Câu chuyện về DLC, ba ký tự đắt tiền của ngành công nghiệp game – P.1 - PC/Console

Cùng Mọt leo lên cỗ máy thời gian lượn về quá khứ để tìm hiểu DLC đã ra đời và trở thành một phần không thể tách rời của ngành công nghiệp game ra sao.

DownLoadable Content (DLC). Trên lý thuyết, chúng là những điều tuyệt vời, đem lại cho game thủ thêm nhiều nội dung mới cho những tựa game đã cũ. Bạn sẽ có được thêm nhiệm vụ, nhân vật, bản đồ, trang bị mới để tiếp tục khám phá và thưởng thức khi có DLC mới cho tựa game yêu thích của mình. Trong một thị trường đã được số hóa gần như hoàn toàn, còn gì tuyệt vời hơn là mua game về chơi hàng chục hay thậm chí hàng trăm tiếng đến khi “phá đảo”, và rồi phát hiện ra rằng vẫn còn có nội dung mới để tiếp tục chơi?

Nhưng như Mọt đã nói, đó chỉ là lý thuyết. DLC thực sự phức tạp hơn rất nhiều, đặc biệt là trong thời đại ngày nay. Dù bạn thích hay ghét chúng thì ba chữ cái này đã trở thành một phần không thể thiếu trong ngành công nghiệp game hiện đại, bởi chúng cắt giảm chi phí phát triển trong khi vẫn mang về lợi nhuận khá cao, và không gây quá nhiều tranh cãi như Lootbox. Bạn có muốn cùng Mọt thử nhìn lại quá khứ để tìm hiểu xem điều gì đã tạo ra DLC, và nó đã trở thành một cột trụ của ngành công nghiệp game hiện đại như thế nào?

DLC là cái chi?

Hãy khởi đầu với một định nghĩa đơn giản về DLC. Nó là những gói dữ liệu do chính nhà phát triển một tựa game tung ra sau khi trò chơi đã được phát hành, bổ sung thêm nội dung mới cho trò chơi gốc. Các DLC thường được phân phối một cách nhỏ giọt, cách nhau mỗi vài tháng hoặc cả năm trời tùy vào mức độ thành công của tựa game chính. Điều này giúp nhà phát triển cắt giảm chi phí làm game – bởi họ không cần phải làm ra một tựa game mới từ con số 0, mà chỉ cần phát triển dựa trên những gì đã có. Đồng thời nó giúp game thủ có thêm nội dung để thưởng thức, và đem lại thêm doanh thu cho nhà phát triển, điều cực kỳ quan trọng khi chi phí làm game không ngừng tăng cao.

Câu chuyện về DLC, ba ký tự đắt tiền của ngành công nghiệp game (P1)

“Tổ tiên” của DLC có lẽ là các gói Expansion Pack khởi nguồn từ tận thế kỷ trước, khi việc phát hành game còn phụ thuộc vào các chuỗi cửa hàng như GameStop hay tiệm đĩa lậu ở Việt Nam. Mọt vẫn còn nhớ lần đầu tiên mình nhìn thấy cụm từ “Expansion Pack” là khi gói nội dung Beyond the Dark Portal ra đời cho Warcraft II: Tides of Darkness của Blizzard. Nó đòi hỏi phiên bản game gốc để chạy được trên máy tính, đem về cho Blizzard cả tiền bạc lẫn danh tiếng nhờ gameplay thừa hưởng từ Tides of Darkness.

Có lẽ học hỏi từ thành công của Blizzard, nhà phát triển Cavedog Entertainment muốn thử phương thức làm game mới này. Thế là sau khi hoàn tất Total Annihilation (1997), nhà phát triển này tung ra một vài đơn vị quân mới mỗi tháng và nhận thấy rằng game thủ của họ khá thích việc liên tục có quân mới để dùng thử. Nền tảng của DLC đã được ra đời, dù internet vẫn còn là một thứ rất mới mẻ vào cuối thế kỷ 20.

Câu chuyện về DLC, ba ký tự đắt tiền của ngành công nghiệp game (P1)

Một trong những tựa game đầu tiên phát hành nội dung mới qua internet.

Bùng phát nhờ… casual

Sau những thử nghiệm của Blizzard và Cavedog, nhiều nhà phát triển khác cũng bắt đầu thử thăm dò thị trường bằng các DLC, nhưng trong những năm đầu thế kỷ 21, phương thức kiếm tiền chính của game sau ngày phát hành vẫn là Expansion Pack. Có lẽ phải nhờ vào sự xuất hiện của những tựa game casual, DLC mới trở thành một thế lực lớn trong làng game ngày nay.

Câu chuyện về DLC, ba ký tự đắt tiền của ngành công nghiệp game (P1)

FarmVille.

Game casual đã làm điều đó như thế nào? Đó là vào những năm 2009-2010, khi các nền tảng MXH như Facebook vừa mới ra đời còn smartphone bắt đầu phổ biến (iPhone ra mắt năm 2007). Người ta cần có những tựa game đơn giản, nhanh gọn để chơi trên trình duyệt hoặc trên smartphone, và có cầu thì sẽ có cung. Hàng loạt tựa game casual ra mắt trong khoảng thời gian này, và một số thống trị thị trường chẳng hạn… FarmVille. Có thể bạn chưa chơi qua tựa game trình duyệt này, nhưng Mọt vẫn nhớ thằng bạn cùng phòng “chết mê chết mệt” nó nhiều năm trước khi trò chơi thống trị MXH Facebook, bên cạnh hàng loạt cái tên khác như Mafia Wars, FishVille, Candy Crush Saga,…

Những tựa game này có một đặc điểm chung: chúng không có gameplay sâu sắc, cốt truyện hấp dẫn hay tình tiết kịch tính, mà chỉ có gameplay lặp đi lặp lại vài bước đơn giản. Vì vậy, các nhà phát triển phải sử dụng biện pháp liên tục cập nhật nội dung mới – vài cái cây, thêm ít cá mắm heo gà, đóng thêm bàn ghế, mua thêm xô chậu về cho game thủ của mình. Những gói nội dung này giúp các trò chơi MXH không ngừng được làm mới và giữ chặt sự chú ý của game thủ. Nếu bạn cảm thấy nó quen thuộc, đó là bởi vì ngày nay nhiều tựa “game dịch vụ” (game as a service) vẫn đang sử dụng biện pháp này, chẳng hạn như Fortnite.

336x280
Câu chuyện về DLC, ba ký tự đắt tiền của ngành công nghiệp game (P1)

Fortnite.

Đó chính là DLC, theo đúng nghĩa đen của cụm từ này – những gói dữ liệu được tải về qua internet để bổ sung thêm nội dung cho game thủ.

Hốt bạc

Và chiến thuật DLC của các nhà phát triển game MXH giúp họ hốt bạc với tốc độ mà các nhà làm game console hay PC không thể tin được. Dù FarmVille không có cơ chế hấp dẫn hay cốt truyện lôi cuốn, nó vẫn thành công đến mức theo báo cáo từ Facebook, trong năm 2012 FarmVille đóng góp… 12% doanh thu cả năm của Facebook.

Những con trùm không thể chiến thắng và sự bất lực khi chơi game
Có những con trùm không thể chiến thắng được làm ra với nhiệm vụ khiến người chơi cảm nhận sự kinh hoàng của game, một thử thách cực khó cho bất kỳ ai.

Khi nhìn lại FarmVille, bạn sẽ thấy rằng nó vừa chán ngán lại vừa gây nghiện. Gameplay của nó chỉ toàn những thao tác quản lý máy móc lặp đi lặp lại đòi hỏi game thủ liên tục đăng nhập vào những mốc thời gian nhất định để thu hoạch hoa màu, nhận một ít tiền ảo, dùng tiền đó để mua đất mới rồi trồng thêm nhiều hoa màu hơn để chờ lần đăng nhập kế tiếp. Nhưng gameplay đơn giản đó lại đánh trúng vào tâm lý con người: cảm giác được tưởng thưởngsự ganh đua giữa người với người, không ngừng bổ sung những phần thưởng mới để game thủ luôn có mục tiêu mới trong game.

Câu chuyện về DLC, ba ký tự đắt tiền của ngành công nghiệp game (P1)

FarmVille hốt bạc bằng gameplay đơn giản cộng thêm DLC không ngừng ra mắt.

Thế là các nhà phát triển game lớn nhận ra rằng nếu game thủ sẵn sàng trả tiền tấn cho những nội dung nhỏ xíu trong game MXH, họ chắc chắn cũng sẽ trả tiền cho những nội dung tương tự trong những tựa game lớn hơn. A lê hấp, gần như tất cả mọi studio có lòng tự trọng trong ngành công nghiệp game đều lao vào xu hướng mới này, và sự bùng phát DLC trong game là không thể tránh khỏi.

(Còn tiếp)

Bấm liền tay – Nhận ngay quà tặng từ văn phòng phẩm Hồng Hà cho mùa tựu trường: http://bit.ly/2KivZKo

Đây là bài viết nằm trong loạt bài về Câu chuyện về DLC
  1. Câu chuyện về DLC, ba ký tự đắt tiền của ngành công nghiệp game – P.1