Ra mắt phiên bản đầu tiên vào năm 2012, đến giờ One Piece: Pirate Warrior vẫn cứ sống khỏe khi ra mắt đến phiên bản thứ 4 của thương hiệu này.
One Piece là bộ truyện tranh kể về cuộc hành trình của Luffy, một gã có vấn đề về thần kinh lúc nào cũng lảm nhảm về giấc mơ trở thành vua hải hải tặc. Ngoài tâm lý bất ổn, Luffy còn có gu thời trang khá nghèo nàn khi lúc nào cũng trung thành với một kiểu ăn bận duy nhất gồm áo ghi-lê phối hợp cùng quần short và chiếc mũ rơm hộ mệnh. Bộ manga này đã trở thành cuốn sách gối đầu giường của không biết bao nhiêu trẻ em tại châu Á và dĩ nhiên cái gì hot thì tự động sẽ có sản phẩm ăn theo. Bộ phận kinh doanh của các công ty đâu phải chỉ để trưng cho đẹp. Trong số loạt sản phẩm ăn theo đó thì game là cái tên không thể không xem trọng bởi đó là phương tiện giúp các fan hâm mộ nhập vai vào tác phẩm mình ưa thích một cách trực quan nhất. Bạn có thể đọc sách và tưởng tượng, bạn có thể xem phim và tưởng tượng nhưng bạn có thể nhập vai vào nhân vật đó khi chơi game luôn chớ không cần tưởng tượng.
Trong số những trò chơi ăn theo thương hiệu One Piece, dòng Pirate Warriors của Koei là rất đáng để chú ý. Về cơ bản dòng Warrior (hay Musou) dù không sở hữu nền tảng cốt truyện quá nổi bật thế nhưng vẫn sở hữu một lượng fan hâm mộ đáng kinh ngạc bởi nếu xét thuần túy về mặt giải trí còn gì chất chơi hơn cảnh tượng một nhát kiếm của nhân vật chính được vung lên sau đó hàng chục kẻ thù sẽ đổ rạp xuống đất như những thân chuối bị đốn ngang gốc. Bản gốc của dòng game Musou vốn chỉ xoay quanh lịch sử như Tam Quốc Diễn Nghĩa hay Sengoku thì những spin-off của nó lại tỏ ra đa dạng và thú vị hơn. Khởi đầu của Musou ngoại truyện chính là màn hợp thể cross-over của hai tựa game nổi tiếng Dynasty Warriors và Samurai Warriors. Khi đó những kẻ sinh sống ở hai thời kỳ lịch sử khác nhau gồm các chiến binh thời Tam Quốc lẫn Sengoku sẽ cùng lưu lạc vào một thời không vô định và phải tiêu diệt quỷ vương Orochi để trở về thế giới cũ.
Nghe có vẻ kỳ dị nhưng bất ngờ trò chơi thập cẩm mang tên Warriors Orochi này lại thành công vượt mức mong đợi và trong vài phần tiếp theo không chỉ có Tam Quốc, Sengoku thậm chí những nhân vật hư cấu khác từ thần thoại Hy Lạp, truyền thuyết phương Đông lẫn cặp bài trùng Taira và Yoshitsune thời Genpei cũng được đưa vào để làm phong phú thêm danh sách nhân vật. Chưa hài lòng với sự thành công mà Warriors Orochi mang lại cũng như cảm thấy mở rộng nội dung của dòng game chặt chém Warriors là một ý tưởng cực kỳ khả dĩ, Koei quyết định bắt tay với nhiều IP khác nhau để cùng kiếm tiền. Đầu tiên là phép thử vô cùng “chắc tay” với dòng Dynasty Warriors: Gundam vào năm 2007 và đạt được một số thành công nhất định, điều này khiến hãng làm game Nhựt Bổn quyết định chơi lớn với nhiều IP khác nhau được liên hệ để mua bản quyền sản xuất game như Legend of Zelda, Fire Emblem hay Dragon Quest. Nổi bật nhất trong số đó chính là IP từ bộ manga nổi tiếng đã làm nên tên tuổi cho thương hiệu One Piece: Pirate Warriors ra mắt lần đầu vào năm 2012.
Giống như những người tiền nhiệm của mình, One Piece: Pirate Warriors 4 tập trung hầu như từng phần trăm trong cốt lõi vào những trận chiến mà các nhân vật chính toàn phải phải đánh nhau theo kiểu một chấp vài ngàn. Nhiều người không có chút đam mê nào với bộ môn này hẳn sẽ thắc mắc, cảm giác chơi game mà chỉ cần vung tay đã có vài chục kẻ địch bị hạ gục thì có gì thú vị đâu. Mọt tui cũng không cắt nghĩa được chuyện đó, chỉ biết rằng cảm giác đó đã vô cùng mà những tựa game chiến đấu theo tỉ lệ thông thường không thể nào mang đến được. Trong 3 phần đầu tiên, người ta chỉ có thể điều khiển băng Mũ Rơm cùng những nhân vật đáng chú ý khác tay bo với kẻ địch trên mặt đất. Trong One Piece: Pirate Warriors 4, chiến trường trên không đã được thêm vào khi người ta có thể thực hiện các đòn combo để giữ kẻ địch rất lâu trên không trung. Giờ đây sẽ có nhiều toan tính hơn để làm sao vừa đánh nhau trên mặt đất nhưng cũng không được quên những kỹ năng có thể sử dụng khi nhảy lên cao, nói chung khá thú vị để nghiên cứu.
Trong hành trình đấm nhau của Luffy với những con boss khó chịu, người chơi có thể thu phục một số kẻ thù cũ để sử dụng trong trận chiến nhưng thứ khiến chúng ta phấn khích nhất có lẽ là đám Titan khổng lồ, nhưng kẻ chỉ nhìn hình thể thôi đã đủ khiến thiên hạ e ngại và Big Mom chính là một trong số đó. Đáng lý đó là điều người ta sẽ cảm thấy thõa mãn, đặc biệt là những fan của bộ Attack On Titan nhưng cuối cùng hệ thống camera tệ hại đã khiến những trận đấu trùm khổng lồ trở nên khó chịu hơn bao giờ hết. Đừng hiểu lầm, bọn Titan có lẽ rất mạnh nhưng chúng đều có những điểm yếu để khai thác nhưng góc quay camera khiến người ta chóng mặt muốn chết thì không có cách nào để khắc phục cả. Trong trận chiến bình thường, bạn có thể lờ điều này đi nhưng lúc đập nhau với băng Titan, khi cần bay nhảy loạn xạ để né đòn thì góc quay tệ hại có khi còn khiến người ta cảm thấy khiếp hãi hơn sức mạnh diệt thế của những con boss.
Giống như các phiên bản trước, cơ chế tấn công của các nhân vật trong One Piece: Pirate Warriors 4 gồm hai đòn đánh thường và tối đa bốn đòn tấn công đặc biệt có thể trang bị một lúc. Dàn nhân vật kế thừa đầy đủ từ phiên bản thứ 3 nhưng có xu hướng mở rộng đáng kể với 40 chiến binh có thể điều khiển ngay từ khi ra mắt, chưa để đến những DLC chờ phát hành và các bản cập nhật nhật bộ sung theo định kỳ. Nhưng cũng đừng nên mừng vội bởi nhiều nhân vật sẽ không thể sử dụng trong chế độ Dramatic Log khi trải nghiệm cốt truyện chính. Trong lần chơi đầu tiên có lẽ người ta sẽ mất hơn 20 tiếng đồng hồ để vượt qua phần nội dung chính trong Dramatic Log và sau đó là hàng chục tiếng nữa để cày cuốc cho các nhân vật mà mình yêu thích. Với các fan kỳ cựu cày nhân vật trong dòng Warrior là một trò đã quá quen không cần nhắc lại, còn người mới thì nên làm quen việc smash nút như điên để cày MAX chỉ số cho các nhân vật khi chơi thể loại game này là vừa.
Kết thúc Dramatic Log sẽ là giai đoạn Free Log để người ta có thể chơi những nhân vật mà bản thân yêu thích nhưng lại không phải là vai chính nên không được sử dụng trong Dramatic Log. Vụ án này sẽ tiếp tục ngốn của người chơi thêm một mớ thời gian nữa nhưng hoàn toàn xứng đáng bởi đôi khi chơi các Free Log lại cảm thấy có ý tư hơn cốt truyện chính rất nhiều. Tất nhiên cũng như bao trò chơi thuộc dòng Warrior khác, khi cảm giác nhiệt huyết ban đầu trôi đi, rất khó để người ta có thể quay lại tựa game này bởi khi mà truyện tranh đã đọc chán rồi thì cốt truyện trong game không thể sáng tạo ra thứ gì đó gây bất ngờ được nữa. Free Log có thể nhưng chỉ vậy là chưa đủ và giống như các phiên bản trước đó, One Piece: Pirate Warriors 4 thuần túy là game kiểu fan service nên phe ủng hộ Oda thì nên mua không cần nghĩ còn không hâm mộ IP One Piece thì cũng đừng nên rước nó về nhà làm gì cho tốn tiền.
Về mặt đồ họa, One Piece: Pirate Warriors 4 tiếp tục đi theo phong cách hoạt hình như những phiên bản trước của nó để phù hợp với tính manga của mình thay vì kiểu tả thực như những người anh em nổi danh Dynasty Warriors hay Samurai Warriors. Riêng về nhạc nền thì game vẫn tuân thủ phong cách quen thuộc của Koei khi vận dụng chất rock sôi động để làm nền cho những pha chặt chém tung trời. Tuy vậy nó lại không có gì độc đáo để phân biệt với Dynasty Warriors khi vẫn lấy lại các tông nhạc đó và các giai điệu rock quen thuộc đó. Nếu như bạn nhắm mắt lại để xem video gameplay của One Piece: Pirate Warriors 4 thì bạn sẽ dễ nhầm lẫn với gameplay của Dynasty Warriors vì âm thanh và nhạc nền gần như rất khó phân biệt.
Nhìn chung, One Piece: Pirate Warriors 4 là một game khá đã tay dành cho các fan của bộ manga hải tặc, nền tảng phong cách Warriors có thể xem là cách hay ho nhất để thể hiện các trận đánh hoành tráng hàng ngàn quân và cảm giác cầm nhân vật mình thích xông pha đập phá thật sướng tay. Và như mọi game Warriors khác, nó là một công cụ giết thời gian tuyệt vời nếu chơi cấp độ thấp và cũng là thử thách thần kinh nếu chơi cấp độ khó nhất.
- Like page ngay nào:
- 8 cùng Gia Đình Mọt:
- Xem nhiều hơn nữa: