Cyberpunk 2077 đã khiến người ta phải chờ đợi gần một thập niên để có thể chạm tay vào trò trò chơi thế nên cảm giác háo hức trong ngày đầu trải nghiệm là có thể tưởng tượng được. Than ôi chỉ có những dân chơi PC với card đồ họa khủng hay chí ít cũng phải là next-gen như PS5 hay Xbox Series X mới có được trải nghiệm trọn vẹn.
Đối với những game thủ chưa có điều kiện mua sắm những thiết bị nói trên, màn trải nghiệm tại Night City của họ quả thật là một thảm họa với hàng tá bug, glitch, AI tồi tệ và hiệu năng đồ họa kém cỏi. Thử xem qua một vài video clip gần đây so sánh đồ họa giữa Cyberpunk 2077 và GTA V, có thể thấy tựa game do Rockstar sản xuất từ năm 2013 thậm chí còn vượt trội hơn về nhiều mặt.
Từ hiệu ứng cháy nổ, tương tác vật lý với môi trường và vật thể xung quanh đều cho thấy có vẻ như CD Projekt Red đã quá vội vã để trò chơi ra mắt dẫn đến sự thiếu chỉn chu trong một số phiên bản nhất định (sau này chính NSX cũng thừa nhận họ đã quá gấp rút khi thực hiện các phiên bản trên PS4 và Xbox One). Tất nhiên trên PC xịn và các máy nextgen cũng được khuyến mãi mớ lỗi và gameplay có vấn đề nhưng ra họ còn được đền bù bằng phần hình ảnh, còn người chơi last-gen thì có được gì?
Quảng cáo quá lố về thứ không (hoặc chưa) làm được
Kể từ lần đầu tiên được giới thiệu vào tháng 5/2012, Cyberpunk 2077 luôn được CD Projekt Red tô vẻ như điều gì đó sẽ tạo ra sự đột phá trong ngành công nghiệp game hay chí ít cũng là ở thể loại nhập vai bắn súng. Sẵn tiện cũng nhắc lại luôn về chuyện ‘tiền hậu bất nhất’ của CDPR khi ban đầu họ mô tả trò chơi là một game nhập vai nhưng sau khi cảm thấy không ổn đã âm thầm chỉnh sửa thể loại game từ nhập vai thế giới mở sang hành động phiêu lưu thế giới mở trong phần mô tả của game trên Twitter.
Hồi ấy với game thủ thì Cyberpunk 2077 là điều gì đó rất cao sang bởi sự thành công vang dội của CD Projekt Red với series The Witcher khiến lời nói của hãng có sức mạnh bảo chứng một cách gớm cho bất kỳ sản phẩm nào. Game thủ cứ hình dung rằng game sẽ ‘định nghĩa lại’ cả dòng game RPG open-world, sẽ là một sản phẩm next-gen về mọi mặt… vân vân và mây mây…
- Kết quả thế nào?
Những ai từng trải nghiệm game có thể sẽ cảm giác rằng nói công bằng thì Cyberpunk 2077 cũng tuyệt đấy (nếu bỏ qua cái đống lỗi và hiệu năng đồ họa kém cỏi trên last-gen) nhưng còn lâu mới được như lời quảng cáo nha. Thực sự lối của game xét về khía cạnh hành động, bắn súng là ổn nhưng nói là ‘đột phá’ hay ‘định nghĩa lại’ gì đó như quảng cáo thì quên đi, đường còn xa lắm em ơi.
Vấn đề của đội ngũ marketing là họ đã thổi phồng một cách quá lố về những gì mà nhóm sản xuất không (hoặc chưa thể) làm được ở thời điểm này, với deadline như thế này. Cách đây vài ngày Mọt tui từng có bài viết về việc rất nhiều nhân viên CDPR đã bày tỏ sự thất vọng và nỗi lo của mình trong cuộc họp hội nghị gần đây.
Update on Retail Refunds https://t.co/7hAHo19jfapic.twitter.com/nFMbhvokvl
— Cyberpunk 2077 (@CyberpunkGame) December 18, 2020
Nhiều nhân viên chia sẻ rằng, họ bị bắt chạy deadline như trâu chó, bị hối thúc để cho ra sản phẩm càng nhanh càng tốt. Thậm chí còn đề cập đến vấn đề đội ngũ quản lý bóc lột sức lao động của nhân viên cấp dưới. Trong khi chỉ vài ngày trước ban giám độc lại phát biểu rằng: ‘không hề có áp lực phải ra mắt game càng sớm càng tốt’.
Đó chỉ là một trong nhiều lần ‘trống đánh xuôi nhưng kèn thổi ngược’ diễn ra trong thời gian gần đây tại CDPR. Còn nhớ họ đã rất mạnh mẽ khẳng định thế giới mở trong Cyberpunk 2077 sẽ sống động đến mức cả nghìn NPC sẽ xuất hiện với những hoạt động hoàn riêng biệt.
Những fan hâm mộ của Red Dead Redemption 2 hay Skyrim đã từng hưởng thụ qua điều này, mỗi NPC đều có chuỗi hoạt động hết sức ngẫu nhiên và người ta không hề thấy các NPC trong Cyberpunk 2077 làm được điều đó. Dân cư của Night City gắn nhiều máy móc trên người và có lẽ vì vậy mà họ cũng hết sức vô hồn, còn lâu mới được như những gì đã quảng cáo.
Một thợ xẻ gỗ trong RDR2 có thể xẻ gỗ vào thứ hai, đi giao hàng vào thứ ba, mua vật liệu vào thứ tư và nhậu nhẹt tại quán bar sau đó bị bắn chết luôn vào đêm thứ bảy. Còn Cyberpunk 2077 thì sao? Một đám đông hiếu kỳ có thể đứng bu lại suốt vài ngày để xem cái gì đó không ai biết hay NPC đang ăn trưa thì dùng nhầm nồi cơm của Thạch Sanh thế nên ăn suốt vài tiếng đồng hồ vẫn không cách nào giải quyết xong phần ăn của mình.
Nói chung họ vẫn đứng yên một chỗ để làm đúng một việc, vẫn có trường hợp ngoại lệ nhưng rõ ràng là bị ảnh hưởng bởi kịch bản cốt truyện chứ NPC không hề có một chuỗi hoạt động nào như quảng bá cả.
- Giải quyết ra sao?
Rõ ràng đây là vấn đề đầu tiên mà CD Projekt Red cần nghiêm túc nhìn nhận và khắc phục ở những sản phẩm trong tương lai. Họ có thể là một đơn vị hùng mạnh cùng sự thành công cực lớn của The Witcher làm giá đỡ nhưng phàm đánh trận làm gì có bách chiến bách thắng tướng quân.
Vì lẽ đó cú flop với Cyberpunk 2077 có lẽ là kinh nghiệm quý giá để nhìn nhận trong tương lai, còn hiện tại có hơi muộn vì bát nước đã hắt ra thì làm sao hốt lại cho đầy được? Cũng không phải là không khắc phục được hậu quả nhưng rõ ràng việc quảng cáo quá lố trước khi game ra mắt sẽ khiến quá trình sửa chữa trong tương lai (thông qua các patch) sẽ trở nên vất vả hơn rất nhiều.
AI của Cyberpunk 2077 và cứ làm nhanh ắt làm ẩu
Nhắc đến AI (trí tuệ nhân tạo), chắc hẳn mọi người sẽ nghĩ đến những chiếc máy tính hay những người máy với với nhận thức và tư duy giống với con người, có khả năng xử lí dữ liệu vượt trội hơn con người nhiều lần.
Đến một ngày nào đó, chúng bắt đầu biết học hỏi, tự hoàn thiện bản thân, có cảm xúc giống con người và cố gắng để được ghi nhận là một con người hoặc theo diễn biến tồi tệ hơn, chúng nhận thấy con người là mối đe dọa hay đơn thuần là một giống loài kém tiến bộ hơn và cần phải bị tiêu diệt. Vậy AI trong game sẽ hoạt động như thế nào?
Trước hết chúng ta cần hiểu định nghĩa về trí tuệ nhân tạo. Trong khoa học công nghệ, AI được định nghĩa là dạng hệ thống máy tính với khả năng thực thi các hành động yêu cầu trí tuệ của con người, cụ thể hơn AI là dạng mô phỏng lại trí óc con người với những khả năng cao cấp như học hỏi và giải quyết vấn đề.
Chúng được tạo ra để có khả năng thực hiện các công việc bình thường với con người nhưng có phần phức tạp cho máy móc khi đòi hỏi sự suy luận, phán đoán và đưa ra quyết định hợp lí. Với khả năng xử lí thông tin nhanh chóng cũng như ít sai số của máy tính cũng không ngạc nhiên khi AI đang dần có thể thay thế con người trong nhiều công việc. AI trong game mà bạn thường xuyên tiếp xúc liệu cũng phức tạp như vậy?
AI trong game đơn giản là các đoạn code được viết theo hướng “nếu… thì…”. Máy tính chỉ đơn giản thực hiện cách lệnh được viết trên code để các nhân vật trong game thực hiện theo. Hiểu theo cách đơn giản, một NPC vẫn sẽ hoàn toàn vô tri giác, không hề có trí thông minh gì. NPC đó chỉ đơn giản được lập trình để phản ứng với các điều kiện và trường hợp trong game đưa ra.
Tất cả các hành vi của NPC đó đã được nhà làm game tính toán từ trước để khi gặp tình huống được dự dịnh sẵn NPC chỉ việc làm theo. Đương nhiên với người chơi thì nó vẫn sẽ tạo cảm giác rằng NPC thật sự có tri giác và sống động như thể AI trong game thực có trí thông minh, có phản xạ và suy nghĩ của riêng mình nhưng tất cả đơn giản chỉ hành động theo kịch bản cả.
Nói như vậy cũng không có nghĩa là AI trong game đơn giản, NSX sẽ phải tính toán mọi khả năng có thể xảy ra với NPC đó để lập trình cho AI có hướng giải quyết hợp lý. Tức là nếu một nhân vật không thể điều khiển đóng vai trò càng quan trọng trong game thì số câu lệnh mà coder cần thêm vào sẽ càng nhiều hơn.
Đổi lại AI sẽ tạo cho game thủ cảm giác thông minh và chân thực hơn khi có khả năng tương tác với họ theo nhiều hình thức khác nhau chứ không phải chỉ lặp đi lặp lại vài câu đơn giản như ‘Hello, anh đứng đây từ chiều’ hay ‘Ơ mây zing, gút chóp em’. Tất nhiên có kỹ lưỡng đến đâu thì AI cũng không tránh khỏi việc bị bug, glitch hoặc nhiều lúc do chính người chơi vô tình yêu cầu AI xử lý tình huống không được lập trình và khiến nó AI đó bị kẹt gây ra lỗi game.
Điển hình nhất chính là GTA Vice City, gần như tất cả AI trong game đều không được lập trình để phản ứng với các bức tường nên chúng sẽ không tránh hay đi vòng qua mà sẽ cứ đâm đầu vào tường hoặc đánh nhau với một kẻ bên kia tường. Hay ở ngay trong Malibu Club, các AI được lập trình chỉ để nhảy Vinahouse và mặc kệ sự đời nên bạn có đồ sát bao người chúng cũng sẽ mặc kệ.
Trong game, đặc biệt là game thế giới mở, mỗi AI được lập trình cho một màn chơi hay khu vực riêng để tương tác. Giả sử một tên lính chỉ ở trong một căn nhà, AI của hắn cũng sẽ chỉ xoay quanh những thứ trong nhà đó hay việc hắn sẽ làm gì khi bạn bước vào nếu bạn cố dụ hắn chạy ra thì thường nhà phát triển cũng sẽ cho hắn bước đến cửa rồi lại quay lại vào trong. Cố gắng đặt AI nhất định vào một nơi hoặc trường hợp hoàn toàn khác biệt, nó sẽ không có nhiều phản ứng với những thứ xung quanh đó.
Đó là lí do vì sao khi xài mod hay cheat, AI thường mặc kệ những điều bất thường quanh nó dẫn đến nhiều đoạn clip mod GTA V khá là thú vị trên Youtube. Vấn đề là với sự phát triển của công nghệ, AI ngày càng được tối ưu hơn nên sẽ xử lý nhiều trường hợp hơn. Đơn cử như tên lính sẽ không bị bó buộc trong căn nhà nữa mà sẽ tự chuyển sang tấn công khi có dấu hiệu xâm phạm và đuổi theo bạn tới khi nào giết được mục tiêu hoặc… bị giết mới thôi.
Một lần nữa Cyberpunk 2077 khiến người ta thất vọng vì AI không như lời đồn, đặc biệt là những ai vào lời đường mật rằng nó sẽ vượt qua cả RDR2, Skyrim hay GTA V. Thật thú vị với viễn cảnh được trải nghiệm game với đồ họa chuẩn next-gent cùng hệ thống AI siêu cấp mạnh mẽ và thông minh hơn bất cứ trường hợp nào từng được biết trước đó.
Đến khi Cyberpunk 2077 ra mắt người ta có thể cảm thấy đó là một sự phản bội. Ví dụ về AI ngu si trong game thì nhiều lắm không cần phải liệt kê thêm cho mệt. Chúng ta chỉ cần biết rằng vì sức ép phải ra game bằng mọi giá sau nhiều lần trì hoãn đã khiến CD Projekt Red cắt bỏ khá nhiều phần tinh chỉnh dành cho AI. Thế là thay vì có một thành phố đầy những cư dân thiện lành với suy nghĩ và hành động phức tạp, game thủ nhận được một game mang tiếng next-gen nhưng AI còn thua các tựa game đã ra mắt vài năm trước.
Khác với phi vụ hứa lèo hay quảng cáo lố, vấn đề tinh chỉnh lại AI có thể sửa chữa bằng một hay nhiều bản patch trong tương lai. Tất nhiên danh tiếng cũng bị mai một ít nhiều nhưng khác với trường hợp ở trên, việc khắc phục có thể nhìn thấy được kết quả ngay và nếu làm tốt CD Projekt Red có thể vớt vát lại phần nào thanh danh của mình trong lòng game thủ.
Phải biết rằng EA hay Ubisoft, vốn nổi tiếng trong giới game thủ vì các thành tích bất hảo bao năm qua của mình như làm game không có tâm, tham lam vô độ, đê tiện bỉ ổi… cũng chưa dám nói dối một cách trắng trợn như thế về sản phẩm của họ. Còn CDPR vốn giành được yêu mến lâu nay lại tự đạp đổ danh tiếng của mình khi dám phát biểu rằng Cyberpunk 2077 chạy tốt đến bất ngờ (surprisingly well) trên hệ máy PS4/Xbox One.
Một hãng game danh tiếng luôn được gamer xếp vào dạng “có tâm” nhất trên thế giới đã làm điều khó tin đó và dĩ nhiên đã thực sự khiến nhiều người phải bất ngờ theo hướng tiêu cực nhất!