xu Moogle Medal dùng để làm gì?

Trong quá trình hành hiệp của Cloud chúng ta thường xuyên nhìn thấy các thùng gỗ của cư dân thiện lành nào đó để lung tung trên đường. Dĩ nhiên thùng là để đập và bạn cũng nên đập tất những thùng mình nhìn thấy bởi ngoài việc hồi một lượng MP ngay tức khắc (ngẫu nhiên), đập thùng còn mang lại các vật phẩm trị liệu cho người chơi như Potion, Phoenix Down hay Antidote… (cũng ngẫu nhiên nốt). Ngoài ra việc đập thùng còn là nguồn đơn giản và nhanh gọn nhất để thu thập các Moogle Medal. Cái huy chương có khắc hình của sinh vật giống mèo này xuất hiện từ đầu trò chơi nhưng không ai nói với game thủ rằng chúng sẽ được dùng làm gì.

Một vài điều thú vị cần biết khi chinh chiến trong Final Fantasy VII Remake – P.1

Nhưng đừng lo lắng bởi Square Enix không cất công làm ra một thứ giống tiền tệ chỉ để sưu tập cho đẹp mắt. Trong những chương ở đoạn giữa của Final Fantasy VII Remake, người ta sẽ biết mớ Moogle Medal này có thể dùng để đổi chác được thứ gì. Nếu từng chơi qua những phiên bản trước đó của dòng FF hẳn game thủ sẽ biết phong cách bán đồ hiếm bằng mấy đồng xu sưu tập. Vì thế chỉ cần nhớ một điều, đừng bỏ qua bất cứ cái thùng nào, cũng đừng bỏ qua bất cứ nhiệm vụ phụ nào, nhất là nhiệm vụ có liên quan đến một tay thương gia.

Có tổng cộng bao nhiêu Guardian Force?

Trong các bản Final Fantasy khác nhau chúng ta có những tên gọi khác nhau cho những vệ thần như Guardian Force, Aeon hay Espers. Nhưng dù cho bị định danh dưới tên gọi nào thì việc triệu hồi những vị thần hay sinh vật cổ đại ra cùng chung vai sát cánh trong trận chiến là một phần quan trọng khi trải nghiệm thương hiệu game này. Trong FF7 bản gốc chúng ta có những vệ thần nào thì trong bản Remake cũng sẽ có tương tự như vậy nhưng một vài GF có thể bị bỏ lỡ nếu người ta không chịu sục sạo cẩn thận ở từng ngóc ngách. Ifrit là GF đầu tiên mà game thủ nhận được trong trò chơi, nó không thể bị bỏ lỡ bởi chính Jessie sẽ đưa viên Materia này cho Cloud như phần thưởng vì đã giúp nhóm AVALANCHE.

Một vài điều thú vị cần biết khi chinh chiến trong Final Fantasy VII Remake – P.1

Một viên khác sẽ được tìm thấy trong chương 6, ngay phía sau 3 chiếc quạt gió to đùng với thử thách đánh bại đám quái vật trong 60 giây. Phần còn lại sẽ liên quan đến Chadley, cái gã giải thích cho người chơi về cơ chế hoạt động của Battle Intel tại khu ổ chuột ở Sector 7. Con GF đầu tiên mà gã giúp bạn triệu hồi ra có thể hơi khó nhằn ở thời điểm đầu game nếu cảm thấy quá khó thì cày cấp một chút rồi quay lại, mọi chuyện sẽ trở nên đơn giản hơn. Hãy cứ từ từ hoàn thành những thử thách được ghi trong Battle Intel để mở khóa số GF còn lại. Nhân tiện bình dân bá tánh chỉ có thể triệu hồi 5 GF, trong khi đó các đại gia mua bản Deluxe Edition sẽ có thêm con thứ 6, có chút tiếc nuối nhưng ai bảo Mọt tui chỉ mua bản Standard Edition đâu?

Trải nghiệm Final Fantasy VII Remake, sau 23 năm mới gặp lại nhưng bạn vẫn đẹp mê hồn
Trải nghiệm Final Fantasy VII Remake, sau 23 năm mới gặp lại nhưng bạn vẫn đẹp mê hồn
Cách đây 23 năm dù chỉ chơi Final Fantasy VII đúng một lần vì những lý do khác nhau nhưng có thể nói ấn tượng mà trò chơi để lại cho Mọt tui là vô cùng sâu đậm.

Joint Materia hoạt động kiểu gì?

Materia thứ quan trọng nhất xuyên suốt Final Fantasy VII khi cuộc chiến giữa hai phe chánh tà trong game này cuối cùng vẫn xoay quanh sức mạnh của hai viên Black materia và White Materia. FFVII lấy bối cảnh hiện đại vì thế chúng ta không tìm một phù thủy để học phép thuật, thay vào đó người ta khảm các viên kết tinh từ dòng Lifestream vào vũ khí và trang bị để sử dụng mọi thứ từ hồi máu, dùng các nguyên tố tấn công, cho đến gia tăng chỉ số của bản thân. Dù Black và White Materia mới là hai viên chung cực nhưng cũng đừng vì thế mà quên đi tầm quan trọng của những viên đá khác như Elemental chẳng hạn. Viên đá này có thể giúp Cloud (và những người khác) chịu ít sát thương hơn khi bị kẻ địch đốt cháy mông, cố gắng đóng băng đến chết hoặc dùng những ma thuật khác để chấm dứt cuộc phiêu lưu của bạn. Omega Weapon là ngoại lệ, con quỷ này là thứ gì đó rất vô đối và có trang bị tận răng thì trong một ngày đủ xui xẻo nó vẫn có khả năng tiễn cả party của bạn lên đường thôi.

Một vài điều thú vị cần biết khi chinh chiến trong Final Fantasy VII Remake – P.1

Trở lại với Elemental thì nó sẽ không hoạt động độc lập mà vận hành theo nguyên tắc Joint Materia. Nghĩa là phải gắn nó kèm theo một viên materia khác có thuộc tính mà người chơi muốn tăng sức đề kháng. Ví dụ gắn Elemental kế bên gắn Fire giúp giảm phân nửa sát thương từ những đòn tấn công mang thuộc tính lửa. Hãy nhớ kỹ điều này bởi về sau bọn quái càng lúc càng mạnh với các đòn tấn công mang nguyên tố vô cùng khó chịu. Trừ khi bạn chơi ở cấp độ Easy, còn ở những độ khó khác thì việc giảm phân nửa sát thương nguyên tố là điều rất quan trọng. Ngoài Elemental, chúng ta cũng có Magnify, viên ngọc cho phép sử dụng kỹ năng lên nhiều mục tiêu khác nhau. Vì vậy nếu gắn cùng Healing sẽ giúp bơm máu cho cả nhóm trong khi gắn cùng các nguyên tố khác sẽ tấn công nhiều kẻ địch. Cần lưu ý với Magnify là mục tiêu chính sẽ nhận hiệu ứng cao nhất trong các mục tiêu xung quanh chịu chữa trị/sát thương thấp hơn.

Nếu bạn là game thủ thì không thể bỏ qua Channel youtube hấp dẫn của Kênh Tin Game: http://bit.ly/2ByvA1e

Đây là bài viết nằm trong loạt bài về Hướng dẫn chơi Final Fantasy VII Remake
  1. Một vài điều thú vị cần biết khi chinh chiến trong Final Fantasy VII Remake – P.1