Chơi game bằng laptop: Lo gì hại điện hả anh em! - PC/Console

Khá nhiều người cho rằng chơi game bằng laptop sẽ khiến máy nhanh hỏng hơn và tỏ ra dè dặt khi mua. Tuy nhiên, thực tế lại không phải như vậy.

Tôi thấy không phải ai cũng chơi game trên một cỗ máy PC. Ngay cả khi có thừa tiền, rất nhiều người vẫn ưa thích chơi game trên một chiếc laptop hơn. Lý do cho vấn đề này thì rất nhiều: có nhiều người ngại phải build một case PC (hay còn gọi là máy bàn, desktop), hay cũng có những người chỉ có nhu cầu sử dụng laptop vì thường xuyên phải di chuyển, cũng có những người lại sợ case PC… tốn nhiều tiền điện,… Tuy nhiên, tôi cũng thấy có nhiều ý kiến cho rằng việc chơi game, đặc biệt là các trò chơi đòi hỏi cấu hình cao, trên laptop sẽ khiến thiết bị nhanh hỏng hơn. Liệu điều đó đúng hay sai?

Chơi game bằng laptop: Lo gì hại điện hả anh em!

Laptop gaming vẫn là một thị trường rất được các hãng máy tính xách tay ưa chuộng. Hầu hết các hãng từ Dell – Alienware, Asus – ROG, HP, MSI hay Acer – Predator,… đều khá thường xuyên cho ra lò những mẫu sản phẩm ở nhiều phân khúc giá tiền cùng các cấu hình khác nhau. Hay thậm chí nhiều người khi đi mua laptop phổ thông cũng đều đặt mục đích chơi game làm nhu cầu chọn máy chính.

Có thể thấy việc chơi game trên laptop giờ đây đã quá phổ biến. Cấu hình các máy tính xách tay cũng đã phổ biến các đời card màn hình rời nhiều hơn để phục vụ cho nhu cầu chơi game. Và nếu chơi game nặng khiến laptop thực sự nhanh hỏng, tôi nghĩ thị trường này đã không có một cơ hội nào phát triển rồi. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa việc chơi game trên laptop sẽ bền và lì như trên case PC.

Chơi game trên laptop – Tại sao không?

Tôi sẽ nói về việc mọi người đã hiểu sai khi chơi game trên laptop. Thực tế, bạn có thể chơi các tựa game phù hợp với tiêu chí cấu hình máy tính xách tay của mình. Thậm chí bạn hoàn toàn có thể chơi một cách liên tục mà không lo hỏng hóc. Tuy nhiên, có một vài chú ý nho nhỏ bạn đọc cần lưu ý, bởi chơi game trên laptop không giống như khi chơi trên case PC.

Chơi game bằng laptop: Lo gì hại điện hả anh em!

Đầu tiên là với các sản phẩm laptop tầm trung, không phải thuộc dòng laptop gaming, bàn phím của nó cực kỳ nhanh hỏng và không hề đem lại cảm giác chơi game sướng như bàn phím cắm ngoài thông qua cổng USB. Bàn phím laptop vốn được thiết kế để phục vụ cho việc gõ văn bản thông thường. Kết cấu xương cũng như độ nảy của phím đều không thích hợp cho việc chơi game. Nếu chẳng may có thua một ván game, bạn lỡ tay đập mạnh xuống bàn phím laptop, khả năng cao là bạn phải thay bàn phím mới trong thời gian ngắn. Mạnh tay hơn, bạn cần biết là dưới bàn phím laptop chính là bo mạch chủ, tấm vi mạch xương sống của chiếc laptop (đây cũng là lý do không bao giờ được làm đổ nước lên bàn phím laptop).

Tiếp theo, main (bo mạch chủ) laptop có độ bền không thua kém gì main trên case PC cả. Có những main laptop tích hợp cả card đồ họa rời, CPU và Ram, điều này khiến cho nhiều người lo sợ thiết bị sẽ không được bền nếu thường xuyên chạy quá tải. Chúng ta thường có quan niệm thứ gì to thường sẽ dùng thích và bền hơn. Nhưng thực tế cho thấy dù bạn có dùng như thế nào đi chăng nữa, main laptop vẫn cực kỳ bền bỉ. Tất nhiên vẫn có nhiều trường hợp máy tính xách tay của người dùng bỗng chết bất đắc kỳ tử, nhưng đó là sự việc hi hữu, các linh kiện trên PC cũng hay xảy ra trường hợp đó.

Nếu bạn không tin rằng main laptop có độ bền cao thì tôi sẽ chứng minh cho bạn đọc thấy. Vào một ngày đẹp trời, bạn hãy thử dạo quanh các con phố chuyên bán laptop cũ ở Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh mà xem. Bạn sẽ thấy vẫn có những máy laptop có tuổi đời cả chục năm vẫn được bày bán. Thị trường laptop cũ ở nước ta vẫn cực kỳ sôi động. Nếu main laptop không bền, tôi nghĩ người dùng đã vứt bỏ máy tính xách tay từ lâu rồi.

Chơi game bằng laptop: Lo gì hại điện hả anh em!

Vậy nên bạn hoàn toàn có thể chơi game thoải mái trên laptop. Mặc dù các thiết bị máy tính xách tay có giá cao hơn so với một case PC cùng tầm cấu hình, cùng với đó là việc laptop luôn tỏ ra yếu thế hơn PC về mặt hiệu năng; nhưng nếu nhu cầu của bạn thường xuyên phải di chuyển mà vẫn muốn chơi điện tử, một chiếc laptop là một lựa chọn hợp lý.

Chơi game liên tục vẫn có thể khiến laptop nhanh hỏng

Người ta thường có câu “của bền tại người”. Điều này là chính xác bởi nếu bạn không để ý kỹ hơn tới chiếc laptop trong quá trình chơi game liên tục, nó vẫn sẽ rất nhanh hỏng. Vấn đề tản nhiệt là thứ cần được người dùng đặc biệt lưu ý tới. Quạt tản nhiệt của hầu hết laptop thường rất nhỏ, và khi chạy game nặng, quạt sẽ phát ra tiếng kêu cực kỳ lớn bởi đang phải chạy hết công suất. Bạn cũng có thể để ý rằng dù quạt chạy hết công suất như vậy, nhưng nhiều đời laptop vẫn cực kỳ nóng ở phần đáy. Tôi nghĩ khi quyết định chơi game trên laptop, bạn nên trang bị thêm một đế tản nhiệt để bên dưới máy.

Vệ sinh laptop thường xuyên cũng là điều cần được người dùng quan tâm. Dù là laptop hay case PC, việc tích tụ bụi lâu ngày là điều hiển nhiên. Nếu bạn không tích cực phủi bụi, hệ thống tản nhiệt sẽ hoạt động kém. Theo thời gian, bụi sẽ tích lại thành từng mảng ở khe thoát nhiệt, khiến card đồ họa hay CPU của máy tính xách tay sẽ hoạt động kém dần đi. Nhiều trường hợp bụi bám dày ở trên main laptop, khiến nó biến thành lớp mút hút ẩm trong không khí và gây ra chập điện.

Chơi game bằng laptop: Lo gì hại điện hả anh em!

Vậy nên sau khoảng 6 tháng, bạn nên đem chiếc laptop của mình ra vệ sinh cho sạch bụi. Khi không chắc về khoản tháo lắp laptop, bạn có thể mang ra các tiệm sửa chữa (hoặc trạm bảo hành nếu còn trong thời gian bảo hành) để yêu cầu nhân viên làm giúp, tránh những hỏng hóc không đáng có. Nếu bạn sử dụng laptop trong mục đích công việc ở những môi trường nhiều bụi bặm hơn như công trường xây dựng, thời gian cần phải vệ sinh máy có thể sẽ nhanh hơn, khoảng 3 tới 4 tháng chẳng hạn.

Tạm kết

Một thiết bị điện tử sinh ra đều phục vụ cho nhu cầu của con người và hỏng hóc đều chủ yếu do cách bảo quản và sử dụng của người dùng. Laptop là thiết bị cực kỳ tiện lợi với những ai hay phải di chuyển. Giả sử nếu bạn đi công tác 1 tháng chẳng hạn, dĩ nhiên bạn chẳng thể mang theo case PC cồng kềnh được. Thay vào đó, một chiếc laptop với cấu hình mạnh tầm tương đương sẽ nhét vừa vào chiếc vali hơn. Tóm lại thì nếu bạn không di chuyển và chơi game cường độ cao, cấu hình cao kiểu “vắt kiệt” thường xuyên thì nên dùng case PC. Còn khi hay di chuyển và chơi game tầm trung không quá nặng thì laptop vẫn là lựa chọn dễ hơn.

Đôi khi, thiết bị điện tử được sản xuất theo lô, và mỗi lô thường sẽ có một vài trường hợp “đen đủi”. Nhưng bạn cũng không thể đánh đồng tất cả đều nhanh hỏng như nhau được. Nếu laptop thực sự nhanh hỏng khi chơi game nặng, thị trường chắc chắn không thể phát triển mạnh mẽ được tới tận bây giờ.

Chơi game trên laptop, sao phải nghĩ hả anh em!!!

Nếu bạn là game thủ thì không thể bỏ qua Channel youtube hấp dẫn của Kênh Tin Game: http://bit.ly/2ByvA1e