Cyberpunk 2077 - Thảm hoạ phát hành và những bài học chúng ta rút ra được từ nó

08/04/2021 Dù từng một thời làm mưa làm gió nhưng các game stealth action thuần túy càng ngày càng được sản xuất ít đi.

Làm việc quá giờ, quản lý yếu kém, phân biệt đối xử – liệu những thất bại của CD Projekt khi tạo ra Cyberpunk 2077 là do có trục trặc trong hệ thống của họ, hay những điều đó là những điều thường thấy trong quá trình phát triển game bom tấn?

Việc Cyberpunk 2077 có quá nhiều lỗi đã khiến tựa game trở thành thảm hoạ ngay sau khi ra mắt.

Giờ đây khi mọi chuyện đã lắng xuống, có vẻ như là một thời điểm thích hợp để chúng ta cùng suy ngẫm lại về câu chuyện của Cyberpunk 2077. Có hai điều quan trọng cần phải lưu ý trước khi tìm hiểu về những thảm họa xung quanh quá trình phát triển và phát hành của tựa game này. Đầu tiên, trò chơi đã có được doanh thu khá tốt, mặc dù chúng ít hơn đáng kể so với dự đoán của nhiều chuyên gia. Trong ngày đầu tiên mở bán, tựa game đã có doanh số ấn tượng với hơn 13 triệu bản đến tay game thủ và nhanh chóng đưa CD Projekt trở thành công ty có giá trị nhất ở Ba Lan, trước khi những “đợt sóng” về mớ lỗi thảm hoạ của tựa game ồ ạt xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đã làm giá cổ phiếu đảo ngược và đi xuống. Dù vậy đây có thể coi là lần ra mắt trò chơi hoành tráng nhất từ trước đến nay, giúp cho công ty thu về lên tới 609 triệu đô la thông qua các kênh bán hàng tính đến ngày 31 tháng 12.

Với các bản vá lỗi được ra mắt cùng với những biểu hiện hối lỗi của họ, Cyberpunk 2077 cho đến hiện tại thì vẫn có thể được coi là một thành công, một tựa game “Early Access” một cách bất đắc dĩ, đã được hoàn thiện muộn màng về tất cả mọi mặt. Tới nay thì tựa game vẫn là một trò chơi có rất nhiều điểm mạnh, và CD Projekt vẫn có đủ tài chính để khắc phục những điểm yếu của nó. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta được phép quên đi những bài học từ những thất bại của nó.

Cyberpunk 2077

Cyberpunk 2077 vẫn có doanh thu khá cao dù cho những ngày đầu ra mắt có rất nhiều lỗi.

Điều quan trọng thứ hai cần lưu ý là mặc dù sự sáng tạo của Cyberpunk 2077 dường như đã bị bóp chẹt một cách thậm tệ, dù là do studio đã quá tập trung vào các chiến lược tiếp thị hay do các nhân viên đã phải làm việc quá sức đi nữa, thì sự tai tiếng của nó vẫn có thể đã không đến mức nghiêm trọng như vậy. Một sự thật đáng tiếc là trường hợp của Cyberpunk 2077 không phải là trường hợp hiếm có. Quản lý yếu kém, thiếu chặt chẽ, phân biệt đối xử, hay các vấn đề khác xung quanh quá trình phát triển vốn là những điều khá phổ biến khi phát triển một tựa game bom tấn có kinh phí lớn. Bản thân trò chơi được đông đảo game thủ yêu thích The Witcher 3: Wild Hunt của CD Projekt cũng là sản phẩm được tạo ra trong môi trường như vậy. Song Cyberpunk 2077 chỉ tình cờ là một sản phẩm chưa hoàn thiện bị đem phát hành quá sớm, sự vội vã của quá trình tạo ra tựa game chỉ có thể được phát hiện rõ ràng trong vô số lỗi và trục trặc của tựa game. Là dự án đầu tiên không thuộc series The Witcher của CD Projekt và là một tựa game bắn súng RPG dựa trên một board game nổi tiếng của thập niên 80, nó đã thu hút được rất nhiều sự chú ý ở một mức độ có thể nói là rất đáng kinh ngạc. Nhưng sau cùng chính điều đó đã khiến cho những hạn chế của mô hình kinh doanh và văn hóa sáng tạo của studio bị phơi bày và không thể bỏ qua. Đó là một trò chơi khiến chúng ta phải xem xét lại một cách nghiêm túc và toàn diện về cách các trò chơi tầm cỡ lớn được tạo ra và được đem bán trên thị trường.

Các lỗi chiến lược

Cyberpunk 2077

Nguyên nhân dẫn đến thất bại của Cyberpunk 2077 phần lớn đến từ các lỗi chiến lược trong quá trình sản xuất.

Quá trình phát triển và tạo ra Cyberpunk 2077 đã có các lỗi chiến lược quan trọng, một số lỗi trong đó đã được tiết lộ trong một báo cáo vào tháng 1 năm 2021 của Bloomberg trích dẫn từ 20 nhà phát triển giấu tên đã và đang làm việc cho công ty. Trò chơi được công bố vào năm 2012, nhưng phải đến tận năm 2016 mới bắt đầu vào giai đoạn phát triển đầy đủ, chỉ với một đội ngũ nhỏ, và là thời điểm sau khi gói DLC cuối cùng của The Witcher 3 hoàn thành, một quá trình phát triển có thể nói là mang đầy tính may rủi. Đây là tựa game đại diện cho một sự thay đổi lớn về phong cách: một thể loại mới, với góc nhìn thứ nhất thay vì góc nhìn thứ ba, một bối cảnh pha lẫn giữa thành phố mở tự do của GTA với các hoạt động viễn tưởng của Deus Ex, tất cả đều sẽ được tái hiện mà không hề có màn loading ngắt quãng trong quá trình chơi.

Và đó là sai lầm chí mạng đầu tiên của họ, họ đã gạt đi hết mọi lo ngại về những thách thức sẽ gặp phải trong việc cố gắng nhồi nhét tất cả những thứ đó vào một tựa game trên hệ máy PS4 và Xbox One, điều mà ngay cả vào năm 2016 những cỗ máy chơi game đó cũng không thể sánh được với PC chơi game chuyên dụng. Một sai lầm khác nữa là họ đã cố phát triển một phiên bản mới của bộ công cụ REDengine song song với quá trình phát triển trò chơi, thứ mà đáng ra họ nên tập trung phát triển sớm hơn trước khi rờ tay đến Cyberpunk 2077. Cyberpunk 2077 là tác phẩm của một nhóm lớn hơn nhiều so với The Witcher 3, nhưng các nhân viên cho rằng studio đã thực hiện rất kém công việc tổ chức giao tiếp giữa các bộ phận; số lượng nhân công được mở rộng quá thường xuyên cũng đã gây nên rất nhiều sự bối rối. Ngoài ra còn có những sai lầm ở quy mô nhỏ hơn: theo nguồn tin của Bloomberg, họ đã mất đi nhiều tháng phát triển chỉ để làm một bản demo quá sức “ảo diệu” cho E3 2018, để rồi một số tính năng trong bản demo đó sẽ không bao giờ xuất hiện trong thành phẩm cuối cùng.

Từ những sai lầm trên, tất yếu sẽ dẫn đến những tai hại sau đó. CD Projekt đã liên tục trì hoãn ngày ra mắt trò chơi, từ tháng 4 đến tháng 9, rồi lại từ tháng 11 đến tháng 12 năm 2020, nhưng họ vẫn muốn thoát ra khỏi tình trạng đó thật nhanh để có thể phát hành lại tựa game một lần nữa trên hệ máy PS5 và Xbox Series. Vào tháng 6 năm 2019, Iwinski đã hứa rằng công ty sẽ không bắt các nhân viên phát triển của mình làm việc quá sức và “cam kết” tránh tình trạng bắt nhân viên phải làm thêm giờ. Tuy nhiên, vào tháng 9 năm 2020, các giám đốc điều hành của studio đã điều hướng nhân viên làm việc sáu ngày một tuần, 15 tiếng mỗi ngày, một lượng thời gian có thể nói là quá mức áp lực cho các nhân viên. Theo các bài viết của các nhà phát triển cá nhân đăng trên Twitter và Reddit, trên thực tế, nhiều nhóm đã phải làm việc quá giờ từ năm 2019 hoặc thậm chí sớm hơn. Phát biểu với Le Monde vào tháng 6 năm 2018, Marcin Iwinski đã từng cho rằng nhân viên của ông được trả lương cao và sự hy sinh là khía cạnh cần thiết của việc phát triển trò chơi. Marcin Iwinski hiện tại đã không còn suy nghĩ đó nữa và đã quyết liệt khắc phục vấn đề này khi đưa ra một lời hứa vào tháng 1 rằng studio sẽ tránh tình trạng phải làm thêm giờ trong tất cả các dự án trong tương lai.

Vấn đề trong thể loại ‘punk’

Thể loại ‘punk’ của những năm 1980 mà Cyberpunk 2077 lấy cảm hứng có rất nhiều vấn đề nhạy cảm.

Một vấn đề cơ bản khác là Cyberpunk 2077 chịu ảnh hưởng quá nhiều từ các cuốn sách và phim kinh điển của những năm 1980. Một Cyberpunk ‘kinh điển’ có thể gây ra nhiều tranh cãi thời nay, khi nó miêu tả sự tham nhũng và lãng phí của chủ nghĩa tư bản. Thể loại này cũng tràn ngập những định kiến về chủng tộc – đặc biệt là về người Đông Á và Nhật Bản, những người mà chúng ta có thể thấy rất nhiều trong trò chơi cùng những thứ liên quan đến văn hoá phương Đông.

CD Projekt đã có thể khắc phục được sự kế thừa những ảnh hưởng đó bằng cách dành ít thời gian hơn cho mấy cuốn sách kinh điển xưa cũ ấy và dành nhiều thời gian hơn để tham khảo các tựa game -punk khác như những tựa game 1870: Cyberpunk Forever và Diaries Of A Spaceport Janitor. Họ cũng đã có thể tham vấn với các tổ chức vận động cho người đồng tính nữ, đồng tính nam, phi giới tính và chuyển giới như Trans-Fuzja Foundation ở Ba Lan hoặc GLAAD ở Mỹ để hỗ trợ cho việc phát triển tựa game. Trên hết, họ đã có thể cho các nhân viên hiện tại giám sát nhiều hơn về các khía cạnh nhạy cảm này của trò chơi. Nhưng thật đáng tiếc là họ đã không làm vậy, dẫn đến vô số chỉ trích xoay quanh các vấn đề giới tính trong tựa game sau khi nó được ra mắt.

Tuy đã ra mắt thất bại, nhưng Cyberpunk 2077 vẫn là một tựa game đáng để trải nghiệm.

Sau tất cả, mặc dù Cyberpunk 2077 đã tạo nên một ấn tượng khó quên cho cộng đồng game trên thế giới bởi các vấn đề đã xảy ra xung quanh nó, chúng ta cũng không nên định nghĩa toàn bộ tựa game bằng chỉ những vấn đề đó. Thực sự thì môi trường và thành phố rộng lớn của Cyberpunk 2077 khá thú vị để theo dõi và khám phá, nếu như CD Projekt chu đáo và cẩn thận hơn thì có thể mọi chuyện đã khác. Câu chuyện đáng buồn của Cyberpunk 2077 đã nhắc nhở chúng ta rằng lịch sử sẽ luôn lặp lại, và các lãnh đạo của CD Projekt, cũng như các studio làm game khác đang gặp phải những vấn đề tương tự cần rút ra được những bài học để tiến bộ hơn trong việc phát triển và ra mắt các tựa game lớn trong tương lai.

Trang chủ: https://store.steampowered.com/app/1091500/Cyberpunk_2077/

Xem thêm: Tại sao ngày càng khó kiếm được một tựa game Stealth hay?